Khó khăn vẫn bủa vây

(ĐTTCO) - Hôm nay 23-10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 khai mạc tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội.
Khó khăn vẫn bủa vây

Theo kế hoạch, kỳ họp này sẽ kéo dài hơn 1 tháng với 25,5 ngày làm việc chính thức. Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp cuối năm 2017 là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017 kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; lãi suất giảm 0,5-1%... Kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400USD. 

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng cao so với năm 2016, phản ánh kết quả tăng trưởng năm 2017 là hợp lý, như xuất khẩu ước đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4%; thu ngân sách nhà nước ước tăng 10,1%; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,4% GDP, tăng 12,6%; doanh nghiệp thành lập mới tăng cao... Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2017 tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong ASEAN; môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 5 trong ASEAN.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu; năng suất lao động xã hội tăng 5,87%, cao hơn so với năm 2016 nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm ở các bộ, ngành, địa phương.
Đánh giá về kết quả này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định nhưng các giải pháp, chính sách đã đề ra phải được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn. Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn, như chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thúc đẩy tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh nợ xấu còn cao... 
Hiện nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Nếu tiếp tục yêu cầu nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt tăng trưởng GDP, sẽ gây sức ép với kinh tế vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện. Mặt khác, nếu hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp khi tăng trưởng tín dụng cao, dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới kiểm soát lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế.
Năm 2017, ước thực hiện các chỉ tiêu đều khả quan so với kế hoạch, tuy nhiên để các con số trên thành hiện thực đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn. Bởi lẽ, nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng năm 2017 (gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo) hiện không còn nhiều dư địa. Trong khi đó, tăng trưởng nông nghiệp đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn do phụ thuộc vào thời tiết, thiên tai, bão, lũ lụt vẫn hiện hữu. 

Các tin khác