Cần chính sách đột phá thu hút nguồn lực

(ĐTTCO) - Trong các số báo trước ĐTTC đăng loạt bài “Nan giải lấn sông, lấp kênh rạch”, phản ánh thực trạng hệ thống sông, kênh rạch tại TPHCM bị lấn chiếm, đã làm ảnh hưởng tới mạng lưới đường thủy và gây ô nhiễm môi trường sống. 
Trong khi đó, TP đang nỗ lực thực hiện chương trình di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch. Sau khi báo đăng, Tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia, nhà chuyên môn. ĐTTC trích đăng ý kiến của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Có thể nói chương trình di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch là chủ trương đúng đắn được thực hiện nhất quán và xuyên suốt trong thời gian qua, thể hiện sự quyết tâm trong việc chăm lo người dân của Đảng bộ và chính quyền TP. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khó khăn về nguồn lực đầu tư.
Để đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính cho dự án, TP phải thu xếp được quỹ đất có giá trị tương đương bù đắp phần kinh phí thiếu hụt giữa giá trị quỹ đất và chi phí đầu tư bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với một số dự án BT (xây dựng - chuyển giao) có quỹ đất thanh toán nằm trong các quận nội thành. Hiện nay, TP có 73 dự án BT đang triển khai, cần cân đối quỹ đất có giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư. 
Trước đây nguồn lực dành cho chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch chủ yếu từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN), các khoản hỗ trợ tài chính, vốn vay IDA từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm thuộc tiểu dự án nâng cấp đô thị.
Hiện nay, ngân sách TP đang cùng lúc phải cân đối cho các chương trình đột phá khác như giảm ùn tắc giao thông, chống ngập và giảm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, theo định hướng kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2016-2020 được báo cáo Quốc hội, tỷ lệ ngân sách TP được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% cho giai đoạn 2017-2020, nên trong thời gian tới việc chi đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng chắc chắn sẽ bị cắt giảm.
Đồng thời, kể từ tháng 7-2017, WB đã chấm dứt cho vay vốn ưu đãi IDA với Việt Nam, phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Còn nguồn vốn IDA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất 2-3,5%. 
Trong bối cảnh trên TP xác định phải đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư các dự án hạ tầng và cho chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch. Theo đó, chủ trương của Thành ủy và UBND TP là huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia, giảm tối đa việc chi từ NSNN. Tuy nhiên, TP vẫn phải thực hiện chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ.
Theo kết quả phân nhóm kênh rạch do các quận huyện báo cáo, dự kiến vốn ngân sách cần cân đối, phân bổ cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch giai đoạn 2016-2020 dự kiến hơn 22.380 tỷ đồng.
Các dự án chỉnh trang đô thị trên và ven kênh rạch có chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư dự án (tính trung bình 1,5 tỷ đồng/căn, riêng dự án bờ Nam kênh Đôi trung bình 2,6 tỷ đồng/căn).
Trên cơ sở quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành, xác định phương thức bồi thường theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân có thời gian thực hiện lâu. Do vốn đầu tư lớn, không có nhiều nhà đầu tư đủ đáp ứng năng lực, kinh nghiệm nên việc đẩy mạnh xã hội hóa là cần thiết để huy động được tối đa nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình trên. 
Cần chính sách đột phá thu hút nguồn lực ảnh 1 Nhà dân xây lấn chiếm trên kênh Đôi, quận 8. Ảnh: Đ.TRUNG 
Thu xếp quỹ đất bù đắp kinh phí
Hiện nay, hệ thống các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị chưa có các quy định riêng, đặc thù cho các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TPHCM; chưa có cơ chế cho phép chỉ định chủ đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị nói chung, đặc biệt đối với các dự án di dời các hộ dân đang sống trên và ven kênh rạch.
Trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án mất rất nhiều thời gian (tổng thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tối thiểu 647 ngày (khoảng 29 tháng) - đối với trường hợp đấu thầu và tối thiểu 572 ngày (khoảng 27 tháng) - đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư), trong khi nhiệm vụ đang rất cấp bách.
Với quy mô di dời và tái định cư khoảng 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020, quỹ nhà ở phục vụ công tác tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng không đủ đáp ứng.
Đối với trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện bồi thường nhưng giá trị bồi thường không thể giúp người dân tự tạo lập nhà ở hoặc mua nhà ở thương mại, hoặc các hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện bồi thường, không có nơi ở nào khác, Nhà nước sẽ giải quyết hỗ trợ chính sách nhà ở thông qua loại hình nhà ở xã hội để tái định cư.
Ngoài ra, do khó khăn trong chính sách đền bù, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng như khiếu nại liên quan đến đền bù, các công tác hậu di dời như giải quyết việc làm, tạo điều kiện nghề nghiệp, thu nhập cho các đối tượng bị ảnh hưởng... dẫn đến thời gian bàn giao mặt bằng thường chậm trễ, kéo dài.
Để đạt được mục tiêu đề ra cần xây dựng và ban hành kế hoạch riêng về thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị của từng địa bàn quận, huyện, trong đó cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện cho từng nhóm công việc, gồm di dời nhà trên và ven kênh rạch; cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thay thế chung cư cũ, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên từng địa bàn quận huyện, có quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng ban chuyên môn; xác định quy trình thực hiện, trách nhiệm của từng cá nhân, cơ cấu thành phần của Ban chỉ đạo do quận huyện quyết định, có sự tham gia của các sở, ngành (nếu cần thiết).
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển các dự án tạo quỹ nhà ở xã hội trên mỗi địa bàn quận, huyện để phục vụ công tác tái định cư thông qua các hình thức, như rà soát các quỹ đất do quận, huyện trực tiếp quản lý để đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, hoặc hoán đổi quỹ đất tạo quỹ nhà ở xã hội; tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách.
 Ngày 8-6-2018, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến ký công văn yêu cầu các sở GTVT, QH-KT, TN-MT, Xây dựng và UBND các quận, huyện nghiêm cấm việc cấp phép san lấp các kênh, rạch trong các dự án xây dựng, làm thu hẹp dòng chảy. Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối họp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP tổ chức họp báo nhằm thông tin kịp thời đến người dân về tình trạng ngập nước trên địa bàn TP. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm, triệt để các điểm lấn chiếm, xâm hại hệ thống kênh, rạch, cống thoát nước trong năm 2018, nhất là các vị trí ảnh hưởng trực tiếp đến thoát nước. Bên cạnh đó tuyên truyền, vận động, giải thích, thậm chí cưỡng chế theo đúng các quy định hiện hành, không ngoại trừ trường hợp nào và không để phát sinh các trường hợp lấn chiếm mới, báo cáo kết quả xử lý về Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước và UBND TP. Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ này trong năm nay sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Các tin khác