Hai quan điểm trái ngược nhau về rượu bia

(ĐTTCO) - Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trước khi thông qua vào ngày 14-6 sắp tới. Mặc dù gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm, oan khuất có nguyên nhân từ rượu, bia, nhưng khi tranh luận tại nghị trường, lại có 2 quan điểm trái ngược hẳn nhau về việc quản lý rượu, bia.
Sao lại coi rượu, bia như “tội đồ”?
Mặc dù đồng tình ban hành luật này, nhưng sau khi nghe các đại biểu (ĐB) khác “lên án” rượu, bia, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lại không đồng tình vì “có cảm giác như các đại biểu phát biểu coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ, có gì đấy không công bằng”.
Dẫn chứng hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, hàng trăm ngàn lao động đang sống nhờ công nghiệp sản xuất rượu, bia đem lại, đóng góp ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ĐB Xuyền cho rằng chúng ta phải xem xét cả hai mặt, không thể vì một việc này, việc kia mà bỏ hoàn toàn công lao của một ngành sản xuất.
Dẫn câu thơ “Trong tù không rượu, cũng không hoa”, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng tranh luận rằng, lẽ ra chúng ta phải tiếp cận rượu, bia từ khía cạnh của văn hóa nhưng dự thảo luật này mang dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng, có phần cực đoan.
“Rượu, bia là văn hóa của cả nhân loại, tại sao chúng ta lại đưa lên đoạn đầu đài như thế này” - ĐB Dương Trung Quốc lên tiếng và cho rằng các chế tài đề ra sẽ không khả thi và đi ngược lại xu thế chung. Đồng ý rằng rượu, bia đang để lại những mặt trái, nhưng ĐB tỉnh Đồng Nai cho rằng chúng ta đang né tránh mặt yếu nhất là năng lực quản lý, kiểm soát của Nhà nước và khả năng tự kiểm soát mình của mỗi người.
Hai quan điểm trái ngược nhau về rượu bia ảnh 1 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) phát biểu tại hội trường ngày 23-5. 
Nếu chúng ta được làm như thế thì sẽ bền vững, đồng thời vẫn khai thác được mặt tích cực của rượu, bia trên thị trường cũng như trong đời sống. Nếu luật này được thông qua, trong đó có quy định cấm quảng cáo rượu, bia thì việc đầu tiên là người dân sẽ không được xem bóng đá, vì các hãng bia lớn đang là nhà tài trợ cho bóng đá ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới.
Mong sớm áp dụng luật quản lý rượu, bia
ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) không đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Văn Xuyền khi cho rằng chúng ta đang coi sản xuất rượu như một “tội đồ”. Bởi vì tất cả những sản phẩm từ rượu, bia, nước trái cây lên men… đều là nhu cầu của xã hội, mọi người đều có quyền sử dụng.
“Nhưng vấn đề là chúng ta làm luật để hạn chế tác hại trong việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia trong sinh hoạt đời sống hàng ngày”- ĐB Huỳnh Thành Chung bày tỏ. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng tranh luận với ĐB Xuyền. Ông cho rằng cần thiết phải có luật này, không thể vì đã có Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Quảng cáo, Luật Thuế thì đề nghị dừng luật này lại.
ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) băn khoăn về cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên, vậy dưới 15 độ cồn thì sao? Còn ĐB Quàng Thị Vân (Điện Biên) thì lo ngại dự thảo lần này không còn quy định thời gian cấm bán rượu đối với mọi đối tượng từ 22 giờ đêm đến 7 giờ sáng ngày hôm sau, “mà những người uống rượu, bia sau 22 giờ đêm thường là những người nát rượu, nghiện rượu, không làm chủ được hành vi của mình” - ĐB Vân lên tiếng.
Đóng góp cho dự thảo luật lần này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, dự thảo chỉnh sửa đã căn cứ vào thực tiễn để có điều chỉnh và cốt lõi là phải thay đổi văn hóa chứ không phải bóp nghẹt sản xuất chính thống. Vì nếu bóp nghẹt sản xuất, vô hình trung sẽ khuyến khích cho hàng giả, hàng lậu phát triển.
Để hạn chế những tác hại, cần tăng mức chế tài khi lạm dụng rượu, bia mà lái xe, bạo lực, xâm hại tình dục, gây rối trật tự... chứ không chỉ dừng ở mức phạt tiền, thu giấy phép lái xe hay tạm giam phương tiện mà phải bổ sung các hình thức khác như lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe, tăng phí bảo hiểm xe, quy định tăng nặng với các trường hợp tái phạm, tạm giam ngay người và xe nếu thật sự nguy hiểm, bởi vì thực tế rất khó khăn khi cưỡng chế những người say mà vẫn tham gia giao thông.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dự thảo lần này đã tiếp thu toàn bộ ý kiến của các ĐBQH trong kỳ họp trước cũng như ý kiến của UBTVQH tại kỳ họp thứ 33 vừa qua. Về việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, cần sớm đưa luật này vào cuộc sống là để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri về phòng chống các tác hại của rượu, bia.
Trước mắt là để giảm những hệ lụy về tai nạn giao thông, bạo lực xã hội, bạo lực gia đình còn về lâu dài là sức khỏe. “Rượu bia là nhóm 1 gây các bệnh về ung thư” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng.

Các tin khác