Khởi nghiệp mệt mỏi thủ tục hành chính

(ĐTTCO) - Báo cáo mới nhất về môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), khi xếp hạng Chỉ số gia nhập thị trường, đã xếp Việt Nam ở hạng 106/190 thế giới. Đây là mức xếp thuộc loại rất thấp và không có cải thiện nhiều năm nay. 
Theo WB, so sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở Việt Nam phức tạp, chồng lấn, gây tốn kém về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Thí dụ, theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan, doanh nghiệp phải nộp lệ phí 100.000 đồng để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại các phòng đăng ký kinh doanh. Đồng thời doanh nghiệp lại phải làm một thủ tục khác và phải nộp lệ phí 300.000 đồng để công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia.
Điều đáng nói, cả 2 thủ tục này có nội dung như nhau và đều được tiến hành tại 1 phòng đăng ký kinh doanh, tức doanh nghiệp phải nộp phí 2 lần.  Đối với mỗi doanh nghiệp khoản phí này không đáng kể, nhưng với mỗi năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, khoản nộp thêm cũng lên đến 30 tỷ đồng.

Trào lưu khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới, nhất là  khởi nghiệp sáng tạo ở nước ta đã có từ nhiều năm nay, với việc hình thành nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học trực tuyến…

Đặc biệt, năm 2016 được xem là năm “Quốc gia khởi nghiệp” khi Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhiều thủ tục hành chính đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khiến doanh nghiệp vuột mất nhiều cơ hội.

Theo khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), có 73% doanh nghiệp cho rằng rào cản liên quan đến cơ chế chính sách do thủ tục rườm rà, gây mất thời gian; 46% cho rằng do chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước; 36% cho rằng do sự thay đổi đột ngột và bất định về chính sách… Chính phủ có hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có cải cách mạnh thủ tục hành chính, nhưng chỉ có 27% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá cao nhóm giải pháp này.

Chính vì rào cản thủ tục hành chính hiện nay, để thành lập, nắm bắt thời cơ, nhanh chóng đi vào hoạt động, doanh nghiệp buộc phải tìm cách đối phó. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp ở quốc gia khác đã không còn là trường hợp đơn lẻ.

Hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường hình thành nhanh chóng, thay đổi vốn góp liên tục, thoái vốn nhanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động trong một giai đoạn nhất định để đáp ứng nhu cầu của thị trường, của nền kinh tế. Sau đó, doanh nghiệp có thể giải thể và thành lập mới, đầu tư theo hướng khác.

Tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc để lo các thủ tục hành chính còn khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nản lòng. Một con số thống kê cho biết, mỗi năm có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp khai sinh. Song con số có thể tồn tại và trụ được trên thương trường chỉ khoảng 10%. Vì sao? Câu trả lời vẫn nằm ở các quy định, chính sách, thủ tục hành chính… những rào cản làm giảm sức cạnh tranh khiến doanh nghiệp khởi nghiệp khó sống. 

Vấn đề đặt ra, hầu hết thủ tục liên quan đến nhà nước, đặc biệt là hệ thống hành chính công đều phải có “bôi trơn”, dù là thủ tục nhỏ nhất. Đó là, tư duy gây khó dễ cho người cần mình đã trở thành bệnh của những người có quyền nhận xét, phê chuẩn, thừa nhận, đánh giá, đồng ý hay không đồng ý… đối với người khác.

Tư duy này dẫn đến việc lợi ích của người bị đánh giá, được công nhận hay được thừa nhận, mức độ, cấp độ cao hay thấp phụ thuộc vào người mà Nhà nước trao cho họ thẩm quyền. Và đây chính là gốc rễ, cội nguồn của cơ chế xin-cho, đang hành doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng.

Việc cần làm lúc này là tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hỗ trợ, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng như tháo gỡ các rào cản trong thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Chỉ khi giảm thiểu chi phí và các yêu cầu tuân thủ theo quy định cũng như trên thực tế, mới thực sự khuyến khích phong trào khởi nghiệp phát triển cả về lượng và chất. 

Các tin khác