Thanh lọc ban chỉ đạo

(ĐTTCO) - Có một thực tế hiện nay đang “bội thực” các ban chỉ đạo (BCĐ), ban quản lý… tại các địa phương, vừa làm cồng kềnh bộ máy, vừa không hiệu quả. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay mỗi tỉnh, thành có ngót nghét 100 BCĐ. 
Thanh lọc ban chỉ đạo
Sự lạm phát này khiến nhiều BCĐ hoạt động chồng chéo, giẫm chân nhau gây lãng phí nhân lực, tiền của…
Từ năm 2000, thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính yêu cầu giảm BCĐ, chúng ta đã có đợt tổng rà soát tất cả các BCĐ, sau đó có quyết định giải tán hoặc sáp nhập và loại bỏ khoảng trên 50%. Nhưng hiện nay các BCĐ, ban quản lý... lại phình ra. Thí dụ, TP Cần Thơ có thời điểm giảm xuống còn 70 BCĐ, nhưng hiện nay lại tăng lên tới 109 BCĐ, tổ chức liên ngành.
Trong số này có những ban không có quy định thành lập nhưng vẫn thành lập và hoạt động. Hiện Cần Thơ đề xuất giữ nguyên 49 BCĐ, sáp nhập 39 thành 15 BCĐ, đề xuất giải thể 16 BCĐ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Hay từ năm 2015, lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trương giải tán khoảng 70-80 trên tổng số hơn 100 BCĐ hoạt động không hiệu quả được dư luận hoan nghênh, ủng hộ. Hoặc từ năm 2017, Hà Nội đề xuất giải thể 41/108 BCĐ không còn phù hợp. Cụ thể, phương án giữ nguyên 40 BCĐ, sáp nhập 27 BCĐ thành 8, giải thể 41 BCĐ.
Trong khi đó, tại TPHCM có khoảng 200 BCĐ, nhưng chỉ khoảng 20 BCĐ hoạt động thường xuyên, hiệu quả, còn đa số BCĐ được thành lập có cũng như không. Thí dụ, BCĐ về công nghệ thông tin được Trung ương yêu cầu thành lập từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn không thấy hoạt động. 
Việc “bội thực” BCĐ dường như rơi vào hầu hết các sở ngành, quận huyện, phường xã trên khắp cả nước. Đến mức lãnh đạo nhiều địa phương không nhớ nổi đã đứng tên tham gia bao nhiêu BCĐ, thậm chí thừa nhận dù có tên trong BCĐ nhưng chưa đi họp lần nào, và cũng không biết mặt mũi BCĐ ra sao vì không hoạt động gì.
Thí dụ có những BCĐ khi đọc tên cũng cảm thấy buồn cười, như BCĐ chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; BCĐ triển khai thực hiện chiến lược phát triển thống kê Việt Nam; BCĐ chỉnh trang và ngầm hóa cáp viễn thông và cáp điện lực; BCĐ tổ chức Tết trồng cây; BCĐ chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản…
Thực ra trách nhiệm chuyên môn trên từng lĩnh vực thuộc các sở, ngành với vai trò là cơ quan tham mưu cho tỉnh, TP. Song do người đứng đầu các đơn vị này được giao nhiệm vụ nhưng sợ không hoàn thành, nên đề xuất thành lập BCĐ để “xin ý kiến”, lỡ có chuyện gì xảy ra thì “né” trách nhiệm cá nhân, đẩy trách nhiệm cho tập thể.
Hiện nay, không có quy định chung nào về thành lập các BCĐ. Thông thường các BCĐ được thành lập xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ do Trung ương hoặc tỉnh giao. Tùy theo lĩnh vực, việc thành lập BCĐ căn cứ vào những quy định khác nhau. Mỗi BCĐ có một cơ quan thường trực, cơ chế hoạt động gồm nhiều thành viên kiêm nhiệm. Các BCĐ đều xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động và hoạt động theo quy chế đã ban hành. Song bên cạnh các BCĐ cần thiết phải thành lập, cũng có nhiều BCĐ chỉ mang tính hình thức, hoạt động không hiệu quả. Đặc biệt có BCĐ được thành lập theo sự vụ, sự việc. 
Thực tế trên cho thấy, chúng ta đang quá lạm dụng thành lập BCĐ mà ít quan tâm thực sự xem các ban này hoạt động như thế nào, hiệu quả ra sao. Dù kém hiệu quả, lãng phí, thậm chí làm cồng kềnh thêm bộ máy, nhưng việc thành lập các BCĐ lại có xu hướng tăng và ngày càng phình to. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát BCĐ.
Đó là do phân công, phân cấp không rõ ràng, còn chồng chéo. Bên cạnh đó, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ; chưa thể chế hóa, chế độ hóa BCĐ các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Chính vì vậy bất cứ BCĐ nào cũng có lý do cho sự ra đời của mình, bởi đã có quyết định thành lập tức phải có mục đích cần thiết. Chúng ta đã từng có đợt đồng loạt cắt giảm BCĐ, nhưng việc này cũng giống như trường hợp bỏ giấy phép con, bỏ bao nhiêu lại mọc ra bấy nhiêu, thậm chí còn mọc nhiều thêm.
Đã đến lúc phải rà soát lại, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các BCĐ hiện có, ngân sách hoạt động, số lượng, từ đó có lộ trình giải thể các BCĐ không cần thiết. Việc mạnh dạn xóa những BCĐ “có cũng như không” không chỉ làm tăng trách nhiệm của các lãnh đạo, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thực hiện tinh giản biên chế cả nước đang ra sức thực hiện.

Các tin khác