Bằng mọi cách cấp GCN cho người dân

(ĐTTCO) - Phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho các quận/huyện; sử dụng phần mềm liên thông điện tử... 
là những giải pháp được Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM (TN-MT) áp dụng để đẩy nhanh công tác cấp sổ trong năm nay. Cùng với đó, Sở TN-MT cũng dự kiến sẽ cấp GCN cho gần 10.000 trường hợp mua bán giấy tay.
Phân cấp thẩm quyền cấp GCN
Năm 2018, Sở TN-MT TPHCM cho biết sẽ thực hiện 2 dự án chỉnh lý bản đồ địa chính trên toàn địa bàn cho chính xác trên cơ sở các thửa đất, cập nhật theo dõi biến động người sử dụng và ranh đất. Đồng thời cũng sẽ thực hiện một dự án khác là chỉnh lý bản đồ địa hình nhằm phục vụ công tác cấp giấy và quản lý.
Song song đó, Sở TN-MT cũng hoàn thiện phần mềm Villus, nâng cao khả năng liên thông cấp GCN được nhanh hơn. Theo đó, khi phần mềm hoàn chỉnh, thay vì luân chuyển hồ sơ giấy, các nơi liên thông bằng hệ thống điện tử, chỉ cần nộp hồ sơ điện tử và phôi giấy đã có thể in ra cấp GCN cho dân. Dự kiến trong quý I-2018, sở sẽ chọn một số quận có nhiều yêu cầu tách thửa thí điểm để nhân rộng ra toàn TPHCM.
 Hiện Sở TN-MT đang triển khai cho văn phòng đăng ký, quận huyện thống kê số trường hợp mua bán giấy tay. Nếu đủ điều kiện phải cấp, dân không có nhu cầu nhận GCN phải thống kê, rà soát. Tất cả đều có sổ bộ địa chính, từ phường xã - quận huyện, có thể việc thống kê không chính xác 100% nhưng sẽ cho được kết quả để biết được tiến độ công việc. 
Ông Nguyễn Toàn Thắng
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết vừa qua sở đã xin cơ chế cho phép sử dụng con dấu của chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Khi sử dụng con dấu chi nhánh sẽ giải quyết triệt để bài toán về mặt thời gian. Việc cấp đổi, cấp lại GCN hiện nay được phép ủy quyền cho chi nhánh ký, nhưng phải lên sở đóng dấu. Cấp mới GCN cho hộ gia đình cá nhân vẫn là thẩm quyền của quận/huyện. Nhưng có GCN rồi, khi có biến động thì thẩm quyền thuộc chi nhánh. 
“Vừa rồi, tại hội nghị tổng kết của Bộ TN-MT, tôi có báo cáo, các Tổng cục rất ủng hộ. Bởi nếu cấp đổi, cấp lại GCN chỉ cần sử dụng con dấu của chi nhánh, như vậy sẽ không mất thời gian vì đã có hệ thống chân rết ở địa bàn. Tiếp nhận hồ sơ, đóng dấu và trả ngay, vừa giảm thời gian, tiết kiệm chi phí (gửi qua đường bưu điện). Đến nay, 24 quận huyện đã có con dấu, nhưng trong nghị định và thông tư hướng dẫn có đề cập tới vấn đề ủy quyền, nhưng không nói tới việc sử dụng con dấu chi nhánh. Vì vậy, TPHCM có báo cáo cho phép thí điểm sử dụng con dấu chi nhánh, vì hồ sơ trên địa bàn rất nhiều. Trong 10 tháng năm 2017, TP có trên 600.000 hồ sơ cấp đổi, cấp lại cho các hộ gia đình cá nhân. Nếu số hồ sơ này được giải quyết ngay tại quận/huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ gấp mấy lần” - ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ. 

Cấp sổ cho gần 10.000 trường hợp mua đất giấy tay
Thống kê từ Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM cho thấy, số lượng hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai hiện nay rất nhiều. Ngoài nguyên nhân chủ quan từ cán bộ, nhân viên chậm trễ, tắc trách một phần do các quy định về cấp GCN vẫn còn rối rắm, chồng chéo. Đến nay, TPHCM còn 109.251 trường hợp hồ sơ tồn đọng, chưa được cấp GCN, trong đó có 20.586 trường hợp đủ điều kiện cấp GCN nhưng người dân không làm, chưa kể một lượng lớn GCN từ các tổ chức chưa được cấp.
Bằng mọi cách cấp GCN cho người dân ảnh 1 Gần 10.000 mua bán giấy tay sẽ được cấp GCN trong năm nay. 
Tại huyện Bình Chánh hiện đang vướng 1.000 hồ sơ, một số huyện vùng ven cũng vướng do các chủ đất nông nghiệp tự phân nhỏ đất rồi bán giấy tay qua các thời kỳ, những người nhận lại có trường hợp xây dựng trái phép, có trường hợp san lấp không còn sử dụng đất nông nghiệp nên cũng tồn đọng chưa thể cấp GCN...
Riêng đối với trường hợp cấp GCN cho nhà đất mua bán bằng giấy tờ tay, các quy định hiện hành chỉ cho phép cấp cho các trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay từ sau ngày 1-7-2004 đến trước 1-1-2008. TPHCM đã chỉ đạo các quận huyện “chốt” khoảng 9.664 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay nêu trên được cấp GCN. Những trường hợp phát sinh sau này bị xem là vi phạm và không được cấp GCN.
“Hiện nay, Bộ TN-MT hướng dẫn thông tư và các quy định chỉ cho phép cấp GCN tới ngày 1-1-2008. Còn trước thời điểm 1-7-2014, trùng với thời gian thi hành Luật Đất đai 2013, dù chúng tôi có kiến nghị nhưng quan điểm của bộ vẫn thận trọng, vì khi dời mốc thời điểm khiến việc chấp hành không nghiêm. Sở cũng phân tích đặc điểm, tình hình, diễn biến quá trình sử dụng đặc thù địa phương, nhưng Tổng cục Đất đai cho biết sẽ tiếp thu và tìm hướng khắc phục sau. Sở đang cố gắng giải quyết những vấn đề tồn đọng, khoanh lại những trường hợp mua bán giấy tay, không cho phát sinh nữa. Những trường hợp không đúng phải xử lý, trường hợp hợp tình sẽ giải quyết. Cán bộ quản lý cũng vận động người dân nếu mua bán nên đến cơ quan thẩm quyền chứng nhận, công chứng, sau này cấp GCN sẽ thuận lợi hơn” - ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định. 

Giải pháp chung cư vi phạm, chậm cấp giấy
Theo Sở TN-MT TPHCM, hiện nay việc cấp GCN cho người mua nhà ở, công trình xây dựng tại các dự án nhà ở gặp khó khăn, do chủ đầu tư dự án nhà ở thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai cho tổ chức tín dụng, nhưng đồng thời cũng được phép huy động vốn (một hình thức bán nhà ở và công trình xây dựng) từ tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nhà ở, công trình xây dựng.
Sau khi xây dựng hoàn thành nhà ở và công trình xây dựng, chủ đầu tư dự án đã không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi chính thức bán nhà ở trong dự án đó cho tổ chức, cá nhân, dẫn đến việc không có cơ sở cấp GCN cho người mua nhà ở và công trình xây dựng.
Từ những nguyên nhân trên, sở kiến nghị đối với dự án nhà ở, trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai cho tổ chức tín dụng, hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng bán nhà ở, công trình xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được các bên có liên quan (chủ đầu tư dự án, tổ chức tín dụng và bên mua nhà ở) tham gia thỏa thuận, ký kết.
“Từ việc thế chấp dự án cho ngân hàng gây khó khăn cho công tác cấp GCN cho người dân, quá trình xây dựng luật, vấn đề giám sát doanh nghiệp huy động vốn, trong thời gian tới chúng tôi sẽ làm chặt chẽ hơn. Mục đích để tránh chuyện chủ đầu tư vi phạm, ảnh hưởng đến người mua. Từ khi có Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS đã giúp kiểm soát rất chặt chẽ, hạn chế hiện tượng này” - ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ. 

Các tin khác