Livestream giết bản quyền

(ĐTTCO) - Livestream là một tiện ích được khai thác trên mạng xã hội Facebook. Người sử dụng livestream có thể quay lại hình ảnh và phát trực tiếp cho nhiều người cùng theo dõi.
 Nói cách khác, thao tác livestream thành thạo không thua gì một kênh truyền hình trực tiếp. Hiện tại, nhiều cá nhân đã biết cách livestream để bán hàng hoặc để làm diễn viên nghiệp dư.
Khi giá trị livestream được dùng cho các ngôi sao khóc lóc kể lể, đã gây không ít ê chề cho cộng đồng, mà gần đây giá trị livestream còn hồn nhiên vi phạm bản quyền. Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” vừa ra rạp chưa được bao lâu đã bị tai nạn livestream. Một thanh niên ở Vũng Tàu đã mua vé vào rạp rồi livestream như một cách chia sẻ niềm vui ngớ ngẩn. Sau 30 phút livestream, hành vi ấy đã bị ngăn chặn.
Nhà sản xuất bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” là diễn viên Ngô Thanh Vân than thở: "Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê-kíp của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại. Làm phim đã khó, thị trường phim gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy”.
Livestream giết bản quyền ảnh 1 Bộ phim được livestream trên một trang phim online.
Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” không phải là trường hợp đầu tiên bị livestream. Bộ phim “Em chưa 18” cũng từng bị livestream và cũng lắc đầu ngao ngán.
Đáng lo hơn, xu hướng livestream càng ngày càng nở rộ. Vài khán giả ngây thơ đi xem kịch nói hay xem ca nhạc, cũng cứ dùng điện thoại di động để livestream. Như vậy, đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận thực trạng này, mới mong có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.  

Phần lớn người dùng livestream không hề biết rằng hành vi của họ đã trực tiếp xâm phạm bản quyền của người khác. Họ không hề ý thức được, những hình ảnh họ truyền đi không chút đắn đo, chính là tác phẩm sáng tạo của bao nhiêu người. Chỉ cần một cuộc livestream bừa bãi, công sức và tài sản của một ê-kip nghệ sĩ sẽ đổ sông đổ biển hết. 
Theo quy định tại Nghị định 131/2013, hành vi quay lén và livestream bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình và có thể bị phạt tiền 15-35 triệu đồng. Người vi phạm phải gỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể sẽ bị xử lý theo Điều 170a Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỷ đồng, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 3 năm.
Trong thời đại công nghệ số, sử dụng những tiện ích văn minh không hề đơn giản. Câu chuyện livestream bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” chính là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về luật pháp cho những ai vẫn còn mơ hồ về bản quyền trên không gian mạng. 

Các tin khác