Vì sao cứ nhiệt điện than?

(ĐTTCO) - Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030, đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng công suất các nhà máy điện đạt 96.500MW, trong đó thủy điện chiếm 21,1%, nhiệt điện than 49,3%, nhiệt điện khí 15,6%, điện sử dụng năng lượng tái tạo 12,5%, nhập khẩu điện 1,5%.
 
Vì sao cứ nhiệt điện than?
Như vậy, từ nay đến năm 2025 sẽ có thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn được xây dựng, điều này đã gây nhiều lo ngại từ giới chuyên gia trong ngành. Bởi lẽ hiện nay, phát triển năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng chung trên thế giới.
Theo đó, nhiều nước đang đẩy mạnh phát triển điện tái tạo để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Vấn đề đặt ra là phát triển loại hình nào cũng phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế, tiêu chí bảo vệ môi trường và giá thành sản xuất điện. 

Giá thành sản xuất điện cũng cần tính toán cho cả vòng đời dự án, không phải là giá thành tức thời.  Thí dụ, đối với nguồn điện tái tạo sẽ có 2 xu hướng. Thứ nhất, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối ngày càng mạnh làm cho suất đầu tư 1kwh điện ngày càng giảm, khoảng 1.500-1.600 USD.
Trong khi đó, với nhiệt điện than, suất đầu tư mới nhất được tính toán cho 2 nhà máy BOT nhiệt điện than Nghi Sơn, Nam Định vừa được Chính phủ thông qua được xác định không dưới 2.000USD/kwh. Đấy là chưa nói đến suất đầu tư nhiệt điện than có xu hướng ngày càng tăng, bởi giá thành cho 1kwh điện than phụ thuộc vào 2 yếu tố là suất đầu tư và giá than nhập khẩu đầu vào. Trong khi đó, giá than đầu vào hiện nay khoảng 60USD/tấn, dự báo có thể tăng lên 70-80 USD/tấn, hoặc cao hơn, do đó chi phí nhiên liệu điện than sẽ tăng lên rất cao.

Xu hướng thứ 2 là các nguồn điện tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối ưu điểm nổi trội nhất là không có chi phí nhiên liệu trong suốt vòng đời dự án khoảng 20-30 năm. Trong đó chi phí nhiên liệu than chiếm tới 60% giá thành sản xuất điện, nên giá thành cho 1kwh của điện tái tạo sẽ ngày càng giảm trong khi điện than có xu hướng tăng lên. Đối với điện mặt trời, hiện Chính phủ đang đưa ra giá mua 9,35 cent/kwh, điện gió 7,8 cent/kwh, nên các nhà đầu tư sẽ có lợi, đặc biệt với dự án công suất lớn. Nhược điểm của điện gió, điện mặt trời là sản lượng sản xuất ra ít, phụ thuộc vào tốc độ gió và độ chiếu sáng mặt trời.

Vậy nhưng trong xu hướng phát triển năng lượng tái tạo sạch, tỷ trọng nhiệt điện than của quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn còn rất cao và tỷ trọng điện tái tạo vẫn còn quá thấp. Theo đó, Quy hoạch điện VII điều chỉnh mới dừng ở mức độ khuyến khích nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao. Trong khi đó, thách thức với phát triển điện than là nguồn than ngày càng cạn kiệt.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, bởi khi không còn than hoặc giá than quá cao không thể nói điện than đảm bảo an ninh năng lượng được. Chưa kể các nước đang giảm xây dựng nhiệt điện than, trong đó có Trung Quốc, có nhiều thiết bị nhiệt điện than có công nghệ lạc hậu không phát triển trong nước được sẽ chuyển sang các nước kém phát triển, đang có nhu cầu phát triển nhiệt điện than như Việt Nam. Nếu thẩm định công nghệ không tốt, lại ham rẻ nhà đầu tư BOT điện than sẽ nhập các thứ đó về. Hậu quả là tiêu hao nhiên liệu lớn, hiệu suất phát điện kém và phát thải nhiều CO2 và khí độc.

Trước mắt, muốn loại bỏ công nghệ lạc hậu cần hoàn thiện bổ sung chặt chẽ quy định về cấp phép các nhà máy nhiệt điện than cho các nhà đầu tư FDI. Cần hướng tới một quy định bắt buộc về sử dụng công nghệ cao khi đầu tư các nhà máy nhiệt điện than và đưa ra các tiêu chí giới hạn về phát thải, và bảo vệ môi trường với các nhà máy nhiện điện than được đầu tư trong thời gian tới.
Cụ thể, với bất kỳ dự án nhiệt điện than nào, đều có 2 lần thẩm định: thẩm định công nghệ khi lập dự án đầu tư và thẩm định trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cần tránh tình trạng khuyến khích, nhưng các nhà đầu tư lại không nhập thiết bị công nghệ cao mà lại nhập thiết bị công nghệ thấp với giá rẻ về phát triển các nhà máy nhiệt điện than . 

Về lâu dài cần điều chỉnh để nâng dần tỷ trọng điện tái tạo trong cơ cấu nguồn điện tương lai. Điều này sẽ đạt được cùng lúc 2 mục tiêu giá năng lượng rẻ hơn, và giảm đáng kể nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của nhà máy điện than. 

Các tin khác