Cân nhắc đánh thuế tài sản, nhà ở

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, các chuyên gia cho rằng luật về đánh Thuế Tài sản, nhà ở (còn gọi là Thuế BĐS thứ 2 trở lên) đang là cách 174/193 nước trên thế giới thực hiện. Nhưng ở Việt Nam việc có nên đánh thuế hay không vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam: 

Đánh thuế mới tránh đầu cơ

Tôi cho rằng việc đánh thuế BĐS thứ 2 trở lên là hợp lý vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất, hiện nay việc đầu cơ, giam giữ đất đai nhiều sẽ gây lãng phí cho xã hội. Đó là việc đất và nhà đều là tài nguyên của quốc gia nhưng nhiều người đang sử dụng BĐS vào việc đầu cơ, tích trữ.
BĐS trong quá trình mua đi bán lại bị bỏ trống sẽ không tạo ra sự lan tỏa, phát triển kinh tế, không đem lại lợi ích cho Nhà nước. Hiện tượng mua đi bán lại, đẩy giá BĐS để thu về khoản tiền chênh lệch đang rất phổ biến, vì vậy cần sự điều tiết bằng thuế của Nhà nước. 
Thứ hai, dù ngay tại thời điểm ban hành thuế, giá BĐS có thể không giảm ngay, nhưng việc đánh thuế sẽ giúp giảm tình trạng đầu cơ, ai có nhu cầu mua nhà để ở mới mua. Như vậy, trong dài hạn sẽ tạo ra áp lực giảm giá lên BĐS. 
Thứ ba, đánh thuế BĐS sẽ khiến dòng vốn đi đúng hướng. Hiện nay, vốn đổ vào thị trường BĐS chủ yếu là dòng vốn đầu tư, mua bán lòng vòng làm đẩy giá BĐS, chứ không phải để phát triển BĐS. Vì thế, đánh thuế sẽ chặn lại dòng vốn đầu cơ, tích trữ và hướng dòng vốn sang các hoạt động sản xuất kinh doanh khác mà Nhà nước khuyến khích như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu…
 PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính: 

Thời điểm chưa hợp lý

Đánh thuế BĐS thứ 2 trở lên không hợp lý, Nhà nước cần phải nghiên cứu và tính toán kỹ phương án này. Thực ra, việc người dân có BĐS thứ 2 là điều bình thường.
Tôi lấy thí dụ, một gia đình có 6-7 người có 2 căn nhà 30-40m2, một căn cho thuê một căn để ở, trong khi đó một gia đình khác có 2 căn nhà 400m2, nhưng đánh thuế cả 2 gia đình này bằng nhau liệu có hợp lý?
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm thế nào để huy động BĐS vào đúng mục đích và nâng cao hiệu suất sử dụng BĐS, cũng như hiệu suất sử dụng tài sản trong nền kinh tế quốc dân. Nhưng không phải bằng cách đánh thuế BĐS thứ 2 hay thứ 3 trở lên.
Nếu BĐS thứ 2 trở lên vẫn tạo ra thu nhập cho nền kinh tế là tín hiệu tốt, thì BĐS dùng để đầu cơ, bỏ trống không sử dụng mới cần đánh thuế. Việc đó vừa làm tài sản phát huy được giá trị sử dụng, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo sự phát triển bình đẳng và lành mạnh của sự phát triển kinh tế. 
Còn loại hình BĐS thứ 2 được đưa vào sử dụng như cho thuê hay làm việc đều đã đóng các loại thuế khác, nên đánh thêm Thuế Tài sản vào là không cần thiết. Thuế BĐS sẽ còn liên quan đến nhiều loại thuế khác như Thuế Thu nhập cá nhân, Thuế Thu nhập doanh nghiệp… và hiện đã có thuế sử dụng đất, vậy Thuế BĐS thu thế nào?
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế giảm sút, thu nhập người dân suy giảm trong khi phải chi thêm nhiều khoản cho sức khỏe phòng chống dịch, nay lại thêm Thuế Tài sản càng không nên. 
Về lâu dài việc đánh Thuế Tài sản nên được triển khai, tuy nhiên phải đồng bộ với các loại thuế khác và thời điểm đưa ra lấy ý kiến hay thời điểm thi hành cũng cần phải xem xét cho phù hợp.

TS. VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: 

Khó đưa vào áp dụng

Tôi cho rằng thay vì quan tâm quá nhiều đến nội dung và hiệu quả của đề xuất thu thuế này, cần lưu ý đến một điểm rằng tại sao việc đánh thuế này đã được đưa ra và bàn bạc rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn không thể áp dụng vào thực tiễn.
Rõ ràng đây là vấn đề đã quá cũ, dù lần nào đưa ra đề xuất cũng được bàn bạc rất kỹ, lên dự thảo đầy đủ nhưng cuối cùng vẫn bị bỏ ngỏ. Đây mới là điều dư luận nên quan tâm.
Năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm Thuế Tài sản (nhà ở) tại TPHCM khi xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện cơ chế thí điểm đánh Thuế Tài sản chỉ áp dụng trên địa bàn TPHCM, có nghĩa làm tăng nghĩa vụ nộp thuế (tăng nghĩa vụ tài chính) đối với mọi chủ thể sở hữu tài sản.
Từ đó làm giảm thu nhập thực tế, sẽ gây tác động bất lợi trong các tầng lớp dân cư. Thậm chí có thể dẫn đến sự dịch chuyển về dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến các tỉnh, TP khác, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS TPHCM. Do đó, chính sách này đến nay không được thực hiện. 
Rồi đến năm 2018, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ, với mục tiêu điều tiết nhóm có thu nhập cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất và chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của dư luận nên chưa đưa vào chương trình xây dựng luật. Nếu khả thi như vậy tại sao chưa làm, điều luật này đã được đem ra tranh cãi cũng như bàn luận từ nhiều năm nay, cuối cùng đều bị bác bỏ. Tôi nghĩ cũng sẽ rất lâu nữa mới có thể áp dụng được điều luật này vì còn nhiều bất cập. 

Các tin khác