Phòng nhiều, cháy vẫn tăng

(ĐTTCO) - Phòng PC07 Công an TPHCM đưa ra dự báo, cháy lớn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là những tháng cuối năm 2018, khi tốc độ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, giải trí… tăng cao. Trong khi đó, công tác PCCC còn rất nhiều bất cập, hạn chế. 

Tình hình cháy lớn (cháy gây chết người) đang diễn biến rất phức tạp tại TPHCM, tăng cao cả số vụ xảy ra lẫn số lượng người thương vong. Trong khi đó, nhiều giải pháp phòng cháy mang tính căn cơ như hoàn thiện hệ thống nguồn nước chữa cháy, xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ, nâng cao ý thức PCCC cho người dân - chủ doanh nghiệp… đang diễn ra rất ì ạch, hiệu quả thấp, thậm chí có nơi bỏ ngỏ!

Tăng số vụ, nghiêm trọng hơn về hậu quả 

Hậu quả của các vụ cháy lớn giờ đây không chỉ gây thương vong, thiệt hại người và tài sản, mặt khác còn kéo theo nhiều hệ lụy, tác động xấu lên đời sống người dân.

Đã 7 tháng trôi qua kể từ khi vụ cháy chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8) xảy ra, chủ đầu tư nhiều lần gia hạn thời gian sửa chữa, nhưng đến nay hàng trăm cư dân ở đây vẫn chưa biết khi nào được dọn về ở lại. Không ít gia đình phải sống lây lất ở chung cư đang xây dựng (đối diện chung cư bị cháy) do chủ đầu tư bố trí, số khác đi ở nhờ nhà người thân. 

“Chỗ ở không ổn định, công việc, sinh hoạt, học tập của con em liên tục bị đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng. Không chịu nổi cảnh sống lây lất, mới đây, nhiều hộ dân đã làm liều, tự ý dọn về ở lại trong chung cư bị cháy, chưa được nghiệm thu”, chị Nguyễn Thị Mai, cư dân sống ở block A chung cư Carina Plaza, ngán ngẩm nói. Một số vụ cháy lớn khác còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vụ cháy nổ ở Công ty TNHH Tân Hồng Thái (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) làm 500 tấn hóa chất tràn ra kênh xảy ra từ năm 2014, song đến nay người dân sống xung quanh vẫn chưa hết gánh chịu hậu quả. “Thi thoảng mùi hóa chất từ dưới rạch vẫn bốc lên nồng nặc, nhiều người hít vào phải nhập viện. Việc trồng trọt, chăn nuôi cũng rất khốn đốn do không dám sử dụng nước rạch để tưới”, ông Hùng  (ngụ xã Lê Minh Xuân) than thở.     

Phòng nhiều, cháy vẫn tăng ảnh 1Hiện trường vụ cháy nổ Công ty TNHH Tân Hồng Thái (làm 15 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy bị thương). Ảnh: TUẤN VŨ

Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TPHCM cho thấy, 5 năm qua (2013-2018), trung bình mỗi năm TPHCM xảy ra hơn 15 vụ cháy lớn, làm chết 15 người, thiệt hại tài sản hơn 150 tỷ đồng. So với cùng kỳ 5 năm trước đó, số vụ cháy lớn và số người thương vong đều tăng cao.

Qua điều tra, phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến cháy lớn chủ yếu do năng lực đội ngũ PCCC tại chỗ yếu kém, ý thức PCCC của chủ doanh nghiệp - người dân lơ là, hệ thống PCCC ở cơ sở không có, nước chữa cháy không đảm bảo, hệ thống điện sinh hoạt còn nhiều tồn tại - hư hỏng…  

Phòng PC07 Công an TPHCM đưa ra dự báo, cháy lớn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là những tháng cuối năm 2018, khi tốc độ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, giải trí… tăng cao. Trong khi đó, công tác PCCC còn rất nhiều bất cập, hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc người dân thành phố vẫn phải sống trong cảnh lo lắng, bị “bà hỏa” rình rập. 

Còn nhiều hạn chế

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện các giải pháp phòng ngừa cháy lớn do Phòng PC07 Công an TPHCM tổ chức mới đây, lãnh đạo một đội nghiệp vụ trực thuộc PC07 nhìn nhận, thời gian qua, chính quyền thành phố, ngành PCCC, các quận - huyện đã triển khai rất nhiều giải pháp, song phần lớn đều chưa phát huy hiệu quả.

Một số giải pháp thực hiện chưa như ý muốn là do kinh phí đầu tư còn hạn chế, quy định trong các văn bản luật chưa đồng bộ, chồng chéo. Tuy nhiên, cũng có không ít giải pháp thực hiện không hiệu quả xuất phát từ yếu tố con người, trong đó có sự chủ quan, thiếu quyết liệt, thiếu sự phối hợp chặt giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, thậm chí có sự làm lơ, tiếp tay của cán bộ, cơ quan chức năng để vi phạm, sai phạm tồn tại. 

Cũng theo đại diện Phòng PC07, nước là vũ khí không thể thiếu của cảnh sát PCCC khi chiến đấu với giặc lửa. Thiếu nước chữa cháy sẽ dẫn đến cháy lan cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thế nhưng, giải pháp đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng lưới cấp nước cho PCCC thời gian qua của các ngành liên quan (Sở Giao thông Vận tải, ngành cấp nước…) triển khai rất ì ạch.

Việc đầu tư, hoàn thiện gần 10.000 trụ nước chữa cháy còn thiếu vẫn đang bỏ ngỏ, trong khi đó số trụ nước hiện có ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Trong nhiều vụ cháy, do thiếu trụ nước chữa cháy, cảnh sát PCCC phải lấy nước kênh rạch từ xa, dẫn đến cháy lan cháy lớn. 

Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp; xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ… được UBND TPHCM hoạch định là những giải pháp then chốt để kéo giảm cháy nổ, nhất là cháy lớn. Thế nhưng, việc thực hiện các giải pháp này thời gian qua ở hầu hết các địa phương chưa hiệu quả, thiếu sự đầu tư, nặng hình thức.

Ông Thành (ngụ khu phố 14, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) nói: “Sau mỗi sự cố hỏa hoạn xảy ra, chính quyền, cảnh sát PCCC, tổ chức đoàn thể vận động, phát loa kêu gọi người dân chấp hành các quy định về PCCC. Nhưng việc tuyên truyền chỉ ồ ạt vài ngày, sau đó vẫn vậy”.

Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng TPHCM phải quyết liệt hơn trong từng giải pháp để nâng cao hiệu quả PCCC, kéo giảm sự cố xảy ra và hậu quả để lại.

Nhanh chóng khắc phục trụ nước chữa cháy hư hỏng

Tại buổi làm việc của đoàn đại biểu HĐND TPHCM với Công an TPHCM vào sáng 11-9, Đại tá Dương Văn Phóng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết việc thiếu trụ nước chữa cháy, không kịp thời khắc phục các trụ nước chữa cháy hư hỏng thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy, làm giảm hiệu quả việc phòng ngừa cháy lớn. Từ năm 2017, UBND TPHCM đã ghi vốn 922 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa các trụ nước chữa cháy bị hỏng, tuy vậy đến nay công tác này vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân: Cảnh sát PCCC là đơn vị thụ hưởng, quản lý, sử dụng nhưng không có chuyên môn sửa chữa các trụ nước chữa cháy, do đó phải mời gọi nhà thầu, đơn vị thi công. Quá trình mời gọi, chưa tìm được nhà thầu thì tiếp tục phát sinh các trụ nước hư hỏng mới, nên công tác sửa chữa cứ kéo dài. Trước thực tế trên, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh yêu cầu Công an TPHCM phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cấp nước TP bàn phương án, khắc phục dứt điểm các trụ nước chữa cháy bị hư hỏng trong năm 2018 để đảm bảo nguồn nước chữa cháy.

Các tin khác