Sai phạm từ vạch xuất phát

(ĐTTCO) - Nhìn lại những dự án lớn đang gây tai tiếng, có thể chỉ thẳng ra nguyên nhân sai phạm ngay từ đầu.
 Khi chuẩn bị đầu tư xây dựng những siêu dự án, công trình lớn từ 5 năm, 10 năm, 20 năm... về trước, các đề án thuyết trình luôn khẳng định bằng những lời có cánh: Chủ trương đúng đắn, phát huy nội lực, thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, cân bằng cán cân thanh toán, tạo công ăn việc làm...
Và thực sự không ít các lãnh đạo nhiều bộ, ngành khi ký quyết định cho thực hiện dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước đề xuất đã tin vào điều đó. Ngay cả khi quy định là phải đấu thầu, chọn thầu vẫn cứ  bị lách sang chỉ định thầu. Vẫn biết chỉ định thầu là nguyên cớ của xin - cho, khó tránh được vụ lợi, nhưng vẫn chỉ định thầu cho quá nhiều dự án.
 Đường ống dẫn nước sông Đà vỡ vài chục lần cũng do chỉ định thầu. 78 dự án đường giao thông BOT cũng được triển khai theo “mô hình” chỉ định thầu sao tránh khỏi phản ứng của người dân và doanh nghiệp vận tải.
Sai phạm từ vạch xuất phát ảnh 1 Đường ống nước sông Đà 18 lần bị vỡ ống. 
 Cho đến thời điểm này nhìn lại hàng loạt công trình có quy mô vốn đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, ngoài một số công trình, dự án đầu tư có hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, nhưng cũng có nhiều siêu dự án, công trình thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản cận kề, mà điển hình nhất là 12 dự án của Bộ Công Thương.
Những dự án thất bại được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo từ trước do chủ trương đầu tư sai lầm, những người lãnh đạo quyết định, phê duyệt dự án không có tầm nhìn xa, chỉ thấy lợi ích trước mắt; không thấy trước xu hướng hội nhập, dự án sản xuất ra những sản phẩm đó sẽ phải cạnh tranh gay gắt với những sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao, giá lại rẻ do thuế nhập khẩu ngày càng giảm theo cam kết… Rõ ràng đây là những “lỗ hổng” ngay từ vạch xuất phát.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giao thông - Vận tải nói gì khi các dự án BOT đều dùng “hợp đồng bảo mật” khi đầu tư hàng ngàn tỷ đồng? Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư giải thích thế nào về quy định các bên không được tiết lộ những thông tin về pháp lý, tài chính, thương mại, kỹ thuật và các nội dung liên quan của hợp đồng và dự án?
Ai ban ra những quy định trái khoáy kiểu này? Rõ ràng quy định kiểu bưng bít thông tin dự án có lợi cho chủ đầu tư, nên không thể nói là không có lợi ích nhóm ở đây. Chính sự thiếu công khai, minh bạch đã làm nảy sinh những góc khuất, chi phí đầu tư bị thổi phồng để kéo dài thời gian thu phí. Phương thức tính toán tài chính, dự báo lưu lượng đều sai lệch quá xa so với thực tế, vị trí đặt trạm thu phí chồng chéo kiểu tận thu. 

Chính việc ra quyết định đầu tư cho những siêu dự án, những đại công trình có nhiều lỗ hổng từ chủ trương ban đầu đã làm chậm quá trình phát triển của đất nước. Các dự án, công trình phá sản, kéo theo nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Thậm chí nhiều chuyên gia đã nói rằng việc ra quyết định, chủ trương đầu tư sai những dự án, công trình, gây ra hậu quả lớn hơn cả tham nhũng.
Vì vậy có ý kiến đề xuất nhiều công trình, dự án lớn gây thảm cảnh hiện nay, phải xem xét, truy cứu trách nhiệm của người lập dự án, người phê duyệt dự án. Bởi chúng ta đã có quá nhiều thực tế, bài học cho thấy đầu tư từ ngân sách, từ các doanh nghiệp nhà nước phần nhiều kém hiệu quả. Ngay từ đầu, nếu các bộ Tài chính, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư thực hiện nghiêm túc đấu thầu, chọn nhà thầu chuẩn mực theo quy định, làm sao các dự án BOT có thể làm ăn kiểu “nói một đằng, làm một nẻo”.
Pháp luật muốn nghiêm, đất nước muốn đi nhanh vào kỷ cương thì các bộ, ngành, chính quyền các cấp phải tuân thủ chỉ đạo từ vĩ mô. Không thể lợi dụng khe hở của điều, luật để vẽ ra những quy định, chính sách đi ngược lại lòng dân. Càng không thể cái gì cũng nói “đúng quy trình” nhưng khi sờ vào lại phơi ra đủ sai phạm, làm thất thoát tiền tỷ ngân sách.  Vì thế, để siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công, phải ngăn chặn và bít lỗ hổng sai phạm ngay từ đầu.


Các tin khác