Vẫn sợ thất bại trong kinh doanh

(ĐTTCO) - Khởi nghiệp để trở thành doanh nhân đang là ước muốn của 67,2% người trưởng thành ở Việt Nam. 
Vẫn sợ thất bại trong kinh doanh
Thế nhưng, một điều tra mới đây cho thấy có tới 50% thanh niên Việt cảm thấy lo sợ sẽ thất bại khi kinh doanh, trong khi tỷ lệ người có ý định khởi nghiệp chỉ ở mức 18,2%. Điều này dấy lên lo ngại về việc Việt Nam thiếu những thanh niên có ý tưởng, có hoài bão và khát vọng làm giàu.
Thậm chí, phát biểu tại Ngày hội Bến Tre Đồng khởi khởi nghiệp cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi giới trẻ hãy đừng sợ thất bại khi khởi nghiệp, đồng thời mong các bạn trẻ, nhất là sinh viên cần chuẩn bị kỹ càng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Thực tế thời gian gần đây cho thấy nỗi sợ thất bại khi kinh doanh đang tác động tiêu cực lên ý chí khởi nghiệp của nhiều người. 

Điều này khiến chỉ số “sợ thất bại” khi kinh doanh trở thành thách thức lớn, bất chấp những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Vì sao có nghịch lý này?

Hiện nay, bình quân mỗi năm có khoảng 7.000 doanh nghiệp thành lập. Con số này có được phần nào do tác động của các chính sách và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong những năm qua. Đó là việc Chính phủ ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, góp phần kéo chỉ số sợ thất bại khi kinh doanh tại Việt Nam giảm xuống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của dự án Global Entrepreneurship Monitor (GEM), chỉ số sợ thất bại khi kinh doanh của Việt Nam luôn ở mức cao, đứng thứ 2 (năm 2013), đứng thứ 8 (năm 2015) trên tổng số 70 nền kinh tế tham gia khảo sát. Và dù môi trường kinh doanh năm 2017 của Việt Nam tăng 9 bậc, từ thứ 91 lên thứ 82, là một trong những quốc gia có sự cải thiện thứ hạng tốt nhất theo xếp hạng của World Bank, nhưng vẫn không đủ khỏa lấp nỗi sợ thất bại khi kinh doanh.

Trong các số báo trước, ĐTTC đã có bài nhận định về những rào cản doanh nghiệp phát triển. Trong đó, rào cản lớn nhất là các điều kiện kinh doanh đang đẩy doanh nghiệp vào rủi ro, mất cơ hội làm ăn; hộ kinh doanh thì không muốn lên doanh nghiệp, người muốn khởi nghiệp lại sợ thất bại. Chính tâm lý sợ thất bại khi kinh doanh tác động tiêu cực lên chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam; đưa chỉ số này theo xếp hạng của World Bank, giảm tới 10 bậc.
Sợ thất bại cũng chính là một trong những rào cản quan trọng khiến nhiều người chưa bắt tay vào khởi sự kinh doanh, dù đã nhận thấy có cơ hội kinh doanh. Nỗi sợ này vẫn hiện hữu khi những khó khăn kéo dài của doanh nghiệp chưa được xử lý rốt ráo. Con số hơn 60.600 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động năm ngoái, bởi những người làm ăn khó khăn đến mức không thể chịu thêm, buộc phải ngừng hoạt động, đã chỉ rõ thực trạng này.

Hiện nay hàng năm nước ta xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều từ khu vực doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Điều này đồng nghĩa tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam từ nguồn lực bên ngoài, chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… 

Điều này đòi hỏi cần quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ các rào cản kinh doanh, kiên quyết loại bỏ các giấy phép con về các điều kiện gây cản trở doanh nghiệp. Cần minh bạch hóa các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi giúp người doanh nhân tiếp cận các thông tin, sự trợ giúp về kỹ thuật, tài chính.
Đặc biệt, phải tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế để người dân không có mặc cảm bị phân biệt đối xử trong quá trình tiếp cận các nguồn lực đất nước. Có vậy người dân, doanh nghiệp mới rũ bỏ được tâm lý sợ thất bại khi khởi nghiệp, mới đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Các tin khác