Tiếp tục tạo bước tiến về bình đẳng giới

(ĐTTCO)-Từ bản Hiến pháp đầu tiên đề cập vấn đề nam nữ bình quyền, cho đến nay, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, có Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020… 
Tiếp tục tạo bước tiến về bình đẳng giới

Việt Nam hiện là một trong những nước có nhiều thành tựu về bình đẳng giới, được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Chiếm gần 51% dân số, 48,4% lực lượng lao động xã hội, 31,6% chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh là nữ, bằng nghị lực, tài năng, sức sáng tạo, phụ nữ nước ta đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính Nhà nước ở tất cả các cấp đều tăng, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chính sách, lãnh đạo, quản lý đất nước, ngành, địa phương. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Việt Nam có 3 ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội là nữ.

Phát huy truyền thống anh hùng, phụ nữ trong lực lượng vũ trang và đối ngoại đã đóng góp xứng đáng vào việc giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần nâng cao vị thế đất nước. Số lượng phụ nữ được phong hàm cấp tướng và bổ nhiệm đại sứ cũng tăng (lực lượng vũ trang có 1 nữ trung tướng và 4 nữ thiếu tướng, ngành ngoại giao có 10 nữ đại sứ và tổng lãnh sự).

Trong sản xuất nông nghiệp, lao động nữ chiếm 46,3%, trong công nghiệp chiếm 43,6%, ngành giáo dục chiếm 76,4%, ngành y tế có tỷ lệ nữ 63,7%… Tỷ lệ sinh viên nữ trong các trường đại học và cao đẳng chiếm 49,28% (trong đó thủ khoa đầu ra là nữ các trường đại học là 67,96%). Phụ nữ chiếm 33,95% số người có trình độ thạc sĩ, 25,69% số người có học vị tiến sĩ.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, phụ nữ thể hiện vai trò tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tham gia hoạt động du lịch ngày càng nhiều, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Trong gia đình, phụ nữ luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

Mặc dù đã có những thành tựu trong bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới trên nhiều lĩnh vực, nhưng còn đó nhiều những thách thức và tồn tại. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo có tăng, nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp. Về kinh tế - xã hội, cơ hội tìm việc làm có thu nhập cao của nữ còn khó khăn, lao động nữ dễ bị tổn thương khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Tác động tiêu cực của định kiến giới vẫn còn trong xã hội và gia đình, trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái… Bên cạnh đó, phụ nữ còn gặp nhiều vấn đề về bạo lực gia đình, nạn nhân của mua bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục…

Trong bối cảnh thế giới và đất nước có nhiều thay đổi về việc làm, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, sẽ tác động đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, theo đó những ngành thâm dụng công nghệ sẽ hưởng lợi, những ngành thâm dụng lao động sẽ gặp khó khăn. Mặc dù ngày nay, phụ nữ có nhiều cơ hội học hành, nâng cao trình độ, chuyên môn nhưng nếu không chủ động ứng phó thì khó cạnh tranh và tụt hậu sẽ xa hơn.

Hệ thống chính sách pháp luật hiện hành còn phải tiếp tục hoàn thiện nhằm khắc phục những bất cập và những khoảng trống trong thực hiện bình đẳng giới. Vấn đề đặt ra là không chỉ quan tâm lồng ghép nội dung bình đẳng giới mà còn xem xét những quy định về chế tài vi phạm, cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách và những dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ yếu thế... Điều quan trọng là bản thân người phụ nữ phải không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mặc cảm tự ti, an phận.

Yếu tố quan trọng để đảm bảo cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý chính là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, là sự tạo điều kiện của gia đình và sự nỗ lực phấn đấu trau dồi của bản thân cán bộ nữ… Đỉnh cao của một xã hội phát triển là tạo cơ hội đồng đều cho mọi người, không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của phụ nữ mà chính là quyền lợi chung của đất nước, cần chung sức tạo bước chuyển về nhận thức và hành động về bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững.

Các tin khác