Âu lo công trình chậm tiến độ

(ĐTTCO) - Tình hình ùn tắc giao thông ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp, kẹt xe xảy ra thường xuyên trên nhiều tuyến đường, khu vực. Áp lực càng tăng lên khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã cận kề.
Ngổn ngang công trường
Cuối tháng 4-2017, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn –TNHH MTV (SAMCO) khởi công xây dựng Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới tại quận 9. Dự án là một quần thể phức hợp, với tổng diện tích trên 16ha (rộng gần gấp 3 lần so với BXMĐ hiện hữu) nằm trên địa phận phường Long Bình, quận 9 và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Theo SAMCO, BXMĐ mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc; đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ Tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.
Bến xe cũng sẽ kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 773 tỷ đồng và sẽ hoàn thành cuối năm 2017. Đây là một công trình quan trọng góp phần giảm nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực nội đô.
 Triển khai chương trình giảm ùn tắc giao thông, HĐND TPHCM đã quyết định ghi vốn 122.000 tỷ đồng triển khai trong 5 năm (2016 -2020), tức chỉ gần 25% so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, đến nay TPHCM mới bố trí 21.600 tỷ đồng cho chương trình này. Dự kiến, trong 3 năm còn lại, TPHCM sẽ chi thêm khoảng 41.000 tỷ đồng. Với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội cho phép, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ tăng và Sở GTVT đang xây dựng kế hoạch để triển khai cơ chế này.
Ông Bùi Xuân Cường
Giám đốc Sở GTVT TPHCM
Chỉ còn ít ngày nữa kết thúc năm 2017, song theo quan sát tại công trường xây dựng BXMĐ mới vào trung tuần tháng 12, chúng tôi thấy việc thi công còn ngổn ngang, chỉ có vài công nhân làm việc dù thời tiết khá thuận lợi.
Theo cam kết với lãnh đạo chính quyền TP, phía SAMCO sẽ đưa BXMĐ mới vào hoạt động (giai đoạn 1) dịp cuối năm 2017, nhưng với thực trạng thi công như thế này, có lẽ chủ đầu tư đành lỗi hẹn. Chứng kiến việc thi công ì ạch, ông Trương Thanh Quyết, người dân ở phường Long Bình, quận 9 ngao ngán: “Công trường thi công BXMĐ như thế này, không biết chủ đầu tư có phép màu gì để dự án hoạt động đúng tiến độ, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP”.
phía Tây TP, một công trình giao thông rất quan trọng đang được thi công, nhưng tiến độ cũng không khá hơn. Đó là công trình hầm chui cầu vượt ngã tư An Sương, với tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng. Công trình nằm trên địa bàn quận 12, được khởi công vào đầu năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công. Dự án bao gồm 2 hầm chui, trong đó hầm N1 (hướng từ trung tâm TPHCM đi tỉnh Tây Ninh) phía đường Trường Chinh dài 140m, phía Quốc lộ 22 dài 180m; hầm N2 phía đường Trường Chinh dài 140m, phía Quốc lộ 22 dài 120m. Mỗi hầm sẽ có 2 làn xe lưu thông, gồm làn ô tô và làn xe hỗn hợp.
Sáng 20-12, theo ghi nhận của ĐTTC, việc thi công tại nút giao thông này đang diễn ra rỉ rả, các loại xe hơi, xe tải khi lưu thông qua đây nhích từng chút vì các tấm thép được chắn giữa Quốc lộ 22. Do không đủ mặt bằng thi công, xe cộ qua lại liên tục nên công nhân trên công trường phải vừa làm việc, vừa lo điều tiết giao thông. Hiện tại, Quốc lộ 22 đã bị thu hẹp rất nhiều để nhường chỗ cho công trường, nên ngày nào tại đây cũng xảy ra cảnh kẹt xe, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Âu lo công trình chậm tiến độ ảnh 1 Thời điểm cuối năm, công trình hầm chui cầu vượt ngã tư An Sương vẫn rất ngổn ngang. Ảnh: ĐỨC TRUNG 
Kỳ vọng những công trình
Kể từ sau Tết Đinh Dậu 2017, nhiều công trình chống ùn tắc giao thông đã được Sở GTVT triển khai nên người dân TP kỳ vọng nạn kẹt xe triền miên trong khu vực nội thành sẽ giảm dần. Theo đó gần đây nhất, vào tháng 11, Sở GTVT đã tổ chức phân luồng giao thông nhằm kéo giảm ùn tắc trên các tuyến đường Quang Trung, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Trường Chinh (quận Tân Bình), trên các tuyến Quốc lộ 22, 1A. Trước đó, Sở GTVT cũng đã triển khai các dự án giao thông cấp bách như cầu Nhị Thiên Đường 1, cầu vượt Đại học Quốc gia TPHCM, cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt.
Đặc biệt Sở GTVT triển khai xây dựng các cầu vượt bằng thép quanh khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tại địa bàn các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, từ tháng 10-2017 trở về trước, vấn nạn kẹt xe kéo dài xảy ra thường xuyên, bất cứ thời điểm nào trong ngày luôn là nỗi ám ảnh của người dân khi lưu thông qua các tuyến đường khu vực cửa ngõ phía Bắc của Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong năm 2017, lần lượt các cây cầu thép tại ngã 6 Gò Vấp, các tuyến đường Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám, Trường Sơn hoàn thành đã mang lại niềm vui lớn cho người tham gia giao thông.
Thực trạng kẹt xe tại đây đã được cải thiện rất nhiều, nhất là trong thời điểm cuối năm, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Theo Sở GTVT trong số 37 điểm nóng về ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, đến nay đã có 24 điểm có tình hình chuyển biến tốt, 7 điểm ít chuyển biến và 6 điểm có tình hình giao thông vẫn phức tạp. 
Trong một diễn biến có liên quan, vừa qua TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt gồm các dự án về giao thông cần thực hiện cấp bách để kéo giảm ùn tắc tại khu vực các cửa ngõ TP.
Cụ thể, các dự án cấp bách cần áp dụng cơ chế đặc thù để sớm hoàn thành như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh của dự án đường vành đai 2; các đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh và đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước thuộc đường trục Bắc - Nam... Sau khi các dự án này được triển khai sẽ giúp khép kín tuyến đường vành đai 2 dài 69km.

Các tin khác