Ấm áp tình làng nghĩa xóm

(ĐTTCO) - Không ở đâu yên ấm và nghĩa tình bằng quê hương chôn nhau cắt rốn. Sau lũy tre làng luôn diễn ra những điều bình dị mà cao quý của tình làng nghĩa xóm mang vẻ đẹp nhân ái, nhân văn.

1. Quê tôi nằm trên cánh đồng lúa Tuy Hòa, thuộc tỉnh Phú Yên, từ đây có thể nhìn rõ 2 ngọn núi cao “Chóp Chài đội mũ/ Mây phủ Đá Bia”. Như nhiều vùng quê khác, trừ vụ mùa thu hoạch, thời gian còn lại bà con đi làm ăn xa, chủ yếu đến các thành phố. Làng xóm vắng tanh, chỉ còn lại người già và trẻ em. Giáp tết mọi người mới trở về sum họp, xóm làng rộn ràng, tươi vui hẳn lên.
Có một con sông nhỏ bắt nguồn từ dãy núi phía Đông Nam chảy qua làm ranh giới giữa 2 xã Hòa Đồng quê tôi và Hòa Thịnh quê hương họa sĩ Văn Dương Thành. Con sông phía thượng nguồn gọi là sông Ngoài, vì vùng này còn có một con sông Trong. Sông Ngoài khi chảy qua các bến hay địa danh còn mang tên nơi đó như: bến Đá, bến Nhiễu, bến Ầm Ầm, bến Trâu, Bánh Lái, bến Củi, bến Lò Chay, bến Đình… cho tới phía hạ nguồn còn mang tên sông Bàn Thạch trước khi chảy ra cửa biển Đà Nông. Bến Đình là địa điểm gần núi Chai và Hóc Răm, tiếp giáp giữa 3 xã Hòa Đồng, Hòa Thịnh và Hòa Tân. Trong chiến tranh khu vực quanh bến Đình là chiến trường ác liệt. Lính Đại Hàn lập đồn Bò Khét để canh giữ ngăn chặn cánh quân giải phóng từ phía núi. Mùa lũ lụt nước dâng cao chảy xiết khiến bến Đình hay bị lật sõng lật ghe chết người. 
Mới đây, giáp Tết Kỷ Hợi 2019, một công nhân đang làm công trình hồ thủy lợi khi bơi kéo chiếc ghe nhôm đưa trụ bê tông qua bến sông đã gặp nạn. Nước lớn cuốn trôi cả người lẫn ghe mất tích. Anh công nhân mới 23 tuổi, lao động chính của một gia đình nông dân nghèo ở xã Hòa Thịnh. Cái chết của anh công nhân trẻ có những điều kỳ lạ. Sông nhỏ, không dài lắm, chính quyền huy động nhiều lực lượng chức năng, cả quân đội lẫn công an vào cuộc, truy tìm từ phía cửa sông trở lên nơi gặp nạn nhưng không thấy. Các thợ lặn giỏi đều tham gia. Nhưng hơn 1 tháng trời cả xác anh công nhân lẫn chiếc ghe nhôm vẫn biệt tăm. Dù tuyệt vọng nhưng hầu như ngày nào bà con, bạn bè cùng gia đình vẫn đổ về Bến Đình rất đông cố gắng tìm kiếm. Họ quên cả tết, vừa tìm kiếm bà con vừa quyên góp tiền bạc giúp gia đình lo cúng tế người công nhân trẻ xấu số. 
2. Về quê ăn Tết rồi tham dự thơ đêm Nguyên tiêu, tôi cũng hòa mình vào công việc thương tâm này ở Bến Đình. Nhờ đó tôi gặp lại một số bạn học thời niên thiếu sau hơn 30 năm xa cách. Có người sớm bỏ học, đi bộ đội rồi ra quân về quê làm ruộng chèo đò. Có người đi học xa, lấy chồng xa, chỉ về thăm quê mỗi dịp tết. Nghe tin anh công nhân trẻ gặp nạn, họ cùng đến bến sông chia sẻ với gia đình và hỗ trợ việc tìm kiếm xác người xấu số. Linh hồn anh chơi vơi đâu đó trên sông nước hẳn cũng an ủi phần nào trước tấm lòng của mọi người! 
Ấm áp tình làng nghĩa xóm ảnh 1 Mô tả ảnh
Một chiều cuối giêng, sau khi cùng tìm anh công nhân từ Bến Đình trở về, tôi nghe tiếng than khóc của một chị láng giềng nhà ở sát chợ Phú Đăng. Tiếng khóc rất thảm thiết não nùng. Chị vừa chạy vừa khóc vừa tìm kiếm điều gì đấy. Hỏi ra mới biết chị mất số tiền lớn. Chị đi làm thuê ở Sài Gòn cả năm không đủ mua cho con anh con trai mới học ra trường một chiếc xe máy để đi làm, đành phải trở về quê đi cầm cố sổ đỏ căn nhà vay ngân hàng được 20 triệu đồng. Lúc chuẩn bị rời nhà ra bến xe vào lại Sài Gòn, chị giật mình phát hiện tất cả tiền bạc không cánh mà bay. Có thể với một số người giàu, số tiền trên chỉ đủ trả 1 chầu nhậu sang trọng. Nhưng với người đàn bà nông dân nghèo cô đơn chơn chất kia là cả một gia tài. Chị bảo rằng đã gần 60 tuổi, đây là lần đầu chị cầm được số tiền lớn như vậy. Chẳng mấy chốc căn nhà của chị chật ních người tới thăm, an ủi, động viên. Thấy chị nước mắt nước mũi tèm nhem, chưa ăn uống gì, một chị hàng xóm chạy về nhà đơm tạm tô cơm với thức ăn mang tới. 
Và cuộc vận động quyên góp âm thầm diễn ra. Mẹ tôi năm nay 87 tuổi là người đầu tiên góp 300.000 đồng để làm gương. Kẻ ít người nhiều, lá rách đùm lá rách hơn, chẳng mấy chốc số tiền lên được vài triệu đồng. Dù trong cơn túng quẫn nhưng người đàn bà nghèo từ chối cầm tiền. Mọi người xúm nhau thuyết phục mãi chị mới ái ngại nhận trong nước mắt, để hôm sau lên xe tiếp tục hành trình lận đận đời mình.
3. Tuy đời sống kinh tế ngày càng khấm khá nhưng quê tôi vẫn còn những hộ nghèo. Có những trẻ em phải bỏ học đi làm đủ thứ nghề phụ giúp gia đình. Đó là nguyên nhân chúng tôi tổ chức đêm thơ mùng 4 Tết Hòa Đồng để những người thành đạt góp quỹ tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học. Những người yêu văn nghệ ở địa phương như các anh Nguyễn Ngọc Sự, Trần Quang Bình, Kim Khoa đã nỗ lực không mệt mỏi để tổ chức. Đồng cảm việc làm có ý nghĩa này, mặc dù bận rộn với Tết nhưng năm nào ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cùng các lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh, lãnh đạo của huyện cũng nhiệt tình ủng hộ.
Đêm thơ mùng 4 Tết truyền thống Hòa Đồng cấp xã nhưng đón nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh về tham gia. Nhà thơ Thanh Tùng người Hải Phòng, tác giả bài thơ “Thời hoa đỏ”, sinh thời đã từ TPHCM về tham dự đêm thơ Tết này cùng các nhà văn, nhà thơ khác như: Ngô Phan Lưu, Phan Kim Việt, Phan Thanh Bình, Đào Đức Tuấn, Đinh Lăng, Lê Kim Loan, Trần Quốc Cưỡng, Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc, Lê Thiếu Nhơn, Phạm Ngọc Hiền…
Thơ nhạc chỉ là cái cớ, chủ yếu là niềm vui sum họp bạn bè ngày Tết và động viên trẻ em học hành. Đêm thơ mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019 xã Hòa Đồng vừa qua kỷ niệm tròn 20 năm chương trình. Chúng tôi đã tặng 50 suất quà (300.000 đồng/1 suất), cho các em nhỏ học sinh trung học cơ sở. Giá trị vật chất không nhiều nhưng giá trị tinh thần rất lớn. Nhìn các em nhỏ thó đen đủi bước lên sân khấu nhận quà, phía dưới ai cũng xúc động. Rồi đây các em sẽ lớn lên, nhất định có em sẽ thành đạt và sẽ quay trở về giúp đỡ trở lại các thế hệ đi sau gặp khó khăn.
Tình làng nghĩa xóm sau lũy tre bao giờ cũng ấm áp. Và càng ấm áp hơn khi chúng ta chia sẻ được chút gì đó cho bà con gặp phải bất hạnh hay còn nghèo khó.

Các tin khác