“Sống chung” với đái tháo đường

(ĐTTCO) - Đái tháo đường là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỷ 21, trở thành gánh nặng về kinh tế - xã hội đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 
Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa nhận thức đúng đắn và có những quan niệm sai lầm về bệnh khiến việc điều trị càng gặp nhiều khó khăn, chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút đáng kể. Sáng 14-9, Báo SGGP tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sống chung” với đái tháo đường nhằm giải đáp các khúc mắc của bạn đọc xoay quanh căn bệnh này. 
Kiểm soát bệnh để không gây biến chứng
Gửi câu hỏi về sớm nhất, bạn đọc Thu Hồng hỏi: “Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có chữa hết bằng đông y hay không? Để điều trị hiệu quả thì cách tốt nhất là như thế nào”. Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Đắc Phương, Phó khoa Nội tiết Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, cho biết ngày nay việc phát hiện sớm ĐTĐ (lúc chưa có triệu chứng) góp phần tích cực trong việc hạn chế các biến chứng ĐTĐ.
Đối với các bệnh nhân mới phát hiện ĐTĐ, chế độ ăn uống và vận động thích hợp góp phần duy trì đường huyết trong ngưỡng cho phép. Điều này sẽ hạn chế các biến chứng về sau. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, chưa có chứng cứ y học nào chứng minh vai trò của các thuốc đông dược trong việc kiểm soát đường huyết. Trên thị trường có lưu hành các loại thuốc đông dược được quảng bá điều trị ĐTĐ, nhưng thực tế các sản phẩm này có khả năng pha trộn các loại thuốc tây có nguồn gốc không rõ. Điều này không an toàn cho người bệnh.
“Sống chung” với đái tháo đường ảnh 1 Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (thứ 3, từ phải qua) tặng hoa cho các khách mời   Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Lo lắng trong quá trình điều trị, bạn đọc Phạm Hoàng Phước (31 tuổi) hỏi: “Tôi phát hiện tiểu đường tuýp 2 đã hơn 1 năm. Từ lúc phát hiện bệnh đến nay, bác sĩ cho tôi uống thuốc Glucofast 850mg mỗi ngày 1 viên, nhưng thời gian gần đây tôi sợ uống nhiều sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan nên chỉ uống 1/2 viên vào buổi sáng, kết hợp đi bộ 60 phút. Bên cạnh đó, tôi thường uống 1 trái dừa/ngày. Như vậy có được không”.
Trả lời thắc mắc này, TS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết BV Đại học Y Dược TPHCM, đưa ra lời khuyên nên duy trì uống thuốc lâu dài và theo dõi chức năng gan, thận. Nếu chức năng gan, thận bình thường thì vẫn có thể dùng tiếp tục. Trong các nghiên cứu, bệnh nhân cần dùng nhiều năm để giữ đường huyết ổn định, ngăn ngừa biến chứng.
Nếu muốn giảm liều, bệnh nhân tiểu đường nên trao đổi với bác sĩ điều trị. Về việc dùng nước dừa hay các loại nước trái cây đều có chứa đường và tạo năng lượng. Do đó, cần phải được tính trong khẩu phần năng lượng hàng ngày, không nên uống quá mức, có thể gây ra tăng đường huyết và tăng cân.
Trước thắc mắc của bạn đọc Đắc Trọng về việc làm thế nào để kiểm soát bệnh không dẫn tới các biến chứng, bác sĩ Hồ Đắc Phương chia sẻ, người bệnh cần kiểm soát đường huyết tốt theo các khuyến cáo của bác sĩ. Cụ thể, đường huyết lúc đói <130mg%, sau ăn 2 giờ <180mg%. Bên cạnh đó, người bệnh cần các bác sĩ nội tiết tư vấn để chọn mức đường thích hợp cho mình.
Với câu hỏi của bạn đọc Công Hậu rằng người bị bệnh tiểu đường đã có biến chứng mắt có thể phẫu thuật mắt được hay không, bác sĩ Trần Quang Nam cho biết, biến chứng mắt ở bệnh nhân tiểu đường do tổn thương mạch máu võng mạc. Cần phải phát hiện sớm bằng cách khám đáy mắt định kỳ hàng năm mặc dù không có biểu hiện giảm thị lực. Nếu đã có tổn thương võng mạc, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa đáy mắt để có biện pháp điều trị thích hợp, có thể dùng thuốc hay phẫu thuật.
“Sống chung” với đái tháo đường ảnh 2 Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân mắc đái tháo đường. Ảnh: THÀNH SƠN
Cũng theo giải đáp của bác sĩ Hồ Đắc Phương, các biến chứng của ĐTĐ là do chúng ta kiểm soát đường huyết không tốt theo các khuyến cáo. Về mặt điều trị, ngày nay chúng ta làm chậm diễn tiến của các biến chứng này bằng cách kiểm soát đường huyết tốt, sử dụng các thuốc làm giảm triệu chứng tê chân tay.
Bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị tại y tế địa phương, thay đổi phương thức để đạt được mục tiêu điều trị. Trong trường hợp kiểm soát không tốt có thể dẫn đến các biến chứng như: biến chứng trên mạch máu lớn (xơ vữa động mạch vành tim gây ra thiếu máu cục bộ cơ tim và nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch não gây ra đột quỵ, xơ vữa động mạch ngoại biên có thể gây hoại tử chi), biến chứng mạch máu nhỏ (suy thận, tổn thương mạch máu võng mạc có thể gây mù lòa) và ĐTĐ kiểm soát kém có thể làm tăng khả năng bị nhiễm trùng như lao phổi, nhiễm trùng da...
Chú trọng dinh dưỡng 
Theo các chuyên gia y tế, ĐTĐ diễn ra khi tuyến tụy không tiết đủ hormone insulin dẫn đến nồng độ glucose trong máu tăng cao. Chế độ dinh dưỡng, ăn uống có tác động lớn đến căn bệnh mãn tính này. Bạn đọc Thanh Tân hỏi: “Tôi năm nay 31 tuổi, nặng 65kg, cao 1,50m. Bác sĩ tư vấn giúp tôi phải ăn như thế nào để đảm bảo vừa đủ chất lại vừa không tăng đường huyết”. Trả lời vấn đề này, Th.S - bác sĩ Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết BMI của bạn đọc này là 28,9.
Theo phân loại tình trạng dinh dưỡng cho người châu Á thì thuộc nhóm béo phì. Béo phì là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị ĐTĐ, làm gia tăng sử dụng thuốc và khó kiểm soát đường huyết trong máu. Vì vậy, trong quá trình điều trị ĐTĐ, người bệnh nên thực hiện giảm cân theo lộ trình phù hợp, không giảm quá đột ngột hoặc quá nhiều trong thời gian ngắn.
Chế độ dinh dưỡng cần giảm năng lượng nhưng phải đảm bảo đủ dưỡng chất thiết yếu và không bỏ bữa, hạn chế thực phẩm cung cấp nhiều chất bột đường, chất béo, tăng cường rau xanh. Để có chế độ ăn phù hợp và cụ thể, người bệnh nên đến cơ sở khám chuyên khoa để được hướng dẫn, xây dựng chế độ ăn. Ngoài ra, vận động sẽ giúp cải thiện đường huyết trong máu, giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân và cải thiện tình trạng sức khỏe. 
Cũng theo bác sĩ Phạm Ngọc Oanh, chế độ dinh dưỡng đối với người bệnh ĐTĐ nên cung cấp đủ năng lượng và cân đối các chất dinh dưỡng (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), đủ lượng chất xơ cần thiết. Chất bột, đường nên lựa chọn thực phẩm hoặc ngũ cốc nguyên hạt như gạo lức, gạo giã dối. Chất đạm nên lựa chọn cá, thịt nạc, các loại đậu (đậu nành, đen, đỏ...). Chất béo nên sử dụng dầu mè, ô liu, hướng dương. Bên cạnh đó nên tăng cường ăn rau xanh để đạt 14 - 20g chất xơ/ngày và trái cây ít ngọt. Tuy nhiên, nên ăn đa dạng các loại thực phẩm và lượng gạo trong mỗi bữa ăn cũng nên theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Lưu ý, uống nước từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Với thắc mắc của bạn đọc Hoài Thu về việc ăn chay có tốt cho người tiểu đường không, bác sĩ Phạm Ngọc Oanh cho rằng, chế độ ăn chay cũng có thể lựa chọn khi đang bị ĐTĐ. Người bệnh ăn chay hoàn toàn (tức là không ăn bất kỳ loại thịt, cá, tôm hoặc sản phẩm làm từ thịt, thay vào đó họ sẽ ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau xanh và các loại đậu) sẽ cung cấp nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa. Lượng chất xơ cao sẽ giúp người bệnh cảm thấy no, ăn ít hơn và hạn chế hấp thu đường vào trong máu. Vấn đề cần quan tâm đó là khả năng bị thiếu vitamin B12. Do đó, người bệnh cần phải bổ sung B12 hoặc nhiều loại vitamin khác.
Tư vấn thêm với bạn đọc, bác sĩ Ngọc Oanh thông tin, trong khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh ĐTĐ nên có trái cây, vì trong trái cây cung cấp nhiều vitamin, chất xơ. Nên ăn cả quả, không nên ép lấy nước uống, vì khi ép lấy nước đã loại bỏ chất xơ làm cho đường được hấp thu nhanh vào máu gây tăng đường huyết.
Cũng không nên ăn quá nhiều trái cây trong một ngày, lượng đường trong trái cây không vượt quá 12% tổng mức năng lượng trong ngày vì quá mức sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến chuyển hóa chất béo trong cơ thể. Người bệnh ĐTĐ nên lựa chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp như ổi, mận, táo, lê...; hạn chế sử dụng trái cây có chỉ số đường huyết trung bình hoặc cao như dưa hấu, vải, sầu riêng.
Kính mời độc giả xem toàn bộ buổi giao lưu trực tuyến trên Báo SGGP Online tại địa chỉ: www.sggp.org.vn/giaoluutructuyen/.
 Số bệnh nhân mắc ĐTĐ không ngừng tăng
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, dự báo đến năm 2040 con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu người. Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân ĐTĐ cao nhất thế giới (tăng 5,5%/năm).  Trong số 3,5 triệu người mắc ĐTĐ, có đến 70%  không biết mình bị bệnh, 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân. Đặc biệt, có đến 80% người bệnh ĐTĐ chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2 - 4 lần. 20% người ĐTĐ bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Trẻ em cũng mắc ĐTĐ
Bạn đọc Lê Như lo lắng: “Con tôi năm nay mới 11 tuổi, được chẩn đoán tiểu đường tuýp 1. Vậy cháu cần phải điều trị như thế nào, ăn uống ra sao và tương lai có ảnh hưởng gì nhiều không”. Trả lời thắc mắc này, bác sĩ Hồ Đắc Phương cho biết: Về mặt điều trị, cháu cần chích insulin. Cháu cần duy trì chế độ cân nặng hợp lý theo sự phát triển; ăn ngày 3 lần với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo chế độ tư vấn về dinh dưỡng; hạn chế ăn vặt (không ăn ngoài 3 bữa ăn chính); hạn chế chất ngọt (bánh, kẹo, chè...). Về sữa, cháu vẫn tiếp tục sử dụng theo nhu cầu phát triển của cơ thể.  

Các tin khác