Không thể chậm trễ hơn nữa

(ĐTTCO) - Ngày 25-6, Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn thẻ vàng đối với ngành hải sản của Việt Nam thêm 6 tháng, tức tới đầu năm 2019.
Không thể chậm trễ hơn nữa
 Nguyên nhân chính do Việt Nam chưa tích cực tham gia công tác chống khai thác IUU - chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Theo EU việc đánh bắt bất hợp pháp là mối đe dọa lớn nhất đến duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới với thiệt hại khoảng 10-23,5 tỷ USD mỗi năm.
Trước đó, ngày 23-10-2017, Liên minh châu Âu (EU) đã rút thẻ vàng cảnh cáo đối với ngành khai thác hải sản Việt Nam, đồng thời ra thời hạn 6 tháng để Việt Nam khắc phục các thiếu sót.
 Nếu 6 tháng không có cải thiện theo đánh giá của EU sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU. Cụ thể, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian sẽ kéo dài tới 3-4 tuần/container, riêng phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 15 triệu đồng/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. 
Ngay sau khi bị phạt thẻ, Thủ tướng đã chỉ thị triển khai một số giải pháp cấp bách trong đó nội dung quan trọng là ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm khai thác IUU. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương đã triển khai và giao nhiệm vụ về tận các huyện cũng như các ngành có liên quan.
Bên cạnh việc gắn trách nhiệm của các cấp quản lý ngành chức năng không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, sẽ tước giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm.
Ở cấp độ quản lý chuyên ngành, Bộ NN-PTNT đã nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase); đưa các nội dung chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp vào dự thảo Luật Thủy sản và được Quốc hội thông qua tháng 11-2017. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) cũng như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) có nhiều nỗ lực, như thành lập Ban Điều hành chương trình chống khai thác IUU, công bố sách trắng về chống khai thác IUU… 
Cộng đồng DN là những người ý thức rất rõ việc cần thiết phải tham gia chống hoạt động khai thác IUU. Đã có hàng trăm DN cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, chỉ nhập khẩu hải sản được khai thác hợp pháp, không thu mua hải sản từ các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, không có giấy phép khai thác…
Đây là một trong những hành động thể hiện sự đồng lòng quyết tâm của DN cũng như bảo vệ uy tín sản phẩm hải sản.
Thế nhưng những nỗ lực trên của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của EU. Theo EC, thời gian qua Việt Nam vẫn thiếu hành động để chấm dứt các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được thực hiện bởi các tàu thuyền Việt Nam trên vùng biển của các nước láng giềng, bao gồm cả các quốc đảo nhỏ đang phát triển ở Thái Bình Dương. Việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều lỗ hổng. Việc kiểm soát đánh bắt cũng lộ rõ nhiều vấn đề cần xử lý.
Hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar - thiết bị giám sát hành trình mới kiểm soát được tàu cá trên biển. Lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất lớn. Nguyên nhân do thiếu kinh phí lắp đặt thiết bị này, trong khi đây là yêu cầu nghiêm ngặt của EU trong việc giám sát, quản lý chống khai thác bất hợp pháp trên biển. Và cũng chính từ điểm yếu này, hản sản Việt Nam vào EU đã bị gia hạn thẻ vàng thêm 6 tháng.
Liệu trong 6 tháng tới chúng ta có thể khắc phục các thiếu sót trên. Nếu không có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình, nguy cơ Việt Nam sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU, là hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, mục tiêu của EU là muốn ngành khai thác hải sản của Việt Nam thay đổi tích cực hơn. Trong đó có việc hoàn thiện các chính sách quản lý thông tin, quản lý nguồn lợi hải sản, kế hoạch đánh bắt. Với việc khai thác bài bản như vậy, hải sản vùng biển Việt Nam sẽ dồi dào hơn nên việc khai thác cũng bền vững hơn. 

Các tin khác