Người dân vào cuộc, cơ quan chức năng thờ ơ

(ĐTTCO) - Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát sỏi...
Người dân vào cuộc, cơ quan chức năng thờ ơ
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi là công tác quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa phối hợp chặt chẽ. Một số quy định pháp luật còn bất cập; việc phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng; một số nơi buông lỏng quản lý. Thậm chí dư luận cho rằng có biểu hiện lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Nỗ day dứt của người lãnh đạo Chính phủ cũng đang là bức xúc của người dân hiện nay, khi hàng năm nhiều triệu m3 cát đã và đang bị khai thác trái phép. 

Tài nguyên bị thất thoát, môi trường các dòng sông bị hủy hoại, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều nhà cửa của người dân bị nhấn chìm dưới lòng sông. Và trong khi câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, người dân ở nhiều địa phương đã buộc phải vào cuộc để tự cứu lấy mình. Mới đây các hộ dân trong ấp Tân Bắc xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã thành lập tổ tuần tra chống hút trộm cát. Tổ gồm 12 thành viên gom góp tiền bạc mua 1 chiếc ghe để hoạt động. Chi phí nhiên liệu do các hộ đóng góp. Tổ cũng trang bị áo phao mượn từ trạm y tế xã cho mỗi thành viên. 

Trước đó, người dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương tự mua thuyền, lập chốt canh... chống cát tặc. Theo đó, người dân trong thôn đã góp tiền dựng chòi trực sát sông, mua 1 thuyền máy hơn 20 triệu đồng, chở được khoảng 10 người. Thôn cũng lập ra một đội tự vệ với khoảng 30 thành viên thay phiên nhau xuống chòi chốt trực. Họ cho biết chỉ mong yên ổn làm ăn, chẳng ai muốn lập "chiến lũy" như thế này. Nhưng để giữ đất, cả làng phải bớt thời gian lao động, thức đêm thức hôm làm công việc bất đắc dĩ này.

Trong khi người dân có động thái mạnh mẽ, chính quyền nhiều địa phương lại có phản ứng khác thường. Các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Vĩnh Long, Trà Vinh… đã có văn bản (hoặc có chủ trương) nêu rõ trên địa bàn tỉnh đang cần một lượng cát rất lớn để phục vụ xây dựng các công trình thiết yếu, nhưng trữ lượng các mỏ cát xây dựng lại rất hạn chế. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình, yêu cầu các cơ quan chức năng không được làm thủ tục để vận chuyển cát xây dựng ra khỏi địa bàn tỉnh.

Những việc làm của người dân đã góp phần giảm nạn khai thác cát trái phép, song việc chống nạn khai thác cát trái phép đã bị cát tặc trả đũa. Như vụ tẩm xăng đốt nhà một người dân ở Nam Sách, Hải Dương vì đã “cả gan” bắt giữ một tàu hút cát trộm. Hay việc phát hiện cát tặc đang hoạt động, tổ tuần tra chống hút trộm cát tỉnh Vĩnh Long đuổi theo, đã bị chúng dùng vòi rồng xịt văng xuống sông. Thậm chí tại ấp Tân Bắc, Bến Tre, khi người dân phản đối khai thác cát lậu, các đối tượng cát tặc sử dụng hung khí để hành hung, một số người dân đã phải nhập viện. Vậy hóa ra, bắt cát tặc lại là người dân tay không! Còn bộ máy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, với đầy đủ thẩm quyền, với không ít phương tiện dường không có hành động dũng cảm, đúng mức theo chức năng của mình.

Khai thác cát lậu hoặc không phép là do lợi nhuận từ bán cát quá lớn nên các cá nhân, đơn vị bất chấp pháp luật. Để ngăn chặn cát tặc cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp các ngành liên quan.
Như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác cát, sỏi ở các địa phương, kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng lập bến bãi thu mua cát trái phép, khai thác cát, sỏi trái phép. Trong cuộc chiến này, người dân luôn sẵn sàng tiếp sức, hậu thuẫn, đóng góp nguồn lực cho công việc chung. Nhưng việc khoán trắng cho người dân trước vấn nạn này là điều đáng trách.

Các tin khác