Loay hoay xử lý rác thải nhựa

(ĐTTCO) - Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện cả nước mỗi ngày có khoảng 80.000 tấn rác thải nhựa được đưa ra môi trường, trong đó xả nhiều nhất là bao xốp. Mỗi tháng có khoảng 25.000 tấn bao xốp được tiêu thụ tại TPHCM và Hà Nội. 
Rác thải nhựa trên biển ngày càng gia tăng, gây hại cho môi trường biển. Ảnh: MH
Rác thải nhựa trên biển ngày càng gia tăng, gây hại cho môi trường biển. Ảnh: MH
Riêng ống hút nhựa, chỉ tính riêng trong ngành sữa được tiêu thụ khoảng 8 tỷ ống. Trong đó, 80% được xử lý dưới dạng chôn lấp, phần còn lại được xử lý quay vòng theo dạng tái chế… Theo thống kê, bình quân sử dụng nhựa của Việt Nam hiện chỉ khoảng 45kg/người, thấp hơn rất nhiều so với 150kg/người của Thái Lan, hay trên 200kg/người của Nhật Bản, nhưng Việt Nam lại là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới mà không xử lý.
Từ lâu, túi nilon đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân. Với nhiều ưu điểm như bền, chắc, tiện dụng và giá rẻ, túi nilon được sử dụng phổ biến và có mặt khắp mọi nơi. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 5-7 túi nilon/ngày. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực của nó kinh khủng hơn nhiều người nghĩ. Nhựa dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ 70-800oC và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể con người.
Những chất độc đó tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm. Phế phẩm từ nhựa còn tác động xấu đến môi trường. Sau khi bị vứt ra ngoài thiên nhiên, nhựa sẽ mất hàng trăm năm để tiêu hủy. Các sản phẩm từ nhựa sẽ tách dần ra thành các hạt nhỏ, ngấm vào đất đi vào các mạch nước ngầm, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Hoặc chúng có thể bị các sinh vật như cá nuốt vào và có nhiều khả năng con người sẽ ăn nhầm phải và nhiễm độc.
Trước vấn nạn “ô nhiễm trắng”, chúng ta đã có nhiều quyết định của các bộ, ngành chức năng, thậm chí là nghị định của Chính phủ, hay văn bản luật liên quan đến rác thải nhựa. Tuy nhiên những chủ trương, chính sách này dường như chưa “thấm” vào đời sống người dân. Thí dụ, tại TPHCM từ năm 1999-2012 đã triển khai 3 chương trình phân loại rác tại nguồn nhưng tất cả đều thất bại, dù kinh phí không phải nhỏ. Nguyên nhân do thiếu đầu tư hệ thống phân loại một cách đồng bộ, từ thùng rác tại mỗi gia đình, phương tiện vận chuyển có ngăn riêng và các bãi rác phải phân loại, tái chế đúng yêu cầu. Sau đó, với sự trợ giúp kinh phí của các tổ chức quốc tế, TPHCM tiếp tục thí điểm việc phân rác từ nguồn, nhưng rồi cũng thất bại. 
Đặc biệt, từ năm 2017, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 03/NQ-HĐND, TP bắt đầu nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn theo lộ trình cho 24 quận, huyện. Khác với những lần thí điểm trước đây, lần này người dân tham gia phân loại rác tại nguồn với tỷ lệ rất cao, tăng từ 30% lên 70%. Nhưng do thiếu xe thu gom từng loại rác, kết quả sau khi phân loại tại nhà dân, rác lại bị trộn chung ở bãi tập kết, đổ về bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, việc xây dựng các nhà máy sản xuất phân compost và chế biến phân hữu cơ không thực hiện được do các nhà đầu tư thiếu vốn.
Để giải quyết bài toán trên rõ ràng cần có sự chung tay của toàn xã hội, không phải chỉ riêng bộ, ngành nào. Theo đó, một loạt giải pháp cần được thực hiện quyết liệt hơn, thay vì chỉ kêu gọi chung chung hoặc thực hiện theo kiểu phong trào. Đó là sửa đổi các văn bản luật liên quan đến vấn đề rác thải nhựa. Trong đó, có cơ chế ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý rác thải nhựa phù hợp với điều kiện của Việt Nam; có phương pháp kiểm soát, giám sát xã hội, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường.
Cùng với đó có chính sách khuyến khích các công ty sản xuất bao bì nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm thay thế túi nilon thân thiện với môi trường, cũng như cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án xử lý chất thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Các tin khác