Một cơn cao hứng cười ra nước mắt

(ĐTTCO) - Văn học trào phúng chưa bao giờ là một thể loại đơn giản đối với người cầm bút. Về phía độc giả, làm cho người ta khóc thường dễ hơn làm cho người ta cười. 
Tập truyện  “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng” của Lê Thiếu Nhơn, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành, là một trong số những tác phẩm trào phúng trong vài năm trở lại đây. 
Qua 230 trang sách, anh đem đến cho độc giả những nụ cười thú vị với “Hội thi tuyển thánh”, “Học lấy bí kíp tuyệt đỉnh trần gian”, “Cẩm nang thành đạt hiện đại”, “Thần tượng không lên sóng truyền hình”, “Hư chiêu rất đắc dụng”, “Tỷ phú ngơ ngác”, “Một vụ cầm nhầm ngoạn mục”…
Cái thú vị của “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng” không phải cười như chuyện tiếu lâm, mà cười chua chát cho hiện thực ngổn ngang, cười cay đắng cho nhân phẩm lệch lạc.Đặc biệt, Lê Thiếu Nhơn có cách lý giải rất đáo để về những kẻ tự nhận là tấm gương thành đạt và giàu sang, khi hé lộ những chiêu trò và những mánh khóe của họ một cách lắt léo và duyên dáng. Đọc những truyện như “Trái tim rực rỡ sắc màu”, “Ngụp lặn giữa thiên đường” hoặc “Quyết tâm cởi áo về vườn” ban đầu buồn cười, nhưng ngẫm lại thấy ngậm ngùi lắm thay.
Một cơn cao hứng cười ra nước mắt ảnh 1  
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan đánh giá: “Với cái nhìn sắc sảo và tinh tế, Lê Thiếu Nhơn đã mã hóa được hầu hết mọi hạng người nhí nhố quanh ta hàng ngày, những khuôn mặt đen, mặt mốc... rồi bắt chúng hiển thị trong những tấn tuồng bi hài, bức tranh vân cẩu. Nhìn vào làng cười trong cả nước, thấy  phần lớn những cây bút quen thuộc với bạn đọc lâu nay hiện đều đã già. Hy vọng Lê Thiếu Nhơn sẽ là một trong số người kế thừa trẻ trung và sung sức để giữ cho ngọn lửa văn học trào phúng tiếp tục cháy sáng”. 
Còn nhà văn Lê Văn Nghĩa nhận xét:  “Lê Thiếu Nhơn viết châm biếm từ “động cơ” muốn vạch ra mặt trái, những điều xấu xa được che đậy bằng những mỹ từ đạo đức. Bản chất của cuộc mâu thuẫn nầy đẻ ra sự châm biếm. Nhưng nói vậy chứ không phải vậy.
Đâu phải từ chuyện “Sếp có bí quyết trẻ lâu” bằng cách ăn gian tuổi để không về hưu, đến chuyện Xuân Tóc Đen trong “Cám ơn thượng đế sáng suốt” bỏ đánh quần vợt để đi phục vụ Nghị Hách và Thạch Sùng đã rút ra một sự “công bằng” của thượng đế khi ban phát ân sủng ở xứ sở này: “người nhiều chữ thì ít tiền và ngược lại, người ít năng lực thì nhiều quyền hạn và ngược lại”… mà dễ viết ra thành truyện trào phúng.
Làm sao viết cho người đọc thấy sướng, người đọc thấy “thằng cha” nầy nói hộ tấm lòng của mình. Biết tạo ra nhân vật Xuân Tóc Đen, Tào Khôn, Tào Lao, Cù Lần, Cù Lét… đưa sự kiện, dẫn dắt câu chuyện từ Làng Bồng Lai đến thôn Chém Gió, thôn Cá Tra cùng với ngôn ngữ thời đại @, Lê Thiếu Nhơn đã tiến một bước vào làng văn học trào phúng”. 

Các tin khác