Kiểm soát chặt cơ cấu tín dụng

(ĐTTCO) - Tín dụng tăng nhanh khiến nhiều ngân hàng (NH) sắp cạn room và đang chờ NHNN xem xét điều chỉnh.

 

Kiểm soát chặt cơ cấu tín dụng

 Trong tình hình hiện tại, room tín dụng cần phải nới thêm nhưng cũng cần cân nhắc tăng ở mức phù hợp, và phải kiểm soát để tín dụng đến những lĩnh vực có khả năng tạo ra GDP mới đạt được hiệu quả.

Năm 2016, tín dụng tăng trưởng 18,71% và đầu năm 2017, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18%, đã phân bổ, chỉ đạo về mức tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) để các TCTD có cơ sở thực hiện, hoạch định chính sách tín dụng.

Đồng thời, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chú trọng quản lý rủi ro tín dụng, kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, cho vay lĩnh vực bất động sản, các khoản tín dụng cho vay dự án BT và BOT.

Sau gần 8 tháng, tín dụng đã ghi nhận sự tăng trưởng khởi sắc khi đến giữa tháng 8 đã tăng gần 9,7% và tỷ lệ vốn cho vay lĩnh vực sản xuất đạt 80%, số còn lại vào các lĩnh vực khác. Nếu theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đề ra từ đầu năm, những tháng cuối năm, áp lực để tín dụng tăng trưởng đúng chỉ tiêu đề ra từ đầu năm không lớn.
Tại phiên họp thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty vào đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thống đốc NHNN có kế hoạch, lộ trình để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21-22%. 

Tuy nhiên, sau đợt tham vấn thường niên về tình hình kinh tế Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ lo ngại về mức tăng trưởng tín dụng quá nhanh của Việt Nam có thể gây ra những rủi ro mới. Theo IMF, tín dụng của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 tăng nhanh, đẩy tỷ lệ tín dụng/GDP tăng thêm 23,5%, đạt đến 124%. Nếu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 đạt mục tiêu 15-17%, tỷ lệ này sẽ còn nới rộng hơn và mức độ rủi ro ổn định tài chính sẽ cao hơn. IMF khuyến nghị Việt Nam nên giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống còn 15%/năm và tỷ lệ tín dụng/GDP về mức 80% là hợp lý. Còn theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Chính phủ muốn tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6,7%, việc kích tăng tín dụng rất quan trọng, nên dự kiến tín dụng vẫn sẽ bám sát định hướng Chính phủ đề ra.

Trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh, hạn mức tín dụng NHNN cấp cho các NH đã nhanh chóng vơi đi, đồng nghĩa áp lực phải nới room tín dụng. Vấn đề đặt ra là chỉ cần NHTM được phép đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lên 20%, lợi nhuận trước thuế của 7 NH niêm yết trong năm 2017 có thể tăng 12% so với ước tính ban đầu, ước đạt 40.500 tỷ đồng.
Như vậy, room tín dụng được nới càng nhiều, các NH càng lãi lớn. Song đa số các NH cho biết hạn mức tín dụng trong đơn xin nới room gửi lên NHNN thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng năm 2016, phù hợp với nhu cầu, không chạy theo tăng nóng tín dụng bằng mọi giá. Vì nợ xấu và tín dụng là 2 mặt của 1 đồng xu, tín dụng tăng nóng thường làm tăng tỷ lệ nợ xấu, nợ xấu tăng quay ngược lại cản trở tín dụng. Trước đây các NH đã từng tăng tín dụng nóng dẫn đến nợ xấu tăng cao, hệ lụy kéo dài cho đến nay và phải cần đến một đạo luật để xử lý như Nghị quyết 42. Do đó, sự thận trọng trong việc xem xét nới hạn mức tín dụng là điều dễ hiểu.

Thực tế hiện nay các thành phần kinh tế ở Việt Nam đều phụ thuộc vào tín dụng NH để hoạt động, nên tăng tín dụng là cần thiết để phát triển kinh tế. Nhưng khi tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ huy động vốn, được xem là dấu hiệu của tăng trưởng nóng và tiếp tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến thanh khoản của các NHTM.
Hơn nữa, những tháng đầu năm, NHNN cho biết 80% tín dụng vào sản xuất kinh doanh cũng đặt ra vấn đề tại sao tăng trưởng GDP lại thấp trong khi tăng trưởng tín dụng lại cao. Nguyên nhân chủ yếu là tín dụng đang đi vào thị trường thứ cấp thay vì cho vay thị trường sơ cấp. Như cho vay bất động sản tập trung vào phân khúc nhà đã hình thành để trao đổi mua bán hay cho vay chứng khoán để tài trợ giao dịch mua bán cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường thứ cấp nên không tạo ra GDP. Đây là những vấn đề cần xem xét.

Các tin khác