Cẩn trọng thu phí BOT đường sông

(ĐTTCO)- Trong khi các trạm thu phí BOT đường bộ vẫn đang gây bức xúc, nhà đầu tư dự án xây cầu xe lửa qua cầu Bình Lợi (TPHCM) lại dự kiến lập trạm BOT đường sông, càng khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng.
“Bản sao” BOT đường bộ?
Hiện nay hạ tầng giao thông đường thủy nội địa còn quá nhiều điểm nghẽn. Ngoài luồng lạch, nhiều tuyến bị hạn chế bởi chiều cao tĩnh không của các cây cầu dẫn đến khó có thể đưa vào khai thác các loại tàu, thuyền có sức chở lớn.
Do vậy, huy động nguồn vốn xã hội cho các công trình hạ tầng giao thông là một chủ trương đúng đắn và cần thiết để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, gỡ nút thắt hạ tầng, thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy.
 Việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư giao thông thủy là cần thiết. Tuy nhiên, cần có các cơ quan nhà nước vào cuộc để giám sát, tránh những sai lầm như BOT đường bộ, gây bất bình cho người dân. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ để tránh phí chồng phí.
TS. PHẠM SANH,
chuyên gia giao thông 
Xuất phát từ thực tế trên, dự án BOT đường thủy đầu tiên đã xuất hiện tại TPHCM và dự kiến chính thức thu phí từ cuối năm nay. Đây là dự án BOT đường thủy đầu tiên được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng ý để Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi thu phí để hoàn vốn. Dự án gồm 2 hợp phần: xây mới cầu sắt Bình Lợi và nạo vét luồng sông Sài Gòn, với chiều dài khoảng 70km từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương).
Theo đó, các phương tiện có tải trọng từ 300 tấn trở lên khi đi qua dạ cầu Bình Lợi sẽ phải trả phí với giá thu dự kiến 70 đồng/tấn/km. Thời gian thu kéo dài 20 năm 9 tháng với số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng.
Ngay từ lúc này, khi việc thu phí BOT đường sông chưa diễn ra, dư luận đã rất băn khoăn. Bởi di chuyển trên đường bộ, người dân, chủ doanh nghiệp từ TPHCM đi Bình Dương có thể chọn đi đường Hà Huy Giáp (quận 12) theo hướng Ngã tư Ga, đi tuyến quốc lộ 13, đường Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1K, hay đi thẳng lên huyện Củ Chi rồi qua TP Thủ Dầu Một.
Trong khi đó, với đường thủy đoạn từ cầu Sài Gòn đến cảng Bến Súc chỉ có duy nhất dòng sông Sài Gòn chảy qua địa phận TPHCM và tỉnh Bình Dương. Khi làm dự án BOT này, người tham gia giao thông đường thủy không còn lựa chọn nào khác vì chỉ có một đường sông để đi.
Một điều được cho là bất cập lớn nhất ở hành trình trên sông ở dự án BOT nâng cấp luồng sông Sài Gòn là tàu chỉ đi qua gầm cầu, hoàn toàn không sử dụng cầu, song vẫn phải trả tiền xây mới cầu sắt Bình Lợi. Điều này giống như việc nâng cấp, thảm nhựa một đoạn đường trên Quốc lộ 1A rồi chặn cả tuyến thu phí như ở các dự án BOT đường bộ. Bài học về các trạm BOT đường bộ vẫn còn nóng hổi chỉ mới hồi đầu năm vẫn đang âm ỉ chưa dứt.
Sự cố trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang vừa qua, và những sai phạm ở hầu hết dự án BT và BOT phát hiện mới đây... gây ra bao điều bất bình trong dư luận xã hội là thí dụ điển hình. BOT Cai Lậy không phải trạm thu phí đầu tiên bị người dân phản ứng. Và chắc chắn với cách làm này, đây sẽ chưa phải làm trạm cuối cùng. Trước trạm Cai Lậy, đã có hàng loạt trạm BOT khác như BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ), BOT Bến Thủy (Hà Tĩnh), cầu Rác (Nghệ An), tuyến BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, trạm Lương Sơn (Hòa Bình)... cũng đã bị người dân phản ứng hết sức gay gắt bằng nhiều hành động khác nhau.
Tại trạm thu phí BOT trên sông Sài Gòn, nếu tiếp tục lạm dụng quá mức hình thức đầu tư BOT, tức là người dân đi dưới nước cũng phải đóng phí, khi ấy sự bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm sẽ dẫn đến những bất ổn.
Cẩn trọng thu phí BOT đường sông ảnh 1
Cần sự minh bạch
Trong phương thức thu phí BOT giao thông ở nước ta, không chỉ đường bộ mà ngay cả đường thủy, hơn lúc nào hết, minh bạch là yêu cầu bức thiết. Một nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu tư dự án, điều quan trọng là hoàn vốn và sinh lời. Về phía quản lý nhà nước phải làm sao minh bạch trong vấn đề thu chi. Cụ thể, phần chi cho xây dựng dự án và phần thu để hoàn vốn dự án.
Đối với chi, căn cứ vào quy mô, khối lượng của dự án có thể tính được chi phí đầu tư. Cái khó và tiêu cực hay xảy ra ở phần thu và quản lý doanh thu đó. Nếu chúng ta quản lý thủ công, không có cách nào minh bạch được. Đối với đường bộ, Bộ GTVT quy định tất cả phương tiện đăng kiểm mới từ năm 2019 trở đi bắt buộc phải dán thẻ điện tử. Đối với đường thủy cũng tương tự. Thu phí BOT cũng hoàn toàn minh bạch được nếu chúng ta ứng dụng thu phí điện tử và quản lý tự động.
Điều này đồng nghĩa với việc cả 3 chủ thể bao gồm nhà quản lý, nhà khai thác vận hành và chủ phương tiện đều tham gia một cách nghiêm túc quá trình hoạt động thông qua công nghệ. Công nghệ gồm thiết bị đặt trên phương tiện để kết nối với trạm thu phí và thiết bị thu phí tại trạm. Để làm được điều đó, Nhà nước đóng vai trò quyết định, tạo ra các cơ chế, thủ tục, quy định để các bên tuân thủ.
Với dự án nâng cấp luồng sông Sài Gòn, điều thiết yếu là cần phải tách bạch rõ ràng chi phí nạo vét luồng sông và chi phí xây cầu đường sắt Bình Lợi. Đơn vị chức năng chỉ nên thu phí các tàu trên sông để bù chi phí nạo vét luồng sông. Còn cầu đường sắt Bình Lợi phải do ngành đường sắt bỏ tiền ra làm, không thể bắt tàu thủy đi dưới sông trả phí thay cho tàu lửa.
Do vậy, việc thu phí đường thủy phải tính toán sao cho phù hợp và có thể trợ giá để đưa mức phí xuống thấp, nhằm khuyến khích doanh nghiệp vận tải bằng đường thủy. Nếu không, doanh nghiệp lại dồn hết vào vận tải đường bộ. Đến lúc này lại gây ra quá tải, như thực trạng xảy ra hàng chục năm qua ở nước ta, trong khi đường thủy chẳng ai đi.

Các tin khác