Phi thực tế, bất khả thi

(ĐTTCO) - Vụ việc người dân bán 100USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ chưa nguôi ngoai, dư luận lại ngỡ ngàng trước quy định sẽ buộc thôi học đối với sinh viên sư phạm bán dâm… 4 lần của Bộ GD-ĐT. 
Phi thực tế, bất khả thi
Đó là việc Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp để lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học sinh viên bị khiển trách, lần thứ hai sẽ cảnh cáo, lần thứ ba đình chỉ có thời hạn và lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học.
Thực tế có không ít văn bản như từ "trên trời rơi xuống”, có dấu hiệu trái luật, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc. Và càng lo lắng hơn khi số lượng văn bản có dấu hiệu trái luật phát hiện hàng năm chưa có dấu hiệu giảm. Bởi lẽ, hành vi mua dâm và bán dâm đã bị pháp luật nghiêm cấm.

 Và đã cấm làm gì có lần thứ nhất hay lần thứ tư. Người hoạt động mại dâm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự dù lần thứ nhất hay thứ hai. Xâu chuỗi lại hàng loạt quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, sẽ thấy đang tồn tại rất nhiều điều khoản pháp lý bất khả thi.

Có thể kể ra Nghị định 52/2012, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Theo đó, từ ngày 5-8-2012, người sử dụng điện thoại di động ở cửa hàng xăng dầu bị phạt 5 triệu đồng. Thực tế, người ta vẫn nghe - gọi điện thoại chỗ cây xăng mà chưa có ai bị phạt. Hay Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính phủ, về việc nghiêm cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010, đã 8 năm qua hầu như không có ai bị phạt và hình ảnh phì phèo thuốc lá có thể bắt gặp ở bất cứ nơi công cộng nào, vào mọi lúc.

Hoặc Nghị định 46/2016, quy định từ ngày 1-8-2016, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, vượt dải phân cách... sẽ bị phạt hành chính 50.000-200.000 đồng. Thực tế người dân vẫn qua đường sai quy định rất nhiều nhưng không ai bị phạt…

Đó là chưa kể rất nhiều quy định đã “chết từ trong trứng nước”, như ngực lép không được phép lái xe, viếng tang không quá 7 vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài; bán thịt chỉ trong 8 giờ; cấm bán bia vỉa hè, kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 30°C; xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức đổ rác không đúng nơi quy định; UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông; Mẹ Việt Nam anh hùng thi vào đại học được cộng thêm điểm; ngành công an quy định giấy chứng minh nhân dân phải có tên cha mẹ; bộ quy tắc dành cho công chức Hà Nội quy định không được sử dụng nước hoa đậm mùi, son phấn lòe loẹt, xăm trổ… đã trở nên không hiếm trong “rừng luật” hiện nay.

Năm 2014, cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đã tiến hành kiểm tra 3.887 văn bản do bộ ngành, địa phương ban hành và phát hiện 634 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức. Trong số này, số văn bản do bộ ngành ban hành 46 và các địa phương 588.

Như vậy, trung bình 1 ngày gần 2 văn bản ban hành sai. Điều đáng lo ngại, do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo nên tình trạng coi thường pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cho đến nay, chưa ai thống kê xem việc ban hành “những văn bản trên trời” gây thiệt hại bao nhiêu tỷ đồng. Tiền có thể chưa thống kê hết, nhưng một khi người dân mất niềm tin vào uy tín của pháp luật, đó là mối nguy tiềm ẩn.

Việc cơ quan chức năng Cần Thơ xem xét miễn giảm mức phạt người đổi 100USD, hay Bộ GD-ĐT cho gỡ dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên khỏi website của bộ này, có vẻ chỉ để đối phó với dư luận, theo kiểu không ban hành được thu lại, hoặc sai thì sửa, chẳng sao cả.

Và nếu như vậy, những văn bản pháp quy xa rời thực tế - sản phẩm của người làm luật ngồi trong phòng lạnh sẽ tiếp tục ra đời. Những sản phẩm đó sẽ thiếu hơi thở của cuộc sống và hậu quả gây tổn thất nghiêm trọng người dân phải gánh chịu. 

Các tin khác