Chặn tham nhũng, lãng phí đất đai

(ĐTTCO) - Tham nhũng đất đai, cùng với tham nhũng trong công tác cán bộ, trong đầu tư công và những biểu hiện tham nhũng khác là kẻ thù nội xâm nguy hiểm, không chỉ trực tiếp làm thất thoát tài sản công và lệch lạc các nguồn lực đầu tư xã hội cần thiết, mà còn làm mất lòng tin vào chế độ, gây tổn hại chung cho sự nghiệp và lợi ích quốc gia.

Quản lý đất công quá nhiều kẽ hở
Ngày 4-7, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo Thủ tướng về việc “cho mượn” hơn 17.000m2 đất công làm sân tập golf, với thời hạn tới 48 năm. Ngoài hiện tượng cho mượn đất công không phù hợp, còn có việc lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành, thay vì đấu thầu theo quy định, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. 
Tháng 4, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM họp và yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với CTCP Quốc Cường Gia Lai, để hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 30ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, với giá chỉ 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2, trong khi mặt bằng giá thị trường không dưới 2.000 tỷ đồng.
Ðáng chú ý, sự thất thoát tài sản đất đai không chỉ bởi giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, tư nhân hóa ngầm đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá... 
Trước đó, ngày 7-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với Phan Văn Anh Vũ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc mua, bán nhà, đất công sản tại Ðà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác. Một loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao TP Ðà Nẵng đã và đang bị xem xét xử lý hình sự. Những câu chuyện nóng và tiêu biểu kể trên đều mang đến thông điệp, cảnh báo: quản lý đất công đang có quá nhiều kẽ hở cả về quy định và việc vận dụng, chấp hành luật pháp.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố đầu tháng 10, tính đến hết năm 2016, cơ quan này đã thanh tra trực tiếp tại 38 dự án có vị trí đắc địa tại các quận nội thành ở Hà Nội như Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, đã phát hiện 36 dự án có sai phạm, như sử dụng sai mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất (32 lượt dự án); vi phạm quy hoạch xây dựng (20 lượt dự án); nợ tiền sử dụng đất tiền chậm nộp (8 dự án), với tổng số tiền sai phạm lên tới 3.974 tỷ đồng. 
Chặn tham nhũng, lãng phí đất đai ảnh 1 Sân tập golf được xây dựng trong công viên Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang,
với hình thức mượn đất công. 
UBND TP Hà Nội đã không có hướng dẫn cụ thể nên các DN 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh, thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế kinh doanh… chưa sát thị trường. Một số DN không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, dẫn tới thu về cho Nhà nước số tiền thấp.
Việc pháp luật không quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất, cũng như đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước, đặc biệt khi dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Trách nhiệm người đứng đầu
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng được tổ chức cuối tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt nghiêm khắc: Ðất đai là nguồn lực nhà nước, vì vậy để tránh thất thoát, quản lý đất đai không được để “trăm hoa đua nở”; phải đấu giá công khai, minh bạch, thậm chí “lên sàn” (sàn chứng khoán, sàn đấu giá và giao dịch đất công) như đã làm khi thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Vinamilk…
Để ngăn chặn thất thoát tài sản đất đai cần gắn với tăng cường quy hoạch và công khai quy hoạch sử dụng đất đai trên toàn quốc. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả công tác sắp xếp, cổ phần hóa, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng và tăng cường việc thanh, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; rà soát, kiên quyết xử lý các dự án, DN thua lỗ kéo dài theo cơ chế thị trường.
Để tránh thất thoát tài sản công, tránh giá trị cổ phiếu ảo, cần đưa giá trị quyền sử dụng đất và cả quyền thuê đất vào giá trị DN khi cổ phần hóa; việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất. Nhà nước không cho DN trả tiền thuê đất một lần trong thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê, sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường. 
Ngoài ra, phương án sử dụng đất của DN cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trước khi thực hiện xác định giá trị DN. Làm được điều này sẽ bảo đảm ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ diện tích đất dù không phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương. Khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của DN cổ phần hóa, phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch; tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để cổ phần hóa nếu DN lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm... Cùng với đó là xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra những tiêu cực trong quản lý, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước.
 Những kẽ hở trong quản lý sử dụng nguồn lực đất đai, đã tạo điều kiện cho các vi phạm xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù đất thu hồi của dân. Những hành vi đó làm thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách, làm méo mó môi trường kinh doanh, gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện và tố cáo vượt cấp...

Các tin khác