Kỳ vọng sự thay đổi

(ĐTTCO) - Từ hôm nay 16-11 đến hết ngày 18-11, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyển thông, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao. 
Kỳ vọng sự thay đổi

Trước khi khép lại, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trả lời về những nội dung đại biểu chất vấn.

Liên quan đến các vấn đề kinh tế, những nội dung được ĐB quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, là về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.

Các vấn đề này đã được nhiều ĐB bày tỏ lo ngại khi bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. Nợ công dự báo đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu tỷ đồng; trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước (bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng).

 Khả năng trả nợ khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đáo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 vẫn không khắc phục được, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỷ đồng. 
Trong khi đó, việc tinh giản biên chế không đạt mục tiêu nên thực hiện giảm chi bộ máy không hiệu quả. Năm 2015 và 2016 khối hành chính giảm được 0,83%, còn quá xa so với mục tiêu 2021 giảm 10%. Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ lo lắng khi tình hình thu chi ngân sách của Nhà nước và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây, vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới 64%, vẫn là nợ công đang sắp đụng trần 65% Quốc hội cho phép...
Vấn đề cân đối ngân sách nhà nước và giảm nợ công để bảo đảm an toàn là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Nhưng vì "miệng ăn núi lở" nên tình hình tài khóa của đất nước hiện nay không phụ thuộc nhiều vào Bộ Tài chính, mà chủ yếu vào năng lực cắt giảm biên chế và tinh gọn bộ máy của Bộ Nội vụ. 
Phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại tăng trưởng quý IV đang trông vào những giải pháp ngắn hạn.
Thí dụ chúng ta đẩy mức tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 21%. Nếu đẩy tín dụng nhưng không xác định tín dụng đi về đâu và không xác định kiểm soát lạm phát lâu dài sẽ rất ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn của các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cũng tạo áp lực cho ngành ngân hàng.
Theo phương án của Chính phủ, dự án dự kiến huy động nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng 63.716 tỷ đồng và phần lớn trong số đó là vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước. Và, để có thể hỗ trợ dự án này, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng quy định tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn từ ngày 1-1-2018 là 45% (quy định cũ là 40%) và ban hành trong thời gian tới để tăng khả năng tài trợ của các tổ chức tín dụng đối với dự án. Trường hợp các cơ chế được chấp thuận, mức huy động vốn tín dụng khoảng 50.000 tỷ đồng giai đoạn 2017-2020.
Tìm ra giải pháp để tháo gỡ những thách thức đã đặt ra cũng như triển khai được trên thực tế là không dễ, bởi những điều đó liên quan đến không chỉ 2 ngành tài chính, ngân hàng. Do đó, ĐB đòi hỏi không chỉ tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt của tư lệnh 2 ngành này mà còn cả các trưởng ngành liên quan, làm sao để cử tri thấy lời nói phải đi liền với hành động, thấy một Chính phủ rất minh bạch, kiến tạo, hành động.
Đã qua rồi cái thời người được chất vấn đọc báo cáo rất dài, rất thong thả để việc hỏi - đáp chỉ gói gọn trong vài chục phút êm đềm, còn lại mong ĐB thông cảm, thời gian có hạn, sẽ trả lời bằng văn bản. Sức mạnh của tính công khai sẽ giúp chỉ rõ mọi yếu kém, những giải pháp được luận bàn ra ngô, ra khoai và quyết tâm thúc đẩy.
Thời gian trả lời chất vấn luôn quý giá để bộ trưởng tranh thủ sự ủng hộ của ĐB, cử tri và dư luận. Cử tri cần những thông tin chuẩn xác, những kiến giải trách nhiệm và sự chuyển biến trên thực tiễn. Sự chân thành, kỹ lưỡng chắc sẽ tạo thiện cảm hơn những phát ngôn kiểu “đếm cua trong lỗ” về thị trường thế giới 7 triệu tấn tôm như dọn chỗ sẵn của người đứng đầu ngành nông nghiệp.
Ngược lại, các ĐB cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để đặt câu hỏi, tranh luận, tận dụng khoảng thời gian vốn rất ngặt nghèo. Câu hỏi có bao quát nội dung và dành đất cho bộ trưởng trả lời hay chỉ để khoe kiến thức hoặc “kêu khó” cho địa phương sẽ được soi chiếu qua con mắt giám sát của hàng chục triệu cử tri.
Không khí dân chủ của Quốc hội lan tỏa ra xã hội, thái độ trách nhiệm chung lo việc nước của mỗi cử tri là nguồn vốn quý giá cần được phát huy. Sức nóng của các phiên chất vấn sẽ chỉ có ý nghĩa khi nó là nguồn năng lượng mạnh mẽ thúc đẩy quyết tâm và trách nhiệm hành động. Suy cho cùng, cái quan trọng nhất vẫn là hiệu quả hậu chất vấn, là sự đi lên của đời sống người dân sau tuyên bố và lời hứa của những người được nhân dân tin cậy giao trọng trách.

Các tin khác