Vị giáo sư tâm hồn nghệ sĩ

(ĐTTCO) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời nhà trí thức trẻ Lê Đình Kỵ khi ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Hội An, gia nhập bộ đội rồi trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học hàng đầu nước ta. 
GS.NGND Lê Đình Kỵ (ảnh) đã trở thành niềm ngưỡng mộ của nhiều thế hệ học trò, với hình ảnh của một nhân cách cao quý mà gần gũi. 
Tôi may mắn là một trong những học trò được thọ giáo thầy Lê Đình Kỵ từ lúc trên giảng đường đại học đến khi gia nhập làng báo, làng văn mà ông là đại thụ. GS. Lê Đình Kỵ chẳng mấy khi chịu tâm sự về đời tư của mình và ông cũng không quan tâm đến đời tư người khác. Niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của ông bao giờ cũng là chuyện chữ nghĩa. Ông lại còn có bản tính đãng trí, đi đâu quên đó, bỏ cái gì quên cái đó, nhiều lúc nhầm lẫn đến tức cười. Người thân, gia đình và cả học trò nhiều lúc khổ sở vì cái tính hay lãng quên của ông. 
Vào một sáng đầu thập niên 1990, GS. Lê Đình Kỵ đến gửi bài ở tạp chí Kiến thức ngày nay, nơi ông cộng tác thường xuyên. Sau khi uống trà trò chuyện với các học trò đang làm việc ở tòa soạn, GS. ra về và dắt chiếc xe “cà tàng” của tôi. Xe ông và xe tôi đều là “cối” 78 màu xám cũ kỹ giống nhau. Mãi đến trưa ông mới phát hiện nhầm xe và chạy đến đổi lại. Tôi mải làm việc trong tòa soạn chẳng hay biết gì. Và sau này tôi cũng mới biết lúc giáo sư lấy nhầm xe chạy không được bèn hì hục dắt đi sửa. Một kỷ niệm mà mỗi lần nhớ lại thấy thương cái sự hồn nhiên, đãng trí bác học của thầy. Đãng trí chuyện đời thường nhưng những dấu ấn thời cuộc và văn bản nghiên cứu khoa học GS. Lê Đình Kỵ lại nhớ đến từng chi tiết. Một học trò và đồng nghiệp thân thiết của ông, là nhà giáo Nguyễn Hà ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, nhìn nhận: “Sự hiểu biết, trí nhớ của thầy bao trùm một diện rất rộng, từ triết học, văn học phương Tây đến văn học dân gian, văn học cổ điển, văn học hiện đại của dân tộc, chỗ nào thầy đề cập đến cũng đều xác đáng và tin cậy được. Đọc Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực hoặc Thơ mới - những bước thăng trầm, có thể thấy dù ghi chép tỉ mỉ đến mấy nhưng nếu không có trí nhớ tốt, không thuộc, không sống hết mình với những áng văn chương đó khó mà dẫn dắt, lồng ghép một cách nhuần nhị, tự nhiên đến vậy”.
Vị giáo sư tâm hồn nghệ sĩ ảnh 1  
Thoạt nhìn dáng vẻ xuề xòa, ăn mặc tuềnh toàng của GS. Lê Đình Kỵ, nhiều người tưởng ông là dân Nam bộ. Nghe giáo sư giảng bài hay đọc những bài nghiên cứu văn học lại ngỡ ông người Bắc. Đến khi gần gũi trò chuyện mới biết ông gốc Quảng Nam - một người Quảng rụt rè nhỏ nhẹ… không "hay cãi". Điều đó không có nghĩa ông thiếu cá tính và không quyết liệt trong khoa học. “Tôi khá thoải mái trong cuộc sống nhưng trong học thuật khi đã đủ xác tín rồi, tôi theo đến cùng” - GS. Lê Đình Kỵ tâm sự với chúng tôi. Ít lợi khẩu và hùng biện, thay vào đó ông thuyết phục người khác bằng góc nhìn, quan điểm mới lạ trong nghiên cứu văn học và sự uyển chuyển, sắc nét, quyến rũ trong từng câu chữ… GS. họ Lê kể trong nhà ông lúc nhỏ không có sách vở, thi thư gì đáng kể. Vì nhà nghèo nên ông đi học khá muộn. Đến ban tú tài, ông rời đất Quảng ra Huế học tú tài 1 Trường Trung học tư thục Việt Anh, rồi vào Sài Gòn học tú tài 2 ở Trường Trung học Pétrus Ký. Khi thi tú tài 1 ở Huế, bài luận văn bằng tiếng Pháp của Lê Đình Kỵ được ông thầy khó tính là GS. Phạm Duy Khiêm cho 16 điểm, một điểm số rất cao, dù đề ra khá hóc búa. Năm 1944, sau khi đỗ tú tài 2 trường Pétrus Ký ở Sài Gòn, Lê Đình Kỵ định học tiếp đại học nhưng không có trường nào hợp với nguyện vọng. Trường luật, toán ông không thích. Trường y ông thích đôi chút, nhưng do học lực các môn sinh, hóa đều yếu nên sức khó kham nổi. Vì vậy, chàng tú tài xứ Quảng đành rời Sài Gòn trở về cố hương dạy học tư kiếm sống. Vào tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Lê Đình Kỵ tham gia phong trào yêu nước Thanh niên Phan Anh. Bằng vốn hiểu biết của một trí thức trẻ đầy nhiệt huyết trước vận mệnh dân tộc, ông tích cực hoạt động xã hội, đi nói chuyện nhiều nơi, hô hào đấu tranh đánh đuổi phát xít Nhật. Lê Đình Kỵ cùng với các bạn đồng hương Hoàng Phê, Hoàng Tụy, Hoàng Chúng… tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được chính quyền Việt Minh phân công làm công tác thông tin tuyên truyền, rồi vào bộ đội chống Pháp tái xâm lược. Ở trong quân ngũ, ông tranh thủ học tiếng bạch thoại để làm phiên dịch cho các cố vấn Trung Quốc. 3 năm sau, vì lý do sức khỏe, ông ra quân và quay lại với nghề giáo, vào Quảng Ngãi dạy học cùng với Lê Trí Viễn ở Trường Trung học kháng chiến Lê Khiết. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, tài liệu sách vở và các phương tiện giảng dạy thiếu thốn trầm trọng, Lê Đình Kỵ cùng đồng nghiệp đã phấn đấu có nhiều đóng góp đối với ngành giáo dục ở vùng tự do Nam Trung bộ thời 9 năm chống Pháp. Năm 1954, Lê Đình Kỵ tập kết ra Bắc và dạy cấp 3 Trường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, nơi có học sinh phần lớn là người miền Nam. 3 năm sau, nhờ vốn tiếng Nga tự học của mình, ông được chuyển lên dạy ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau năm 1975, Lê Đình Kỵ được cử vào TPHCM thỉnh giảng Trường Đại học Văn khoa. Đến năm 1980, ông chuyển hẳn từ Hà Nội vào dạy trường này, lúc ấy mới đổi tên thành Trường đại học Tổng hợp TPHCM, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.  Một học trò và đồng nghiệp gần gũi với ông ở trường này là GS.TS Huỳnh Như Phương trong Lời giới thiệu Tuyển tập Lê Đình Kỵ (Nhà xuất bản Giáo dục - 2006) có viết: “Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngành giáo dục, GS. Lê Đình Kỵ đã góp phần đào tạo hàng ngàn học sinh, sinh viên. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục đến lớp giảng các chuyên đề đại học và sau đại học, đồng thời hướng dẫn thành công nhiều luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Trong 40 năm miệt mài trước tác, ông đã hoàn thành và cho công bố 19 công trình nghiên cứu với gần 5.000 trang sách. Đó là chưa kể hàng trăm bài viết đã đăng trên các báo, tạp chí ở Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác. Những đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục và các hoạt động xã hội đã được ghi nhận một cách xứng đáng”.  Về hoạt động nghiên cứu văn học, Lê Đình Kỵ đã xuất bản các tác phẩm tiêu biểu như: Các phương pháp sáng tác, Đường vào thơ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Tìm hiểu văn học, Thơ Tố Hữu, Nguyên lý văn học, Phương pháp sáng tác, Thơ mới - những bước thăng trầm, Trên đường văn học (2 tập), Nghiên cứu phê bình văn học…, cùng nhiều bài nghiên cứu đăng rải rác trên báo chí. Trong số đó, ông tỏ ra rất tâm đắc với tác phẩm Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, bắt đầu viết năm 1965, in lần đầu năm 1970, đến nay đã được sửa chữa tái bản nhiều lần. Đây cũng là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của Lê Đình Kỵ. Không dừng ở nghiên cứu mà ông như người đồng sáng tạo mang đến cho người đọc cái hay, cái đẹp mới từ tác phẩm.  Sau gần 10 năm lâm bệnh nặng, GS. Lê Đình Kỵ đã từ trần vào ngày 24-10-2009, hưởng thọ 88 tuổi. Thầy ra đi nhưng nhân cách và sự nghiệp sáng ngời của một con người tài năng, tận tụy và nhân hậu vẫn còn mãi trong đời sống giáo dục và văn học nước nhà, đặc biệt là những trang viết sâu sắc và quyến rũ về Truyện Kiều sẽ luôn âm vọng trong lòng người đọc.
Với những đóng góp to lớn của mình cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học, Lê Đình Kỵ xứng đáng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành giáo dục - đào tạo và lý luận phê bình văn học nửa sau thế kỷ 20 ở nước ta. Ghi nhận công lao của ông, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhất năm 1995, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. 

Các tin khác