Nghệ thuật đọc sách

(ĐTTCO) - Có một thời đọc sách không căn cứ trực tiếp vào cấu trúc văn bản mà chỉ xem sách có phù hợp với quan điểm, tư tưởng đã được định hướng hay không. Rồi có một thời đọc sách theo kiểu “mì ăn liền” để giải trí tức thời, người đọc chẳng mảy may tiếp thu được cái hay cái đẹp tinh thần từ nội dung và hình thức văn bản. Áp đặt hay thiếu phương pháp tư duy đọc sách đều không mang lại ích lợi. 

Lớp lý luận phê bình văn học trẻ
Dù là sách nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, tâm lý hay sáng tác văn học đều đòi hỏi người đọc phải có phương pháp, kỹ năng đọc và tiếp thu. Và khi môi trường học thuật khởi sắc, dân chủ, chẳng những người làm công tác lý luận phê bình có điều kiện thể hiện năng lực mà nhà văn và bạn đọc cũng hưởng lợi. Không còn cứng nhắc một chiều, nhà phê bình cùng đồng hành sáng tạo, liên tài với nhà văn trên cơ sở văn bản học, đồng thời vẫy gọi, kết nối, gợi hứng cho bạn đọc cùng khám phá, hưởng thụ, nâng cao những giá trị văn bản chọn lọc. Nhà phê bình trở thành cầu nối đặc biệt tinh tế giữa tác giả và bạn đọc. 
Có một thời trên các diễn đàn phê bình văn học nước ta và ngay cả đề tài hướng dẫn luận văn, luận án trong các trường đại học, viện nghiên cứu, đối tượng thường trực là các tác giả tác phẩm mang tính kinh điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà… rồi đến phong trào Thơ mới, văn học hiện thực phê phán, văn học kháng chiến.
Nghệ thuật đọc sách ảnh 1  
Các nhà lý luận phê bình lẫn giáo dục ngại đụng chạm đến những vấn đề văn học hiện đại, nhất là các tác giả tác phẩm xuất hiện sau ngày đất nước Đổi mới năm 1986. Vì vậy, phê bình văn học gần như bị tụt hậu, đánh mất sứ mệnh đồng hành, động lực, dự cảm đối với đời sống sáng tác.
Điều đáng mừng là thời gian gần đây hoạt động lý luận phê bình văn học khởi sắc, với một đội ngũ trẻ tài năng, được đào tạo bài bản. TS. Mai Thị Liên Giang, tác giả tập tiểu luận - phê bình “An trú miền đọc” do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2018 là một trong những người trẻ như vậy.
Nghệ thuật đọc sách ảnh 2 Tác phẩm “An trú miền đọc” của Mai Thị Liên Giang. 
Chị trở thành người đồng hành sáng tạo đáng quý của nhà văn, và là người chỉ hướng đáng tin cậy của bạn đọc, giúp chúng ta hiểu hơn nghệ thuật đọc sách cũng như đời sống phê bình văn học. Là công trình nghiên cứu công phu, thấm đẫm tinh thần khoa học và nhân văn, tác phẩm “An trú miền đọc” mang bản sắc riêng khi TS. Mai Thị Liên Giang lấy văn bản tác phẩm làm trung tâm để khảo sát, luận giải.
PGS.TS Lý Hoài Thu nhận định: “Đứng trước nhiều trường phái nghiên cứu, nhiều văn bản tác phẩm văn học xuất hiện khá xô bồ ở Việt Nam hiện nay, bằng độ nhạy cảm, khoa học trong tiếp nhận, tác giả đã biết lựa chọn, đưa ra những cách đọc riêng mình để thâm nhập vào sinh thể tác phẩm”.
 
Tìm phương pháp đọc phù hợp
Không phải là một người đọc bình thường, Mai Thị Liên Giang là một người đọc chuyên nghiệp và lý tưởng, có phương pháp và mục đích, đồng hành và chiếu rọi văn bản của nhà văn để giải mã, khai mở, đối thoại, liên tưởng trong niềm cảm hứng tái sáng tạo.
Từ trải nghiệm của mình chị viết: “Nói đến việc đọc tác phẩm văn học hẳn nhiều người sẽ cho rằng: chuyện xưa như trái đất, ai chẳng đọc được khi đã biết chữ. Tuy nhiên vấn đề của người đọc là biết phát ra âm thanh từ các con chữ vẫn chưa phải là biết đọc. Trong quá trình tiếp nhận văn học, hay trong quá trình đọc sách, người đọc phải đối diện trực tiếp với những văn bản. Đây chính là một trong những đối tượng thường trực trong quá trình đối thoại với văn học. Thực tế, ở Việt Nam có những giai đoạn, người đọc đối diện với những quan điểm, tư tưởng của sách chứ không phải là văn bản sách” (Người đọc và những thách thức của văn học thị trường Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa”, tr.263).
Cũng trong bài viết trên Mai Thị Liên Giang còn trình bày rõ hơn về nghệ thuật đọc sách hiện nay trước thực trạng phát triển của văn học thị trường. Mỗi người đọc phải tự biết định hướng và tìm ra phương pháp phù hợp, có thể chọn cách đọc theo các quan điểm ấn tượng học, thi pháp học, ký hiệu học, xã hội học, văn hóa học, hiện tượng học, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, phê bình mới, hướng sinh thái, nữ quyền luận, hậu hiện đại…
Theo tác giả: “Khó có thể giải mã cái mới bằng phương pháp đọc lỗi thời. Một đòi hỏi cao với người đọc là phải có sáng tạo, tiếp thu phù hợp với các xu hướng phát triển của văn học. Cần tránh tình trạng thấy sách nào cũng đọc thì cũng không đủ thời gian. Đặc biệt trước trào lưu truyện ngôn tình, người đọc cần có thái độ nghiêm túc và kỹ năng trong việc đọc. Cần đọc trên tinh thần cùng sáng tạo. Trước một tác phẩm mới cần có tầm nhìn bao quát, thái độ khách quan, khoa học để đào thải những sách hời hợt, không có giá trị khoa học”.
Trên cơ sở phương pháp đọc sách ấy, Mai Thị Liên Giang đã bám sát văn bản tác phẩm để khám phá, phát hiện, nghiên cứu, luận giải, khai phóng cái hay cái đẹp và nhiều điều thú vị mà đôi khi chính nhà văn sáng tác cũng không nghĩ tới. Bằng sự trân quý, chị đặt mình ở tâm thế người đọc đồng hành với hoạt động sáng tạo của tác giả, liên tài với tác giả, đồng thời kết nối khoảng trống giữa người đọc với nhà văn.
Hơn nữa, với tư duy mạch lạc, văn phong khúc chiết và đầy cảm xúc, cách nhìn tinh tế và sâu sắc, những bài tiểu luận phê bình của Mai Thị Liên Giang có sức quyến rũ, lôi cuốn, vẫy gọi người đọc dõi theo từng con chữ của mình.

Các tin khác