Những “quả bom” tro xỉ!

(ĐTTCO) - Trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu, hầu hết quốc gia đều chuyển hướng sang năng lượng tái tạo, riêng ngành năng lượng Việt Nam lại phát triển ngược chiều, khi chúng ta đang đứng thứ 3 trên thế giới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. 
Những “quả bom” tro xỉ!
Chưa hết, trong Chiến lược phát triển ngành điện theo Quy hoạch điện VII, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng Việt Nam. Cụ thể, sản lượng nhiệt điện than chiếm 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025. Vào năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 64 nhà máy nhiệt điện than, công suất tổng cộng 55.300MW, cho sản lượng 304 tỷ KWh, chiếm 53,2% tổng sản lượng điện, tiêu thụ 129 triệu tấn than.
Cũng trên mục này, ĐTTC đã từng có bài cảnh báo việc nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí, nước, đất, các bệnh đường hô hấp, ung thư, là nguồn phát các chất nguy hại như thủy ngân, selen, asen, chì, cadmi, kim loại nặng, phát tro bụi, gây mưa axit phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp, phát khí thải nhà kính, làm trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu…
Các tổ chức quốc tế đưa ra ước tính mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17USD. Một điều cũng được nhắc đến thường xuyên là nhiệt điện than dự phần rất lớn vào việc hủy hoại môi trường biển. Vì nhiệt điện than cần lượng nước rất lớn cho hệ thống làm mát nên các nhà máy có xu hướng đặt ven biển. Tuy nhiên, trong bối cảnh dự án điện nguyên tử đã bị dừng, điện gió và điện mặt trời không đủ đáp ứng nhu cầu, nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, nhiệt điện than được Bộ Công Thương đánh giá là sự lựa chọn cần thiết. 
Theo báo cáo của bộ này, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 13.110MW. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt 24.370MW. Theo các tính toán, sản lượng nhiệt điện than chiếm đến 45% cơ cấu nguồn điện. Ưu điểm của nhiệt điện than là giá thành sản xuất thấp, chỉ khoảng 0,7USD/KWh; vốn đầu tư không quá cao với khoảng 1.500USD/KWh - thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân. Ngoài ra, nhiệt điện than có khả năng huy động công suất lớn nên sản lượng điện phát ra lớn và không lệ thuộc vào yếu tố tự nhiên như một số nguồn điện sạch khác. Thậm chí, có ý kiến cho rằng than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại trong khoảng 300 năm nữa nên không lo về an ninh năng lượng. Việt Nam lại ở gần các nguồn cung cấp than lớn như Indonesia, Australia. Nếu nhà máy nhiệt điện than thực hiện nghiêm túc việc xử lý các chất thải độc hại sẽ không có vấn đề gì. 
Trong khi các nhà quản lý tỏ ra lạc quan với nhiệt điện than, nhiều chuyên gia môi trường lại tỏ ra lo ngại về vấn đề môi trường quanh việc đầu tư nhiệt điện than. Mới đây UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu dừng vận hành thử nghiệm tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, sau khi đốt lò thông thổi đường ống tạo cột khói khổng lồ. Đã có ý kiến thẳng thắn cho rằng để đánh lừa dư luận, các nhà tư vấn, nhà đầu tư thường hô hào sẽ áp dụng các công nghệ cao trong việc sản xuất điện than. Công nghệ hiện đại hiện nay là siêu tới hạn và trên siêu tới hạn nhưng cũng chỉ giúp giảm ô nhiễm khoảng 10-15% so với công nghệ cận tới hạn, phổ biến ở Việt Nam hiện nay. 
Luồng ý kiến này lý giải, sản xuất ra 1kW điện, tương ứng thải ra môi trường 1kg CO2. Như vậy giảm 10-15% nguồn gây ô nhiễm này cũng không có nhiều ý nghĩa so với lượng thải ra. Chưa kể nước làm mát thải ra môi trường theo tiêu chuẩn chỉ cần dưới 40 độ C, nên dù đảm bảo tiêu chuẩn nhưng nếu nước thải ở nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C khó loài thủy sinh nào sống nổi. Lý lẽ những người ủng hộ nhiệt điện thường đưa ra là “sẽ áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới, của các nước phát triển”. Điều này có làm chúng ta yên tâm hơn? Câu trả lời là không! Vì khi họ đầu tư, mang công nghệ vào Việt Nam, thứ nhất công nghệ đó đã lạc hậu hơn của họ. Điều thứ hai và rất quan trọng là họ phải tuân thủ luật pháp nước sở tại, trong khi các tiêu chuẩn môi trường của chúng ta thấp hơn các nước phát triển. Cũng phải lưu ý rằng chi phí đầu tư để xử lý môi trường đối với nhiệt điện than rất cao và xử lý càng thân thiện với môi trường càng đắt tiền.
Điều dư luận lo ngại nhất khi phát triển nhiệt điện than là khối lượng tro, xỉ phát sinh. Hiện với 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành có tổng công suất khoảng 13.110MW, lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ phát sinh lượng tro, xỉ thải khoảng 15,8% triệu tấn (trong đó 80-85% tro bay và 15-20% xỉ đáy lò). Trên thực tế, năm 2016, tổng lượng tro, xỉ phát sinh vào khoảng hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tổng lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra từ các nhà máy nhiệt điện mới tiêu thụ được khoảng 25-30% tổng lượng thải ra. Việc lưu trữ tro, xỉ tại bãi thải có thể gây ra các tác động tới môi trường như rò rỉ nước từ bãi thải xỉ, chiếm diện tích lớn để lưu giữ, dễ phát tán bụi kích thước nhỏ, các thành phần trong tro, xỉ có thể gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. 
Thực trạng trên cho thấy lo ngại việc bảo đảm môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than - những “quả bom” tro xỉ - là hoàn toàn có cơ sở. Hóa giải bằng cách nào?

Các tin khác