Hồi ký lãng mạn

(ĐTTCO) - Thế kỷ 21 là thế kỷ của văn học tự sự. Những người bình thường nhất cũng được khuyến khích ghi chép lại cuộc đời mình, huống hồ là những người nổi tiếng. 

Thế nhưng, hồi ký chưa bao giờ là một thể loại đơn giản. Dám thổ lộ để người khác viết lại đã khó, mà dám cầm bút để viết ra những câu chuyện của đời mình, còn khó hơn. Lần lượt nhiều nhạc sĩ Việt Nam ra mắt hồi ký, nhưng giá trị thẩm mỹ thực sự dành cho công chúng vẫn là một ẩn số.

Khác với những diễn viên như Kim Cương, Lê Vân, Thương Tín, Ái Vân phải nhờ người chấp bút, các nhạc sĩ đều rất tự tin vào khả năng ngôn ngữ của mình, nên họ khá ung dung khi tự viết hồi ký. Sau khi về nước để sống những ngày cuối đời, nhạc sĩ Phạm Duy ra mắt 2 cuốn hồi ký “Nhớ” và “Vang vọng một thời”. Vì công chúng hâm mộ những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, nên hồi ký của ông cũng bán như tôm tươi. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên trang giấy vẫn quá nhạt nhòa so với sự nghiệp âm nhạc của người đã viết ra nhiều ca khúc bất hủ như “Nghìn trùng xa cách”, “Thuyền viễn xứ”, “Ngày xưa Hoàng Thị”…

Nhạc sĩ Trần Tiến cũng vừa có một cuốn hồi ký lấy tên “Ngẫu hứng”. Có duyên kể chuyện, nhạc sĩ Trần Tiến viết những đoản văn ngắn tương đối thú vị, nhưng vì “ngẫu hứng” mà cuốn sách dàn trải và không phác thảo đầy đủ diện mạo của tác giả “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Ngẫu hứng phố”, “Ngẫu hứng lý qua cầu”… Đáng tiếc nhất là giai đoạn đổi mới, với những sáng tác tiêu biểu như “Trần trụi 87” lại không được đề cập trong hồi ký của Trần Tiến.

Nhạc sĩ Vũ Thành An vốn được yêu mến với những ca khúc không tên mà ông đặt “Bài không tên số 1”, “Bài không tên số 2” cho đến “Bài không tên cuối cùng”. Vì vậy, hồi ký của nhạc sĩ Vũ Thành An cũng đặt “Chuyện tình không tên”, được thể hiện với hình thức những lá thư tình. Đọc hồi ký của nhạc sĩ Vũ Thành An, có thể thấm thía hơn những ca khúc của ông không? Câu trả lời là không. Bởi lẽ, những gì ông viết ra không tương xứng với chiều kích của bài hát trong trí tưởng tượng của công chúng.

 

Khác với những nhạc sĩ cao niên, nhạc sĩ Quốc Bảo vừa bước vào tuổi tri thiên mệnh cũng ra mắt cuốn hồi ký có tên gọi “50 - Hồi ký không định xuất bản” (ảnh). Nhạc sĩ Quốc Bảo vốn quen thuộc với giới trẻ qua những ca khúc điệu đà như “Em về tinh khôi”, “Còn ta với nồng nàn”, “Tim anh trôi về em”, “Vừa biết dấu yêu”… Người làm sao, chiêm bao làm vậy. Trong cuốn hồi ký của nhạc sĩ Quốc Bảo cũng dành ra một chương “Học trò yêu” để viết về Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân và Nguyên Hà.

Khuyết điểm duy nhất của hồi ký các nhạc sĩ là ít chất tự sự. Điều này có lẽ cũng dễ thông cảm, vì âm nhạc vốn nhiều trầm bổng lắm du dương, chứ hiếm hoi những suy tưởng sâu xa. Hơn nữa, không đảm bảo chất tự sự cũng không thể tiếp cận yếu tố chân thật cần thiết của hồi ký.

Các tin khác