Người dân ùn ùn đổ về TPHCM, Hà Nội sau đợt nghỉ tết

(ĐTTCO) - Chiều tối 10-2, cả triệu người từ các tỉnh thành trở lại TPHCM sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2019. Cụ thể, từ 15 giờ, hướng cửa ngõ phía Tây trên quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh), hàng ngàn phương tiện, chủ yếu là xe máy, ùn ùn hướng về thành phố. 
Do thời điểm này nắng gắt nên người đi đường trùm kín người bằng áo khoác, khăn quàng, găng tay... Vào khoảng 17 đến 18 giờ, dòng xe gắn máy, xe khách, ô tô… nối đuôi nhau qua cầu Bình Điền. Mật độ xe cộ rất đông nên phương tiện lưu thông rất chậm.
Bên trong bến xe miền Tây, liên tục các xe khách mang biển số các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang…  vô bến trả khách. Mặt dù lượng xe về nhiều nhưng nhờ có lực lượng bảo vệ trật tự tại bến điều tiết nên không xảy ra ùn ứ. Giám đốc Bến xe miền Tây Nguyễn Ngọc Thừa cho biết, do có sự chuẩn bị và phân luồng tốt nên đến nay tình hình an ninh trật tự tại bến vẫn đảm bảo. 
Còn tại Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), lượng khách bắt đầu đổ về nhưng không đông như Bến xe miền Tây. Nhiều nhất là các tuyến như Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Việc phân luồng trong bến không mấy khó khăn do có sự chuẩn bị từ trước. Thế nhưng, do lưu lượng khách quá lớn nên việc đón taxi, xe ôm trở về nhà khá vất vả. Nhiều hành khách phải chấp nhận kéo hành lý lỉnh kỉnh từ trong bến xe ra đường để đón xe taxi.
Người dân ùn ùn đổ về TPHCM, Hà Nội sau đợt nghỉ tết ảnh 1 Xe cộ kẹt cứng ở cầu Rạch Miễu 
Tình trạng kẹt xe trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn tiếp tục xảy ra trong 3 ngày qua, đặc biệt đoạn từ vòng xoay quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai). Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, cho rằng do lượng xe từ QL 51 đổ vào cao tốc hướng về TPHCM quá lớn, khi lên đến cầu (bắc qua sông giữa Đồng Nai và TPHCM) chỉ lưu thông được 2 làn, nên xếp hàng dài.
Khoảng hơn 10 giờ ngày 10-2, trên cầu Cần Thơ xảy ra một vụ tai nạn giữa 2 xe ô tô khiến tình hình giao thông bị ùn ứ hàng giờ. Nhiều người cho biết, vào thời điểm trên, 2 xe ô tô loại 4 chỗ ngồi mang biển số Cần Thơ đang lưu thông qua cầu về hướng Vĩnh Long thì xảy ra va quẹt. Thời điểm này có rất đông người dân từ các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… lưu thông về hướng TPHCM, vì vậy gây ra ùn tắc cục bộ kéo dài. 
Tình trạng kẹt xe trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng khá nghiêm trọng. Đến khoảng 14 giờ ngày 10-2, ùn tắc giao thông trên cầu Mỹ Thuận và phà Đình Khao vẫn rất căng thẳng. Vào sáng cùng ngày, một ô tô loại 29 chỗ lưu thông từ hướng Vĩnh Long đi Tiền Giang bất ngờ bị chết máy trên cầu Mỹ Thuận đúng thời điểm rất nhiều phương tiện từ các tỉnh ĐBSCL đổ về TPHCM, miền Đông… khiến giao thông ùn ứ. Ô tô và xe máy bị kẹt cứng, kéo dài khoảng 10km (phía Vĩnh Long). 
Mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông… khẩn trương điều tiết nhưng tình trạng kẹt xe vẫn trầm trọng. Do kẹt xe ở cầu Mỹ Thuận nên nhiều người chuyển hướng sang bến phà Đình Khao (Vĩnh Long) qua Bến Tre để lên TPHCM… khiến kẹt xe cũng xảy ra trên tuyến đường này. Theo Ban quản lý phà Đình Khao, năm nay bến phà đã chủ động điều thêm phà 200 tấn về phục vụ và đã có 4 phà chạy liên tục nhưng tình trạng kẹt xe chưa được cải thiện.
Người dân ùn ùn đổ về TPHCM, Hà Nội sau đợt nghỉ tết ảnh 2 Kẹt xe dữ dội ở cầu Mỹ Thuận vào ngày 10-2.  Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Tại Bến Tre, nhiều phương tiện xe máy, ô tô hướng về TPHCM theo hướng QL60 khiến giao thông qua khu vực trạm thu phí và cầu Rạch Miễu bị ùn tắc nghiêm trọng. Càng về chiều 10-2, lượng xe di chuyển càng đông, QL 60 bị ùn ứ nghiêm trọng. Lực lượng CSGT Công an tỉnh Bến Tre đã chốt chặn ngăn từng đợt để xe lên cầu Rạch Miễu nhằm tránh kẹt xe trên cầu. Do lượng xe đông, tuyến QL 60 đoạn huyện Châu Thành (Bến Tre) bị “tê liệt”, Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu xả trạm lúc 13 giờ 21, sau đó giao thông được cải thiện. Tuy nhiên, đến khoảng 16 giờ 20 do lượng phương tiện tiếp tục tăng cao, trạm thu phí quyết định xả trạm lần 2. 
Trong khi đó, tuyến QL 1A đoạn qua Tiền Giang có lượng phương tiện xe máy, ô tô đi TPHCM tăng đột biến khiến kẹt xe trầm trọng. Trung tá Nguyễn  Trường Kỳ, Phó Trưởng trạm kiểm soát giao thông Trung Lương (Phòng CSGT, Công an tỉnh Tiền Giang), cho biết tình trạng ùn ứ đã xảy ra từ đầu giờ chiều 10-2. Phòng CSGT tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ các huyện trong tỉnh, lực lượng công an xã, cảnh sát trật tự dọc theo QL1 và phối hợp lực lượng trật tự giao thông túc trực các điểm nóng, điều tiết giao thông tránh xảy ra va chạm.
Tại Long An, không chỉ trên tuyến QL1, QL60, tuyến N2 qua các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức… cũng xảy ra kẹt xe nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (Long An), cho biết tình trạng kẹt xe không chỉ ở tuyến N2 mà tuyến ĐT817 nối từ thị xã Kiến Tường ra tuyến N2 cũng bị kẹt. Lực lượng CSGT đã huy động và trưng dụng nhiều phương tiện phà, xuồng (có tải trọng lớn) để đưa người và xe máy qua những đoạn bị kẹt cứng. 
Ở khu vực phà Vàm Cống và phà An Hòa (An Giang) xảy ra kẹt xe kéo dài, nhiều nhất là phía bờ của TP Long Xuyên, hàng loạt phương tiện xếp hàng để chờ được qua phà. Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, do số lượng người dân lên TPHCM, miền Đông… làm việc sau khi nghỉ tết rất đông, cộng với việc ngày cuối tuần có nhiều người đi cúng viếng Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP Châu Đốc), do đó xảy ra kẹt xe nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Trong ngày 10-2, các tuyến đường cửa ngõ Hà Nội đều có mật độ phương tiện tăng vọt do người dân đổ về thành phố sau kỳ nghỉ tết. Trong đó, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có một số thời điểm bị ùn ứ từ khu vực Km185 kéo dài đến nút giao Pháp Vân theo chiều về Hà Nội. Đại diện chủ đầu tư cho biết sẵn sàng xả Trạm thu phí Thường Tín nếu xảy ra ùn tắc kéo dài. Tại các bến xe lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa… xe khách liên tỉnh nối đuôi vào trả khách.
Do xe buýt không thể giải tỏa hết hành khách, đội quân taxi, xe ôm hoạt động hết công suất nên đã gây ra tình trạng lộn xộn ở khu vực bến xe. Theo phản ánh từ người dân, giá cước taxi công nghệ, taxi, xe ôm từ bến xe đi đều tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường do nhu cầu quá lớn. Tại ga Hà Nội, do các chuyến tàu Thống Nhất và các tàu địa phương liên tục vào ga khiến sân ga và ngoài quảng trường đông nghẹt hành khách. Nhà ga phải mở nhiều cửa tiễn khách để tránh cảnh ùn ứ, chen lấn.
Lượng khách từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam cũng khá đông. Hiện các chuyến tàu xuất phát từ ngày 10 đến 12-2 hầu như đã kín chỗ, chỉ còn một số ít ghế phụ. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tính đến ngày 10-2, tổng số đoàn tàu khách Thống Nhất phục vụ tết là 166 đoàn, tổng số khách đi tàu là 334.516 khách.
Về hàng không, trong 9 ngày nghỉ tết, tổng lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 2,82 triệu người, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Do hành khách tăng đột biến, các cảng hàng không bị quá tải cục bộ vào một số thời điểm, một số chuyến bay bị chậm giờ gây bức xúc cho hành khách.

 Siết chặt an toàn giao thông mùa lễ hội 2019
(SGGP).- Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, trong ngày 10-2 (mùng 6 tháng Giêng) toàn quốc xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 22 người chết, 19 người bị thương. Tính chung trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, toàn quốc xảy ra 276 vụ TNGT, làm 183 người chết, 241 người bị thương. Trong đó chủ yếu xảy ra trên đường bộ với 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) giữa ô tô khách và ô tô con làm chết 3 người, bị thương 5 người; đường sắt có 2 vụ tai nạn làm chết 2 người; đường thủy không xảy ra tai nạn. Bình quân số người chết trong 9 ngày nghỉ tết vừa qua là 20 người/ngày, giảm 8 người/ngày (giảm 28%) so với bình quân số người chết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Để bảo đảm trật tự, ATGT trong các ngày sau tết và mùa lễ hội xuân 2019, Ủy ban ATGT quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an huy động tối đa lực lượng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ưu tiên xử lý các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích thần kinh và không đội nón bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, đồng thời có phương án tăng cường lực lượng hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn có lễ hội. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần phối hợp địa phương chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành, tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô, vận tải thủy nội địa theo hợp đồng, nhất là tuyến Bắc - Nam và hoạt động vận tải đến khu vực lễ hội.
BÍCH QUYÊN
 Nhà xe trả lại 1,2 lượng vàng và 250 triệu đồng cho khách để quên
(SGGP). Chiều 10-2, tại Công ty Vận tải Sơn Tùng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), nhân viên của công ty này đã làm thủ tục bàn giao lại túi xách có chứa 1,2 lượng vàng, hơn 250 triệu đồng, 4 sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ, tài sản khác,… cho ông Huỳnh Tấn Đông (SN 1972, trú thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Trước đó, vào sáng cùng ngày, ông Đông cùng gia đình đi xe khách giường nằm của Công ty Vận tải Sơn Tùng từ Quảng Nam vào Bình Định. Sau khi ăn cơm tại trạm dừng chân ở xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), ông Đông để quên túi xách ở nhà ăn rồi lên xe. Trong lúc dọn dẹp, một nhân viên của Công ty Vận tải Sơn Tùng nhặt được túi xách cùng lượng tài sản lớn liền báo tìm khách để quên. Ngay khi biết mình quên túi xách, ông Đông cũng nhanh chóng báo cho nhà xe để được hướng dẫn đến trụ sở Công ty Vận tải Sơn Tùng làm thủ tục nhận lại túi xách cùng tài sản.
NGỌC OAI

Các tin khác