Chống thất thu thuế bất động sản: Siết chặt hành vi mua bán nhà “hai giá”

(ĐTTCO)- Hiện nay, phần lớn các giao dịch bất động sản (BĐS) đều xảy ra tình trạng mua bán 2 giá, nghĩa là giá mua thực tế và giá ghi trong hợp đồng mua bán có sự chênh lệch nhau, giá thực tế cao hơn nhiều so với giá ghi trong hợp đồng chuyển nhượng để né thuế.
Đa số khi làm thủ tục chuyển nhượng BĐS, bên bán và bên mua thỏa thuận khai giá trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so giá thực tế. (Ảnh minh họa: KT)
Đa số khi làm thủ tục chuyển nhượng BĐS, bên bán và bên mua thỏa thuận khai giá trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so giá thực tế. (Ảnh minh họa: KT)

Vạch trần các chiêu trò trốn thuế, né thuế BĐS

Theo quy định hiện hành, đối với hoạt động kinh doanh mua bán, chuyển nhượng BĐS, cá nhân phải nộp thuế thu nhập bằng 2% giá trị chuyển nhượng, doanh nghiệp nộp 20% trên thu nhập. Giá tính thuế là giá ghi trên hợp đồng và dựa theo khung giá đất do Nhà nước quy định nếu hợp đồng không ghi rõ hoặc giá ghi trên hợp đồng thấp hơn khung quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số khi làm thủ tục chuyển nhượng BĐS, bên bán và bên mua thỏa thuận khai giá trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so giá thực tế. Nhiều trường hợp tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, hoặc có hiện tượng ký 2 hợp đồng ghi giá khác nhau, nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

“Cứ 10 giao dịch thì phải có đến 9 giao dịch được kê khai mức giá thấp hơn giá bán thực tế, chỉ số ít người bán kê khai đúng với mức giá giao dịch”, một nhân viên môi giới bất động sản tiết lộ.

Ví dụ, một căn nhà được giao dịch với giá 5 tỷ đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân 2%, tương đương với 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu hợp đồng công chứng để giá 2,5 tỷ đồng, thì số thuế phải đóng giảm xuống chỉ còn 50 triệu đồng. Nhà nước sẽ thất thu 50 triệu đồng, còn người bán thì “ăn ra” được số tiền này. Vì vậy, không ít người mua và người bán bắt tay nhau để ghi giá bán thấp hơn nhằm mục đích trốn thuế.

Bên cạnh đó, đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai thì giá trị Hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư hoặc khi đã được cấp sổ thì người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư, nhằm trốn thuế, tránh thuế.

Thậm chí, còn có trường hợp hai bên mua và bán chuyển nhượng BĐS không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với BĐS) nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS.

Cơ chế vận hành thị trường BĐS trong nước còn nhiều “khoảng hở”

Lý giải về tình trạng né thuế chuyển nhượng BĐS, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính-thuế cho biết, có 2 cách tính thuế đang được áp dụng, gồm: dựa vào giá ghi trên hợp đồng và dựa theo khung giá đất do Nhà nước quy định nếu hợp đồng không ghi rõ hoặc giá thấp hơn khung quy định.

“Quy định này lại trở thành “lỗ hổng” để trốn thuế vì bảng khung giá đất thấp hơn rất nhiều so với thực tế, có những khu vực giá đất thị trường cao hơn từ 50-70% trong bảng khung giá. Bên cạnh đó, luật cũng quy định đây là những giao dịch dân sự, cho phép người mua và người bán được quyền thỏa thuận, chỉ cần bằng hoặc cao hơn mức Nhà nước quy định”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Đồng tình với quan điểm trên, chia sẻ trên Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho hay, hiện Nhà nước quản lý dựa trên Bảng và khung giá đất, trong khi mức giá này thường thấp hơn nhiều so với thị trường. Việc tồn tại đồng thời 2 hệ thống giá đất tạo cơ hội để người dân khai thấp giá mua bán nhằm né thuế.

Đồng thời, nó cũng gây khó cho chính các cơ quan thuế các địa phương khi tính toán, xác định mức giá nào là phù hợp, mức giá nào là “gian dối” nhằm trục lợi do không có căn cứ để xác định giá thị trường. Ngoài ra, đây cũng là nguồn gốc của hiện tượng cấu kết giữa người dân với cán bộ thuế nhằm trục lợi bất chính.

“Cơ chế vận hành thị trường bất động sản trong nước còn nhiều “khoảng hở”. Cụ thể, tại nhiều nước, bất kể giao dịch tài sản nào cũng bắt buộc phải được niêm yết, thông qua một đơn vị thứ ba như sàn giao dịch, nên cơ quan quản lý thuế sẽ dễ dàng nắm được thông tin chính xác. Còn tại Việt Nam, cơ quan thuế có thể xác định được giá trị giao dịch giữa các doanh nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp với cá nhân. Tuy nhiên, giao dịch giữa người dân với nhau thì khó vì sử dụng tiền mặt còn nhiều, dễ dẫn đến tình trạng bắt tay nhau kê khai với giá thấp để đóng thuế ít”, TS. Nguyễn Văn Đính nêu thực tế.

Xử lý nghiêm hành vi trốn thuế chuyển nhượng BĐS

Tình trạng mua, bán nhà, đất hai giá (giá bán cao, ghi trong hợp đồng giá thấp) để trốn thuế diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành trên cả nước. Thực trạng này đã làm thất thu tiền thuế, gây nên sự thiếu minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế... Để có cơ sở pháp lý đấu tranh với tình trạng trốn thuế, mới đây, Tổng cục Thuế đã xây dựng đề án "Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh bất động sản". Hiện đề án đã được trình Bộ Tài chính, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Trong đề án, Tổng cục Thuế đề xuất chỉ thanh toán qua ngân hàng mà không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến Luật Đất đai để cho giá đất của UBND các tỉnh, thành phố sẽ dần tiệm cận với giá của thị trường. Theo các chuyên gia, đây là điểm mấu chốt để tránh cho việc người dân khai giá bán thấp hơn giá trị giao dịch.

Để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn số 438/BTC-VP gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị ngành công an phối hợp các cục thuế để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Tư pháp phối hợp với Cục Thuế địa phương yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định pháp luật, tránh thất thu ngân sách.

Các tin khác