Mùa sen tưởng nhớ thầy Khê

(ĐTTCO) - Mùa Sen so phím Nguyệt cầm/ Nhớ Thầy, nhớ khách tri âm cõi hồng.  Khúc Nam Xuân dặt dìu trong hương trầm thoang thoảng. 
Như gió nhẹ, như trăng thanh, tình xuân bao la mà không phóng túng, ý xuân miên man mà nghiêm trang, trân trọng, buồn man mác mà không bi ai, sầu não. Lãng mạn tựa hoa bay, bâng khuâng dường lá rụng, tiêu dao nào khác mây ngàn đỉnh núi, tự tại như gió thổi lầu trăng. Mùa này, năm cũ, Thầy đã đi xa khuất. Thầy đã khuất như hạc nội mây ngàn, bóng áo xanh Tư Mã xa mờ trong sương khói, vấn vương mấy sợi tơ trời…
Thương nhớ ánh mắt, nụ cười và dáng ngồi chăm chú của Thầy nhìn tôi pha trà, khiến tôi không dám pha trà hờ hững, chế trà cẩu thả, uống trà vô tình… chỉ vì bởi một câu ngợi khen: Em là người pha trà tuyệt diệu nhất mà thầy từng gặp! Thỉnh thoảng, trong những buổi nhàn trà, Thầy dạy cho tôi một lòng bản cổ nhạc thật xưa. Thầy xướng, tôi biên, học xướng âm theo với thật nhiều câu hỏi. Thầy như một biển kiến thức mênh mông, kiến văn quảng bác, trí tuệ siêu việt. Đôi khi chỉ là một bài bản cổ mà mang người nghe đi xa lơ, xa lắc xuyên không gian và thời gian đến một cõi Việt Nam xưa đầy thanh lịch và thăng trầm.
Mùa sen tưởng nhớ thầy Khê ảnh 1 GS. Trần Văn Khê và các học trò. 
Nhớ có một năm, tại trà quán, chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm về Trà Việt Nam. Chúng tôi rất vinh hạnh được đón tiếp vị khách rất đặc biệt: GS.TS Trần Văn Khê. Hôm đó ông thể theo lời thỉnh cầu của chúng tôi đến, trước là thưởng thức buổi trà, sau ông sẽ nói chuyện về trà, ẩm thực Việt Nam kim cổ. Buổi tối, khí trời dịu mát. Trà sen thơm lưu luyến, trà cúc thơm kín đáo nhẹ nhàng mang đầy phong vị thanh tao. Đèn vàng dìu dịu, mấy bức thư pháp chữ thảo trầm mặc và ung dung, tiếng đàn Cầm thong thả nho nhỏ như thả hồn cầm vào trong từng chung trà vàng nhạt ánh trăng. Thầy Khê nói về Trà Việt Nam qua Ức Trai thi tập, mà trong dòng lịch sử được nhắc lại đó Nguyễn Trãi hiện về như một Trà nhân tuyệt vời, ung dung, tự tại… 
Rồi Thầy kể về những kỷ niệm uống trà ở Đài Loan đẹp và thơ mộng như một bài Đường thi, một điệu Tống từ… Thầy còn đọc trích đoạn trong vở cải lương do cậu Năm của Thầy (ông Nguyễn Tri Khương, cháu ngoại danh tướng Nguyễn Tri Phương) sáng tác năm 1927. Thầy nhắc đến trích đoạn nói về các món ăn và cách thức làm các món đó được ông Nguyễn Tri Khương viết theo thể văn biền ngẫu, câu cú, từ ngữ đối nhau chan chát, hàm ý sâu xa về lòng yêu nước và khinh miệt, chê bai những kẻ khom lưng, quỳ gối, bẩm bẩm, dạ dạ với thực dân Pháp ngày xưa. Thầy nói đến trích đoạn để muốn nhắc nhở rằng: “Văn chương trong cải lương có lề lối và quy củ. Những người viết cải lương, làm cải lương chân chính rất đàng hoàng, trọng nhân cách sống, có ý thức và lòng tự hào yêu nước”. 
Nay bậc thiên nhạc tài hoa xa khuất. Nhưng tơ đàn vẫn cứ ngân nga, triền miên theo gió, theo mây, theo ngày tháng vô thường mà tươi đẹp vĩnh hằng trong xứ cõi này. 

Các tin khác