Nhọc nhằn hãng phim nhà nước

(ĐTTCO) - Xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Khi những hãng phim tư nhân liên tục thành lập và hoạt động hiệu quả, quá trình cổ phần hóa các hãng phim nhà nước rất lúng túng. 
Nhìn cảnh tan hoang sau khi cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam mà thấy ngao ngán. Chỉ mới 2 tháng đổi tên từ Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành CTCP Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, mọi thứ vốn đã ê chề lại càng ngổn ngang hơn. 

Quá trình định giá Hãng phim truyện Việt Nam ở mức 32 tỷ đồng, đã từng gây xôn xao dư luận. Còn giờ đây, thực trạng nhân lực của đơn vị điện ảnh một thời lừng lẫy này lại phát sinh không ít mâu thuẫn. Người lao động kêu ca về thù lao, còn người sử dụng lao động lại khẳng định trong 80 người biên chế cũ của Hãng phim truyện Việt Nam chỉ có 20 người có việc làm còn 60 người ngồi không hưởng lương.
Ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam, lý giải: “Do công ty khó khăn nên sẽ chỉ trả lương những người đang làm việc, những người có đến cơ quan. Còn không đến cơ quan, không làm việc sẽ không nhận được lương. Những người nhận lương hay không nhận lương đều đang được công ty tiếp tục bao cấp 2 triệu đồng tiền bảo hiểm.
Khi hãng phim còn được Nhà nước bao cấp làm phim, tiền rót về được hãng chia ra một phần để làm phim, phần còn lại giữ lại để phát lương cho nhân viên. Hãng giữ lại cả tiền thuế, tiền khấu hao để trả lương dần. Nhưng giờ đã cổ phần hóa không thể làm vậy nữa. Chúng tôi phải thực hiện đủ nghĩa vụ nộp thuế, còn không sẽ bị phong tỏa tài khoản, chẳng làm ăn được gì”.
Nhọc nhằn hãng phim nhà nước ảnh 1  
Quả thật, điện ảnh không thể bao cấp mãi. Tuy nhiên, xóa bao cấp điện ảnh ra sao lại thành một vấn đề không đơn giản. Thực trạng của CTCP Đầu tư và phát triển điện ảnh Việt Nam do lỗi ở ai? Lỗi không phải ở Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso - cổ đông nắm quyền điều hành, vì họ đâu có chuyên môn gì về điện ảnh, họ chỉ hy vọng một dự án dựa trên cơ ngơi của Hãng phim truyện Việt Nam là khu đất vàng số 4 Thụy Khê giữa lòng Hà Nội. Lỗi do sự hạn hẹp tầm nhìn và sự thiếu vắng trách nhiệm.

Lẽ ra, Hãng phim truyện Việt Nam phải xóa bỏ bao cấp từ lúc những nhà sản xuất phim như Thái Hòa, Hai Nhất, Mộng Thu, Lý Huỳnh... làm mưa làm gió khắp các rạp chiếu phim Sài Gòn. Còn đến năm 2015-2016 mới có chủ trương cổ phần hóa, phải tỏ rõ thiện chí để mời gọi những đại gia trong lĩnh vực truyền thông tham gia. Với thương hiệu có sẵn của Hãng phim truyện Việt Nam, nếu giao cho các công ty nhạy bén và có tài lực chắc chắn sẽ tìm thấy con đường tương lai. Còn nay, chút hào quang xưa cũ của Hãng phim truyện Việt Nam nhanh chóng tan thành mây khói.

Các tin khác