Nghị sĩ và “báo sĩ”

(ĐTTCO) - Vừa trông thấy tôi trên hành lang, chưa kịp mở lời hỏi han, một vị ĐBQH nổi tiếng thân thiện đã cười xòa: “Tôi đang muốn làm một luật về phòng chống tác hại của… báo chí đây, nhà báo có giúp không”.
Chẳng là chiều qua ông vừa nhận một “cơn mưa gạch đá”, do một số tờ báo khi trích dẫn phát biểu của ông trên diễn đàn Quốc hội, đã cắt cúp bừa ẩu khiến cho bạn đọc hiểu nhầm.
“Tôi bị cư dân mạng gọi là… thằng say rượu, ăn tiền trắng trợn. Nhưng tuổi này, làm ĐBQH đến 4 khóa, tôi cũng đã hứng gạch đá quen rồi. Điều đáng lo ngại hơn là công chúng không hiểu đúng về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, một đạo luật sẽ có tác động xã hội rất rộng” - nghị sĩ kỳ cựu chia sẻ. 
Sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã phải chủ trì một cuộc họp báo bất thường để giải thích cặn kẽ về nội dung dự thảo Luật, cũng như ý nghĩa của việc xin ý kiến bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Sáng 14-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật với 84,3% tổng số ĐBQH tán thành.
Nghị sĩ và “báo sĩ” ảnh 1 Ảnh minh họa.
Tuy nhiên rất công tâm, ngay sau đó ông nói thêm: “Tất nhiên, báo chí có vai trò rất lớn trong công tác xây dựng pháp luật. Bản thân tôi cũng làm công tác báo chí. Có rất nhiều thông tin ĐBQH có được là nhờ báo chí.
Vai trò giám sát xã hội của báo chí với mạng lưới đông đảo những người làm báo xông xáo, năng nổ, có ưu thế tiếp cận cả người dân và cơ quan Nhà nước đặc biệt quan trọng”. Quả thực vai trò “cầu nối” này của báo chí là không thể phủ nhận. Và điều này xuất phát từ việc cánh cửa nghị trường có xu hướng mở rộng hơn cho báo chí khá nhiều. 
Theo lời kể của ông Vũ Mão, nguyên ĐBQH 20 năm liên tục, trong đó giữ cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 15 năm, trước những năm 1990, báo chí không có chuyện tường thuật tranh luận ở Quốc hội, mà chỉ thông tin về những quyết định đã được thống nhất.
Với mong muốn đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ khi đó từng thẳng thắn phát biểu: “Quốc hội không nên là cây kiểng”, và chủ trương không duyệt bài của các vị ĐBQH trước khi phát biểu như trước đó. 
Và rồi tại kỳ họp của Quốc hội mùa hè năm 1994, một thay đổi hết sức quan trọng đã được thực hiện khi một số phiên họp của Quốc hội được truyền hình trực tiếp. Đi xa hơn nữa, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, ở cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa 11, đã quyết định cho phép phóng viên tham dự, đưa tin chi tiết về các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Sau này, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lý giải: “Tôi nói rằng mình là đại biểu thì phát biểu thế nào dân cần phải biết để dân giám sát, chứ nói xong rồi ra nghị quyết tập thể thì dân theo dõi sao được. Cử tri cần biết đại biểu nói thế nào để còn đánh giá thái độ, quan điểm từng người”.
Có lẽ nhờ vậy mà những thông tin về hoạt động nghị trường được báo chí chuyển tải đến công chúng ngày một nhiều hơn, phong phú hơn. Không chỉ có vậy, dòng chảy thông tin ngồn ngộn từ thực tế cuộc sống cũng thông qua cuộc sống mà chảy vào nghị trường, nóng hổi.
Còn nhớ, ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc họp báo, bà khẳng định, bên cạnh việc chuyển tải hết sức kịp thời và đầy đủ những thông tin về hoạt động của Quốc hội đến với cử tri và nhân dân cả nước, báo chí cũng góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh chống tiêu cực, là cầu nối thông tin đem hơi thở cuộc sống tới nghị trường Quốc hội. Đây cũng là một kênh thông tin để các đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật… 
Chẳng thế mà ĐBQH Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong một phiên họp của UBTVQH, đã thẳng thắn đề nghị các cơ quan công quyền hạn chế tới mức thấp nhất các tài liệu đóng dấu “Mật”.
Bà cũng đề nghị “mở tối đa cánh cửa nghị trường” để phóng viên có thể tiếp cận hoạt động của ĐB và các ủy ban, từ đó truyền sức nóng từ nghị trường đến với người dân và ngược lại, đem đến nghị trường những vấn đề nóng hổi hơi thở cuộc sống. 
Nhưng bên cạnh vai trò chuyển tải những thông tin, báo chí có thể và cần làm được nhiều hơn thế. “Hiện nay báo chí chỉ mới nói được một việc là có chuyện A, chuyện B, nhưng thường thì sau đó không ai biết việc sẽ đi đến đâu, sai phạm được xử lý như thế nào.
Cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, kết nối giữa báo chí với ĐBQH thường xuyên hơn, hiệu quả hơn” - ĐB Dương Trung Quốc nói. Chắc chắn sự đồng thuận, hỗ trợ mà Quốc hội và từng vị ĐBQH dành cho báo chí - không chỉ từng cơ quan báo chí mà thậm chí cá nhân từng người viết - để nhà báo yên tâm vững vàng tay bút là hết sức quý báu.  

Các tin khác