Khó di dời những cây xăng ở nội thành Hà Nội

(ĐTTCO)-Hà Nội hiện vẫn còn hơn 30 cây xăng trong các quận nội thành hoạt động, nguy cơ cháy nổ rất khó lường.
Cửa hàng xăng dầu trên đường Khâm Thiên gần khu dân cư và thường xuyên bị ùn tắc
Cửa hàng xăng dầu trên đường Khâm Thiên gần khu dân cư và thường xuyên bị ùn tắc

Từ năm 2014, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chức năng xử lý các điểm kinh doanh xăng dầu nằm trong khu dân cư và phát triển hệ thống bán lẻ xăng dầu đúng với quy hoạch của thành phố. Trong đó có việc giải tỏa và di dời 55 cây xăng trong thành phố.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện vẫn còn hơn 30 cây xăng trong các quận nội thành hoạt động, nguy cơ cháy nổ rất khó lường.

Sau vụ cháy ở cửa hàng xăng dầu 2B Trần Hưng Đạo vào năm 2013, thành phố Hà Nội đã rà soát và chỉ đạo giải tỏa 10 cây xăng, đề nghị di dời 45 cây xăng khác khỏi trung tâm thành phố để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến nay, 32 cây xăng thuộc diện phải di dời vẫn tiếp tục hoạt động, khiến người dân không khỏi e ngại.

Tại khu vực gần cửa hàng xăng dầu số 42, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, một số người dân cho rằng phải di dời cây xăng ra xa khu dân cư mới an toàn vì bây giờ cháy nổ nhiều quá. Nhưng cũng có những ý kiến chưa đồng tình với quan điểm trên.

Ông Vũ Hoàng Điệp, người dân sống gần cây xăng số 233 Khâm Thiên cho rằng: Cây xăng này mà di dời đi thì phải đi xa mới đổ được xăng. Chỉ cần tất cả các cán bộ, nhân viên có ý thức, luôn luôn đề phòng cháy nổ đối với trạm xăng.

Theo quy hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công bố từ năm 2013 thì lộ trình đến năm 2020, thành phố Hà Nội cần xây dựng mới từ 300 - 350 cửa hàng xăng dầu. Tổng vốn đầu tư, giai đoạn 2016 đến 2020 là 630 tỷ đồng, do các thương nhân kinh doanh xăng dầu huy động. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất cho xây dựng mới các cửa hàng khoảng 500.000 m2. Theo đúng quy hoạch, vào năm 2020 toàn thành phố có 456 cây xăng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Nội có tới 485 cây xăng đang hoạt động.

Quy chuẩn số 01, ngày 18/6/2013 của Bộ Công thương quy định rõ: Vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, có diện tích tối thiểu 900 m2, phải đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường.

Cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với các công trình xây dựng khác phải có tường bao kín có chiều cao không nhỏ hơn 2,2m bằng vật liệu không cháy... Nếu chiếu theo quy chuẩn này thì hầu hết các cây xăng trong nội đô hiện nay đều không đạt theo yêu cầu, chủ yếu diện tích các cây xăng không đủ 900m2.

Thực hiện chủ trương của thành phố, Công ty Cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội đã di dời cây xăng ở số 4 phố Gầm Cầu, số 7 phố Dã Tượng và số 36 phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm.

Trong 15 cây xăng thuộc công ty này đang hoạt động tại thành phố Hà Nội có 12 cây trong các quận nội thành, đều ở những tuyến đường đông đúc, gần khu dân cư, như: Cửa hàng số 29 Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, số 233 Khâm Thiên, quận Đống Đa, số 114 Đốc Ngữ, quận Ba Đình, số 249 Thụy Khuê, quận Tây Hồ…

Ông Phạm Quang Thơm, Giám đốc xí nghiệp bán lẻ số 1, Công ty Cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội, cho biết: Khi làm một cây xăng mới doanh nghiệp phải tự bỏ tiền mua đất, giải phóng mặt bằng, với diện tích tối thiểu theo quy định là 900m2. Để có giấy phép, doanh nghiệp mở cây xăng phải được sự chấp thuận của ít nhất 9 sở, ngành khác nhau.

Trong khi đó, Hà Nội có nhiều quy hoạch chồng chéo, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư mới vào lĩnh vực này. Ngay cả khi đã hoàn thiện hồ sơ, tìm được vị trí đất phù hợp với quy hoạch và mục đích sử dụng đất của thành phố, thì công tác giải phóng mặt bằng cũng rất phức tạp vì doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân.

Trên thực tế, nếu di dời hết các cây xăng không đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn ra khỏi khu vực nội đô cũng không được vì nhu cầu của người dân mua xăng ở nội đô không thể thiếu. Không lẽ gia đình nào cũng phải ra tận ngoại ô mua tích trữ xăng vào can để dùng dần trong tuần, đến lúc đó thì nguy cơ cháy nổ ở Hà Nội còn cao hơn nữa.

Khó khăn trong việc di dời cây xăng là vậy, nhưng do nhu cầu tiêu dùng của người dân về xăng dầu ngày càng cao, nên những cây xăng trong nội đô cho dù không thể đáp ứng đầy đủ các quy định theo Quy chuẩn 01 vẫn tạm thời được hoạt động. Chính vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn cháy nổ tại các cây xăng được đặt lên hàng đầu.

Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Phòng 3, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy, đơn vị thường xuyên tăng cường giám sát và giáo dục ý thức cho người trực tiếp kinh doanh xăng dầu và người dân sống xung quanh khu vực về ý thức chấp hành quy định về phòng chống cháy nổ.

Việc xây mới cây xăng theo quy hoạch là việc phải làm. Nhưng để tồn tại được, xây dựng được những cây xăng trong nội đô đáp ứng được quy chuẩn về an toàn cháy nổ, phục vụ nhu cầu của người dân mới là bài toán khó. Nó cần một cơ chế đặc thù, những quyết sách cụ thể và thực sự khả thi của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.

Các tin khác