Nhập siêu vẫn rình rập

(ĐTTCO) - Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1 đạt 40,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 12-2018 và tăng 0,89% so với tháng 1-2018. 
Nhập siêu vẫn rình rập

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng 12-2018; nhập khẩu ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12-2018 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, trong tháng 1, ước nhập siêu hàng hóa đạt 800 triệu USD, bằng 4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Sau những thành tựu đạt được trong lĩnh vực xuất khẩu năm 2018, chúng ta kỳ vọng sẽ tạo đà để bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm 2019. Bởi lẽ, xuất khẩu năm nay có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. 

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm nay, đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài, giúp doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới. 
Chính vì thế, hầu như tất cả ngành xuất khẩu chủ lực đều đặt mục tiêu năm nay cao hơn năm ngoái. Cụ thể, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 21,5 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với 2018. Mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam là xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với 2018. Tiếp đà tăng trưởng 2018, năm nay ngành nông nghiệp kỳ vọng bứt phá, đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 43 tỷ USD… Từ đó, Bộ Công Thương nhận định năm 2019 kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể đạt 258 tỷ USD. 
Theo bộ này, dung lượng thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Đó là việc đến nay Việt Nam đã chính thức ký 13 FTA, tạo cơ hội cho hàng Việt rộng cửa hơn vào các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa năm nay tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo cũng sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. 
Kỳ vọng nữa của Bộ Công Thương là xuất khẩu các mặt hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại được dự báo sẽ tăng trong những tháng tới. Bởi theo dự kiến, bộ đôi smartphone màn hình gập và Galaxy S10 của Samsung sẽ được giới thiệu ngày 20-2 tại San Francisco và London, nhân kỷ niệm 10 năm ra mắt dòng Galaxy S. Ngoài ra, khả năng công suất của nhà máy Samsung ở Việt Nam sẽ được tận dụng tối đa trong năm 2019 sau khi Samsung Electronics đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại tại Thiên Tân, Trung Quốc và gặp khó khăn về sản xuất tại Ấn Độ.
Thực tế, trong những năm qua cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều năm qua Việt Nam vẫn nổi tiếng là nước xuất khẩu hàng hóa từ việc tận dụng lao động cũng như tỷ lệ chế biến còn thấp, đặc biệt là việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Hiện tại, với những dữ liệu dự báo tăng trưởng toàn cầu, quy mô thị trường và nhu cầu hàng hóa giảm, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, tình hình thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực, do Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các giải pháp kinh tế để giảm nhập siêu, dần cân bằng cán cân thương mại. Ngoài ra, nhiều nước sẽ gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước.
Theo đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khó khăn hơn, như giá nông sản không còn là yếu tố thuận lợi, nếu không giải quyết được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sẽ khó có đột biến trong năm 2019. Xuất khẩu dầu thô có khả năng giảm do sản lượng khai thác giảm. Xuất khẩu điện thoại và điện tử chạm ngưỡng công suất… 
Đặc biệt, nhập siêu sẽ là thách thức lớn với nền kinh tế trong năm 2019 do nhiều ưu đãi về thuế. Thực tế này khiến hàng hóa từ các nước vào Việt Nam với giá thấp hơn. Vì thế, ngưỡng nào cho tăng trưởng xuất khẩu với nhiều mặt hàng đang là bài toán cần cân nhắc.
Vấn đề là phát triển sản xuất và tạo nguồn hàng chất lượng; đẩy mạnh phát triển và mở cửa thị trường; tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất, chế biến - là những giải pháp trọng tâm cần được tập trung thực hiện. Có vậy mới kỳ vọng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2019 - năm được đánh giá nhiều khó khăn, sau mức xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2018.

Các tin khác