Bất động sản vùng ven TPHCM: Đồng Nai - Nhiều lợi thế hạ tầng

(ĐTTCO) - Trong 5 tỉnh giáp ranh TPHCM, tốc độ phát triển của thị trường BĐS 3 khu vực gần Đồng Nai, Long An và Bình Dương được xem là khu vực phát triển rất mạnh, thậm chí từ đầu năm 2018 đến  nay còn tạo nhiều cơn sốt. 
Nhiều khu vực ăn theo đã phá vỡ quy hoạch, nhất là ở các huyện có đường giao thông thuận lợi. Chính vì vậy chính quyền đã ra nhiều văn bản chấn chỉnh nhằm hạ nhiệt cơn sốt. do vậy, với nhà đầu tư thứ cấp đổ vốn vào đây phải thật sự cân nhắc về tính pháp lý, cẩn trọng "cò đất" thổi giá làm rối ren thị trường.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giá trị BĐS liền kề các khu công nghiệp tại Đồng Nai cũng tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc thu hút số lượng lớn người lao động về làm việc và sinh sống, nhu cầu nhà ở tại đây luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Nắm bắt cơ hội đó, nhiều chủ đầu tư đã triển khai các dự án khu đô thị thương mại để phục vụ khách hàng.
Thị trường hạ nhiệt 
Đầu năm 2018, thị trường BĐS Đồng Nai diễn ra cơn sốt trên diện rộng. Giá nhà đất bị đẩy lên vượt xa giá trị thực, nhất là tại các huyện như Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch... Một số nơi của TP Biên Hòa như xã Hiệp Hòa, các phường Thống Nhất, Bửu Hòa, Tân Vạn giá đất rao bán cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ 2017, đất nông nghiệp được thổi lên 40-50 tỷ đồng/ha, đất thổ cư 140-150 tỷ đồng/ha. 
 Trục kết nối trung tâm hành chính TP Biên Hòa với khu đô thị Long Hưng, khu công nghiệp An Phước, đô thị Nhơn Trạch. Khi xây dựng xong cầu Vàm Cái Sứt và hương lộ 2, sẽ là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội ven sông Đồng Nai. Và khi tuyến đường này được đưa vào sử dụng sẽ nối trực tiếp tuyến đường cao tốc TPHCM vào Biên Hòa, giúp cho Biên Hòa kết nối với toàn khu vực.
Ông PHẠM ANH DŨNG, 
Chủ tịch UBND TP Biên Hòa
 
Trước tình hình này, giữa tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập 3 đoàn thanh tra việc phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên địa bàn nhằm chấn chỉnh và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan. Ngoài thanh tra 3 điểm nóng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép gồm Trảng Bom, Vĩnh Cửu,  TP Biên Hòa, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện thị còn lại tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời chấn chỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất sai phạm liên quan đất đai, nhất là các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, vùng triển khai các dự án.
Kết quả, so với quý I, thị trường BĐS Đồng Nai có phần giảm nhiệt, tại các sàn giao dịch lẫn bên ngoài dự án không còn hiện tượng tranh mua, tranh bán bát nháo như trước. Ghi nhận cho thấy sau khi chính quyền tỉnh Đồng Nai có biện pháp chấn chỉnh loạn cò đất, đầu nậu, giao dịch BĐS đã bắt đầu dịch chuyển vào những dự án có pháp lý rõ ràng, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản. 

Dự án pháp lý rõ ràng mới đầu tư 
Anh Điền, một môi giới hoạt động tại địa bàn huyện Nhơn Trạch, cho biết dự án Swanbay do Công ty Swancity làm chủ đầu tư có giá khởi điểm năm 2012 chỉ 18 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 33 triệu đồng/m2 (nhà đơn lập), 40 triệu đồng/m2 (nhà song lập).
Mức giá này so với quận 9, quận 2 (TPHCM) chỉ bằng 1/3, nên những đợt mở bán gần đây đều trong tình trạng “cháy hàng”. Sắp tới khi tuyến Vành đai 3 khởi công, sân bay Long Thành khởi động đền bù, tuyến buýt sông lộ trình Cần Giờ - Nhà Bè - Nhơn Trạch - bến Bạch Đằng hoạt động, giá nhà đất khu vực Nhơn Trạch sẽ tăng mạnh, ít nhất 30% trong vòng 6 tháng.
Tại TP Biên Hòa, giá đất nền hiện cũng trên đà tăng mạnh. Đơn cử, cách đây 1-2 năm dự án Khu đô thị Long Hưng do chủ đầu tư DonaCoop (Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai) công bố ra thị trường ở mức giá chưa tới 10 triệu đồng/m2. Đến thời điểm này, mức giá chủ đầu tư bán ra lên tới 18-25 triệu đồng/m2, tăng hơn 100%.
Tương tự, mới đây Hung Thinh Corp cũng khởi động 1 siêu dự án tại Đồng Nai với tên gọi Bien Hoa New City. Với quy mô lên đến gần 120ha, gồm hơn 3.000 sản phẩm đất nền có giá  khởi điểm từ 10 triệu đồng/m2. Trong mắt nhiều nhà đầu tư, đây là dự án tiềm năng, bảo chứng bởi 4 lợi thế là “sổ đỏ trao tay”, hạ tầng - tiện ích nội khu hoàn chỉnh, tính kết nối liên vùng và uy tín chủ đầu tư. 
Bất động sản vùng ven TPHCM: Đồng Nai - Nhiều lợi thế hạ tầng ảnh 1 Khách hàng tham quan dự án của Hưng Thịnh tại Biên Hoà. Ảnh: MINH TUẤN 
Hiện giá nhà đất tại TPHCM đang ngày càng đắt đỏ do quỹ đất cạn kiệt. Vì vậy, BĐS vùng ven, nhất là TP Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, nơi giá nhà đất còn rẻ, có hạ tầng giao thông kết nối tốt với quận 2, quận 9, Thủ Đức TPHCM, được xem là đích ngắm của giới đầu tư lẫn tầng lớp người dân có mức thu nhập trung bình, khá. 
Thống kê của Sở KH-ĐT Đồng Nai cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 dự án BĐS lớn nhỏ, trong đó có gần 10 dự án vốn đầu tư từ vài trăm triệu USD trở lên. Nhiều đại gia BĐS đều có mặt như IDICO, HUD, Tín Nghĩa, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Vina Capital, Dragon Capital, Keppel… Sự góp mặt của những tập đoàn BĐS lớn bên cạnh đóng góp nguồn thu lớn, mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo nguồn cung nhà ở dồi dào cho địa phương. 
Tăng tốc hạ tầng giao thông, đô thị
Xét về tổng thể, BĐS Đồng Nai có nhiều lợi thế và sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Trong đề án quy hoạch phát triển giao thông - vận tải của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, các công trình giao thông đường bộ, đường thủy của địa phương sẽ được khẩn trương đầu tư với quy mô lớn hơn, nhằm khép kín và tăng tính kết nối với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TPHCM.
Thời gian qua, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai như cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch, đặc biệt Sân bay quốc tế Long Thành sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại cho Đồng Nai.
Lợi thế và sức hấp dẫn của BĐS Đồng Nai còn được tăng lên nhờ các tuyến metro Biên Hòa - TPHCM, tuyến metro dọc sông Cái, đường sắt cao tốc TPHCM - Biên Hòa - Nha Trang... đã được phê duyệt. Trong thời gian tới, Đồng Nai cũng mở mới nhiều tuyến đường liên tỉnh như đường vành đai TP Biên Hòa, các tuyến giao thông kết nối liên huyện Trảng Bom - Vĩnh Cửu, Trảng Bom - Thống Nhất, Long Thành - Cẩm Mỹ và hệ thống đường nhánh kết nối khu vực sân bay quốc tế Long Thành. 
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đang tiến hành thực hiện dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên hương lộ 2 (TP Biên Hòa) với tổng kinh phí hơn 330 tỷ đồng. Cầu có chiều dài khoảng 347m, rộng 18m. Tuyến hương lộ 2 bắt đầu từ vị trí giao với Quốc lộ 51 tại Ngã ba Bến Gỗ và kết thúc tại nút giao với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. 
Các chuyên gia phân tích, việc phát triển đột phá các khu công nghiệp đã góp phần giúp thị trường BĐS Đồng Nai thêm sôi động, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Là tỉnh thành có dân số trên 3,5 triệu dân, nơi đây hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lao động trẻ từ các nơi đổ về. Trên địa bàn tỉnh, hiện có tới hơn 26.800 doanh nghiệp (bao gồm cả công ty nước ngoài) đang hoạt động. Trong đó, số lượng chuyên gia nước ngoài đang làm việc là 7.182.
Ngoài ra, tại 5 khu công nghiệp lớn tại Biên Hòa hiện có tới hơn 400.000 lao động. Nắm bắt nhu cầu nhà ở tăng mạnh, nhiều ông lớn trong ngành địa ốc đã đón đầu làn sóng đầu tư tại đây, nhất là các loại hình sản phẩm như đất nền, nhà phố xây sẵn, khu đô thị thương mại…

Các tin khác