Côn Đảo “ngập” trong rác

(ĐTTCO) - Hàng chục năm qua, do không có nhà máy xử lý, hàng chục ngàn tấn rác thải tồn đọng đã chất thành núi ở Côn Đảo. Không chỉ có rác thải sinh hoạt, huyện đảo này còn đau đầu với rác từ biển dạt vào, khiến đảo ngọc có nguy cơ biến thành đảo rác.

Rác trên bờ, dưới biển

Theo UBND huyện Côn Đảo, toàn bộ rác của huyện được tập trung về khu vực Bãi Nhát với số lượng khoảng 72.000 tấn. Đây là lượng rác tồn đọng trong hơn 20 năm qua nhưng không được xử lý triệt để. Cả khu vực Bãi Nhát bao trùm mùi hôi thối nồng nặc. Ngay đường vào bãi rác là tấm bia di tích lịch sử ghi lại cuộc vượt ngục võ trang của 198 người tù khổ sai vào ngày 12-12-1952, nhưng không du khách nào ghé tham quan, bởi mùi khó chịu của bãi rác.

Bên trong bãi rác, trên nền đất 3.800m2, rác thải chất cao cả chục mét. Theo ông Nguyễn Văn Long - công nhân đốt rác tại Bãi Nhát, trước đây dân số ít, khách du lịch chưa đông nên rác không nhiều như bây giờ. Hiện trung bình mỗi ngày bãi rác tiếp nhận từ 6 - 7 xe rác nhưng lò đốt ở đây quá nhỏ, chỉ đốt tối đa 2 xe rác/ngày. Mùa mưa lũ, nước cuốn trôi rác qua lề đường, có khi cuốn luôn xuống biển, gây ô nhiễm. Phía trước Bãi Nhát là đường nhựa duy nhất để ra vào Côn Sơn, khách đi tàu cập cảng Bến Đầm đều phải qua khu vực này nên có thể thấy cảnh tượng kinh hoàng nơi đây. Bên dưới con đường là một bãi tắm xinh đẹp của huyện (Bãi Nhát) nhưng chẳng mấy người tới tắm biển  do nước thải rỉ từ bãi rác xuống, gây ô nhiễm. Đáng lo ngại là đất để đổ rác ở Bãi Nhát chỉ còn hơn 200m2, trong khi lượng rác đang tăng lên từng ngày.

Rác chất thành núi tại Bãi Nhát

Rác chất thành núi tại Bãi Nhát

Rác tồn đọng trên bờ chưa kịp xử lý, thì rác ngoài biển cũng dồn vào. Mới đây, khi đi ngang Bãi Vông, vịnh Đầm Tre, chúng tôi và đoàn du khách nước ngoài đã chứng kiến những chai nhựa, túi ni lông, hộp xốp… dọc bờ biển thành những đống lớn chưa được thu gom, xử lý. Theo lãnh đạo huyện Côn Đảo, tại Bãi Vông có thời điểm rác dạt vào lên đến 5 tấn/ngày. Hầu như các hòn, các bãi đều có rác từ biển dạt vào. Đây là hậu quả của việc chưa có quy định về xử lý rác thải đối với các tàu thuyền, rác trên tàu thuyền đa phần quăng xuống biển và khi có gió, rác dạt vào bờ. Mặc dù năm nào huyện cũng tổ chức ra quân xử lý rác thải, nhưng cũng không xuể. 

Lúng túng việc xử lý rác

Theo thống kê từ huyện, hàng năm khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tăng từ 5% - 10%. Huyện đang thu gom rác thải cho 1.840 hộ gia đình, 32 đơn vị sự nghiệp và khoảng 50 cơ sở doanh nghiệp với khoảng 15 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác, số còn lại chất đống tại Bãi Nhát. Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 2.500 khách du lịch tới Côn Đảo, cũng góp phần làm núi rác ở Bãi Nhát ngày càng cao hơn. Theo tính toán của huyện, trung bình mỗi khách tới đảo phát sinh 2,5kg rác/ngày. Đây cũng là mặt trái của việc cho mở các tuyến giao thông đến đảo nhanh chóng nhưng chưa có sự chuẩn bị về xử lý rác thải.

Tháng 9-2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ xử lý rác tại Bãi Nhát. Một công ty đã đề xuất thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải tại khu vực nêu trên với diện tích đất sử dụng là 3.800m2, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 36 tỷ đồng, công suất xử lý 115 tấn/ngày. Tuy nhiên, đến tháng 2-2019, UBND huyện Côn Đảo lại đề xuất tỉnh xử lý rác theo phương án vận chuyển về đất liền với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng. Rác được ép thành bánh rồi chất lên tàu chở về đất liền và đưa đến khu xử lý chất thải của tỉnh tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì dùng hơn 35 tỷ đồng để đưa rác từ đảo về đất liền xử lý, nên đầu tư nhà máy xử lý rác tại chỗ.

Với rác thải từ biển dạt vào bờ, theo lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo, cần có quy định nghiêm về việc cấm xả rác ra biển đối với tàu thuyền. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân không xả rác ra bãi biển nhằm hạn chế lượng lượng rác thải phát sinh trên đảo.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện có 2 phương án xử lý rác thải tại Côn Đảo: Nếu xây dựng nhà máy tại Bãi Nhát với công suất xử lý khoảng 100 tấn rác/ngày thì trong khoảng 2 năm sẽ xử lý hết rác thải tồn đọng; còn phương án vận chuyển về đất liền xử lý thì mất khoảng 3 - 5 tháng. Nhưng dù triển khai phương án nào thì cũng cần đảm bảo các quy chuẩn về bảo vệ môi trường.

Các tin khác