Được gì sau chuyến công du tiền tỷ

(ĐTTCO) - Trong quá trình hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại là một hoạt động cần thiết. Thế nhưng, làm sao để tạo được hiệu quả kinh tế thực sự lại là điều cần phải cân nhắc khi tổ chức đoàn cán bộ ra nước ngoài bằng ngân sách. 

Câu chuyện 3 vị lãnh đạo ở tỉnh Thanh Hóa làm dự toán lên đến 1,7 tỷ đồng để đi Hoa Kỳ trong thời gian 10 ngày, khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

1. Với tư cách Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Thanh Hóa, bà Trần Thị Thu Hằng đã ký văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thẩm định kinh phí cho đoàn công tác tham gia chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ, với số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Đoàn cán bộ của tỉnh Thanh Hóa bay nửa vòng trái đất đợt này, gồm bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Sở Ngoại vụ và bà Trần Thị Thu Hằng. 3 nhân vật ấy được đại diện cho tỉnh Thanh Hóa gánh vác sứ mệnh kết nối Thanh Hóa với các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng không có gì đáng bàn cãi, nhưng khoản tiền 1,7 tỷ đồng dùng vào những việc gì?
Theo dự toán chi tiết do Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Thanh Hóa đưa ra, gồm: Tiền vé máy bay 282.906.000 đồng, tiền thuê phòng nghỉ 398.034.000 đồng, tiền thuê phương tiện đi lại 359.424.000 đồng, chi các buổi làm việc 370.773.000 đồng, kinh phí làm tài liệu 137.400.000 đồng, và tiền ăn và tiền tiêu vặt 63.000.000 đồng…
Với các khoản liệt kê có vẻ hoành tráng kia, chỉ có tiền vé máy bay tương đối rõ ràng nhất. Sở dĩ nói tương đối rõ ràng nhất, bởi nếu có kế hoạch cụ thể giá vé máy bay được đặt trước sẽ chênh lệch không ít so với vé máy bay mua tùy hứng. Tiền ăn và tiền tiêu vặt 63 triệu đồng cũng là con số dễ chấp nhận. Hành trình kéo dài từ ngày 8-9 đến ngày 19-9, trừ 2 ngày ngồi trên máy bay, còn ngót nghét 10 ngày. Mỗi ngày ăn và tiêu vặt 6,3 triệu đồng, nghĩa là mỗi cán bộ chỉ thụ hưởng 2,1 triệu đồng mỗi ngày ở xứ sở văn minh hàng đầu nhân loại. Thế nhưng, 4 loại chi phí khác như tiền thuê phòng nghỉ, tiền thuê phương tiện đi lại, chi các buổi làm việc và kinh phí làm tài liệu lại hơi vung tay quá thoải mái.
Mục tiêu của chuyến đi của 3 cán bộ tỉnh Thanh Hóa nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh Thanh Hóa với chính quyền, doanh nghiệp Hoa Kỳ, thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển. Không phải đi du lịch, cũng không phải đi nghỉ dưỡng, nên thuê dịch vụ lưu trú và đi lại hơn 750 triệu đồng là quá phung phí. Mỗi cán bộ có thể ở một phòng riêng trong khách sạn sang trọng, nhưng không thể mỗi người thuê riêng một chiếc xe hơi để di chuyển như đại gia nhàn rỗi. Mặt khác, cái khoản “chi các buổi làm việc” số tiền hơn 370 triệu đồng, có nghĩa là sao?
Tiền quà tặng, tiền nghi lễ hay tiền vận động hành lang? Khoản chi đó liệu có hóa đơn, chứng từ hợp pháp không? Nên nhớ, chuyến đi này là chuyến đi ghép, theo chương trình của Bộ Ngoại giao, chứ không phải tỉnh Thanh Hóa đăng cai hoàn toàn. Mọi công tác về quy mô tổ chức cũng như hình thức giao lưu đều đã được Bộ Ngoại giao thiết kế, vậy đoàn cán bộ tỉnh Thanh Hóa “chi cho các buổi làm việc” theo phương cách nào, và cho những đối tượng nào? Ngoài ra, “kinh phí làm tài liệu” phải chi hơn 137 triệu đồng cũng cực kỳ khó hiểu. 
Được gì sau chuyến công du tiền tỷ ảnh 1  Ảnh minh họa. 
2. Vì bà Trần Thị Thu Hằng có mặt trong đoàn công tác, nên ông Phạm Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa đã thay mặt đơn vị giải thích: “Đây là chuyến đi do Bộ Ngoại giao tổ chức, Thanh Hóa là 1 trong 5 tỉnh được đi trong đợt này. Mục đích để quảng bá thế mạnh, tiềm năng của tỉnh và kêu gọi xúc tiến đầu tư vào thị trường Thanh Hóa. Số tiền dự kiến chi được trung tâm xây dựng, tuy nhiên việc phê duyệt hay không còn phụ thuộc vào việc thẩm định của Sở Tài chính, không phải cứ đưa lên là duyệt”.
Vậy đề xuất phải căn cơ, chứ sao lại trông chờ vào may rủi duyệt hoặc không duyệt. Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch là cơ quan trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa về hành trình xuyên đại dương cho 3 vị cán bộ kia. Không thể vu vơ, cứ đề xuất kinh phí rồi đẩy trách nhiệm cho Sở Tài chính. Nếu Sở Tài chính không phê duyệt liệu bà Phó Chủ tịch, ông Giám đốc Sở Ngoại vụ và bà Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch sẽ tình nguyện hủy chuyến đi chăng?
Những người có trách nhiệm ở Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa có phải ăn gan hùm uống mật gấu đâu, mà dám cò kè tiền bạc với một đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh Thanh Hóa kéo va li ra phi trường để bay khỏi biên giới nước Việt với sứ mệnh lớn lao và kiêu hãnh? 
Theo Kế hoạch hoạt động đối ngoại tỉnh Thanh Hóa năm 2018 (số 69/KH-UBND ngày 2-4-2018), Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Thanh Hóa (thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) đi công tác tại Hoa Kỳ gồm 10-12 người, thời gian đi 10-12 ngày, tổng chi ngân sách cho đoàn 2 tỷ đồng. Nếu 3 vị cán bộ gồm bà Lê Thị Thìn, ông Nguyễn Văn Biện và bà Trần Thị Thu Hằng đi từ ngày 8-9 đến ngày 19-9 chi tiêu hết 1,7 tỷ đồng vậy những người đi Hoa Kỳ chuyến tiếp theo chỉ còn 300 triệu đồng để mang chuông đánh xứ người rền vang ư? Thật trớ trêu, khi kế hoạch ngân sách cho 2 tỷ đồng cho 10-12 người, chỉ riêng 3 người đã tốn mất 1,7 tỷ đồng. 


3. Không ai phủ nhận giá trị của những chuyến xúc tiến thương mại. Thế nhưng, xúc tiến thương mại theo kỹ nghệ nào và đạt hiệu quả ra sao lại là vấn đề phải suy ngẫm nghiêm túc. Trong bối cảnh đất nước còn không ít khó khăn, một đồng từ ngân sách cũng từ tiền thuế mồ hôi nhọc nhằn của người dân.
Chi 1,7 tỷ đồng cho 3 cán bộ đi Hoa Kỳ, liệu mang lại bao nhiêu hợp đồng kinh tế cho tỉnh Thanh Hóa, mang lại bao nhiêu việc làm mới cho người Thanh Hóa? Mấy năm qua, tỉnh Thanh Hóa hứng chịu không ít thiên tai, lũ lụt mà phần lớn đồng bào ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn… đều gặp nhiều khó khăn chồng chất. Với khoản tiền “chi cho các buổi làm việc” lên đến con số hơn 370 triệu đồng, sẽ có bao nhiêu cơm ăn, áo mặc của những người còn lam lũ, gieo neo? Liệu 3 cán bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ nói gì với doanh nghiệp Hoa Kỳ về thực trạng ấy?
Lâu nay, những đoàn cán bộ công tác nước ngoài vẫn được tổ chức thường xuyên. Sai phạm từ những chuyến đi ấy từng bị phát hiện ở địa phương nọ hoặc bộ ngành kia. Thậm chí, có không ít quan chức (không phải nhà ngoại giao) có số ngày ở nước ngoài còn nhiều hơn số ngày làm việc trong nước. Muốn hội nhập không thể không kết nối, muốn phát triển không thể không kêu gọi đầu tư.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào ưu điểm và hạn chế của mỗi nơi mà có cách xúc tiến thương mại hợp lý. Không phải nơi nào cũng phù hợp với doanh nghiệp Hoa Kỳ, để cán bộ  đi kêu gọi rót nguồn vốn, rót công nghệ. 
Chi tiền tỷ cho cán bộ đi nước ngoài, cần phải xem như một dự án quan trọng. Nếu chuyến đi nước ngoài chỉ thu lại vài tấm ảnh kỷ niệm tay bắt mặt mừng, có ý nghĩa gì với quốc kế dân sinh? Có lẽ đã đến lúc phải công khai về những đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài. Khi đặt ra tiêu chí, mỗi cán bộ đi nước ngoài phải viết một bản kế hoạch tỉ mỉ trước khi đi và một bản thu hoạch mạch lạc sau khi đi, sau đó in công khai trên cổng thông tin điện tử chính phủ, liệu còn mấy ai hăng hái tham gia? Đó mới là tính chính danh và tính lợi ích của những đoàn cán bộ công tác nước ngoài.

Các tin khác