Loạn kiểm tra chuyên ngành

(ĐTTCO) - Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố đã khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Loạn kiểm tra chuyên ngành
Đó là mỗi năm các doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.300 tỷ đồng nhằm đáp ứng các thủ tục về quản lý chuyên ngành để kiểm tra số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành lên đến khoảng 100.000 mặt hàng.
Kết quả rà soát của CIEM cũng cho thấy số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành lên đến 414 văn bản, trong đó 30 văn bản luật, pháp lệnh; 97 các nghị định và 287 thông tư. Đặc biệt, nhiều mặt hàng có tên “mặt hàng khác”, giống như những cái “bẫy’ khiến DN không thể lường hết khi làm thủ tục.
Những con số này đang chỉ ra một thực tế: Cùng với việc bị bủa vây bởi “rừng” giấy phép con, cháu sinh sôi nảy nở từ hàng ngàn điều kiện kinh doanh, thì gánh nặng về thời gian và chi phí tiền bạc khi phải tuân thủ các thủ tục quản lý chuyên ngành đang hợp sức “bóp chết” DN. 
Xin được nêu vài thí dụ: Mỗi năm TPHCM nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn thép các loại. Trung bình mỗi DN ngành thép có 5-10 mẫu thép nhập khẩu phải qua kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, mỗi mẫu thép nhập khẩu phải qua tối thiểu 2 cơ quan chuyên ngành để kiểm tra tính hợp chuẩn, hợp quy và 1 cơ quan kiểm định của hải quan để kiểm tra mã HS nhằm tính thuế.
Chính chi phí kiểm tra chuyên ngành đã làm đội giá thành sản phẩm lên đáng kể, chưa kể thời gian kiểm tra quá lâu, khiến nhiều DN bị đối tác phạt vì chậm trễ thực hiện hợp đồng.
Tương tự, 1 DN chuyên kinh doanh các sản phẩm sữa nhập khẩu, cho biết bình quân nhập khẩu 100 thùng sữa, lấy mẫu kiểm tra mất gần 1 thùng. Đó là sản phẩm đơn chất, còn nếu là sản phẩm hợp thành của nhiều chất khác nhau quá trình kiểm nghiệm còn phức tạp hơn. Chưa hết, sản phẩm sữa nhập về dù đã có chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Y tế, nhưng DN vẫn phải cần giấy kiểm dịch động vật của Bộ NN-PTNT và giấy ATTP của Bộ Công Thương.

Tình trạng hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do 1 hoặc nhiều bộ quy định còn thể hiện rõ ở sản phẩm sữa chua, pho-mát khi phải chịu sự kiểm tra của 2 bộ, vừa phải kiểm dịch động vật vừa phải kiểm tra ATTP.
Thậm chí mặt hàng phân bón phải chịu 3 loại quản lý và kiểm tra, gồm giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy. Bên cạnh đó có trường hợp 1 mặt hàng nhưng lại chịu nhiều hình thức quản lý của cùng 1 bộ. Thí dụ mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật; thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra ATTP của Bộ NN-PTNT.

Một khảo sát mới đây của CIEM cho biết trong số DN bị thanh kiểm tra thuế, có 80% DN bị cơ quan thanh kiểm tra và 9% DN phải tiếp đón các đoàn thanh kiểm tra không phải là cơ quan thuế nhưng cũng thanh kiểm tra thuế.
Các cơ quan đó là công an kinh tế, kiểm toán, thanh tra tỉnh, quản lý thị trường, Sở TN-MT, Sở GTVT, Sở KH-ĐT, Sở Công Thương, Sở LĐ-TB-XH. Thậm chí kiểm lâm hoặc chính quyền quận, huyện và phường... cũng kiểm tra thuế DN. Loạn các thủ tục kiểm tra chuyên ngành làm ảnh hưởng cơ hội đầu tư kinh doanh của hàng chục ngàn DN. Có những thủ tục kiểm tra chuyên ngành tới 60.000 trường hợp nhưng chỉ phát hiện ra hơn 30 trường hợp vi phạm.
Có những thủ tục kiểm tra hàng chục năm nay nhưng chẳng phát hiện ra sai phạm nào. Thế nhưng, chưa hề có động thái cắt bỏ thủ tục “hành là chính” nào được tiến hành, dù việc này đã được Chính phủ chỉ đạo nhiều lần.

Điều này đang đi ngược mục tiêu Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách môi trường và điều kiện kinh doanh, đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.
Theo Nghị quyết 19, trong quý I-2017, các bộ phải ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan, theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm...
Tuy nhiên đến nay, theo Bộ Tài chính chưa có bộ nào ban hành danh mục này. Cộng đồng DN kỳ vọng vào sự thay đổi để tạo thuận lợi hoạt động, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bởi theo một tính toán, chỉ cần giảm thời gian thông quan 1 ngày, mỗi năm có thể tiết kiệm được 800 triệu USD.

Các tin khác