Chưa lên quận, “cò” đã thổi giá đất

(ĐTTCO) - TPHCM vừa thông tin về kế hoạch lộ trình phát triển các huyện ngoại thành và “nâng cấp” lên quận đã phần nào khiến thị trường bất động sản ở các vùng ven sôi động. Giá đất tại các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh… lại rục rịch biến động và đang thu hút nhiều nhà đầu tư, “cò” môi giới.
Một dự án đất nền ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh
Một dự án đất nền ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh
Sôi động thị trường vùng ven
Ngày cuối tuần, chúng tôi qua phà Bình Khánh để tìm hiểu thị trường đất nền ở huyện Cần Giờ. Vừa tấp vào quán cà phê bên đường, chúng tôi bắt gặp một nhóm môi giới địa phương đang bàn luận sôi nổi về đề tài huyện Cần Giờ sắp lên quận. Khi biết chúng tôi đang tìm mua đất, ông N.T.T. lập tức chào mời lô đất hơn 10.000m2 mặt tiền đường bê tông rộng 6m, giá 48 tỷ đồng.
Nếu đồng ý mua, chỉ cần thanh toán 70%, phần còn lại khi nào nhận sổ sẽ trả hết. Ấy vậy nhưng khi tìm hiểu về pháp lý khu đất, chúng tôi được biết đây là đất nuôi trồng thủy sản. “Thông tin Cần Giờ được chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu đô thị lấn biển làm giá nhà đất tăng chóng mặt. Khu vực Cần Thạnh, Bình Khánh và Long Hòa có mức tăng 200%-300% so với thời điểm trước đó. Những khu vực được cho là có vị trí đẹp, giá đất ở mức vài chục triệu đồng 1m2 ”, một “cò” đất bật mí.
Tương tự, những ngày này, chạy xe máy dọc Tỉnh lộ 10, qua địa bàn các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), người đi đường sẽ bắt gặp hàng trăm cây xanh, trụ điện ven đường dán chi chít bảng quảng cáo bán đất nền, đủ loại giá. Chúng tôi tạt xe máy vào một điểm môi giới gần cầu Xáng (xã Phạm Văn Hai), một nhóm “cò” 2- 3 người nhanh nhảu tiếp chuyện.
“Xuống tiền mua đi anh, kẻo nay mai Bình Chánh lên quận thì bỏng tay đó. Tụi em có miếng đất 100m2 gần cầu Xáng, nằm trên Tỉnh lộ 10, giá 5 tỷ đồng. Mua trong tháng 3 này thì chủ đất sẽ bớt vài triệu uống cà phê”, một “cò” đất mồi chài… Theo ghi nhận, thị trường đất nền huyện Bình Chánh hiện đang rất sôi động. Ở đường Vườn Thơm, thuộc xã Bình Lợi, giáp với tỉnh Long An, giá đất đã ở mức 30 triệu đồng/m2. 
Giá đất gần Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân), hay đất nền ở xã Phạm Văn Hai, dọc theo Tỉnh lộ 10 đã có giá từ 40-45 triệu đồng/m2; đất mặt tiền ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có giá gần 100 triệu đồng/m2. 
Trong khi đó, tại huyện Nhà Bè, việc UBND TPHCM phê duyệt nâng cấp mở rộng và xây mới một loạt tuyến đường giao thông đã khiến giá đất ở đây tăng không ngừng, nhất là khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi động, giá đất nền có nơi tăng gấp 3-4 lần.  
Coi chừng sập bẫy 
Tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, câu chuyện giá đất tăng sau mỗi đợt thông tin những địa phương này sẽ lên quận không còn mới mẻ. Ông Đinh Bá Thi, Tổng Giám đốc Phú Nhuận Land, cho hay, giá nhà đất huyện Bình Chánh gần đây tăng rất nhanh. Nếu cuối năm 2018, giá đất trung bình ở Bình Chánh chỉ 28 triệu đồng/m2 thì nay đã lên khoảng 45 triệu đồng/m2. Ở huyện Nhà Bè, Hóc Môn có tăng nhưng chậm hơn. 
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, đánh giá, với việc 3 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh đã có lộ trình chuyển thành quận, việc bất động sản (BĐS) ở các khu vực này sẽ nhộn nhịp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ nhảy vào đầu cơ khiến giá đất bị “thổi phồng” đến mức mất kiểm soát sẽ gây ra nhiều bất cập cho thị trường BĐS và nhiều lĩnh vực kinh tế khác của khu vực. 
Theo một số chuyên gia BĐS ở TPHCM, đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và đẩy giá lên cao do nguồn cung hạn chế. Ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia nghiên cứu thị trường, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, phân tích, hiện tượng sốt đất có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương, từ việc họ mất đi nguồn thu nhập chính từ nông lâm nghiệp.
Với những nhà đầu tư cá nhân mạo hiểm, đã dùng đến đòn bẩy tài chính thì dễ mất khả năng chi trả nếu thị trường không đạt như kỳ vọng. Vì vậy, minh bạch thông tin quy hoạch từ chính quyền và sự tỉnh táo hơn từ phía người dân là giải pháp an toàn để ngăn ngừa những cơn sốt đất ảo. Còn ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding (trụ sở tại TPHCM), khuyến cáo, ở đâu có thông tin tốt ở đó có thể kiếm lời và những cơn sốt đất cũng nhanh chóng xuất hiện. 
Chưa lên quận nhưng bất động sản ở các huyện ngoại thành đã rục rịch “nhảy múa”, tạo nên những bất ổn về thị trường nhà đất, an ninh trật tự, nguy cơ phá vỡ quy hoạch, phân lô bán nền và xây dựng trái phép. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý và hơn hết là người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch.
 Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên:
Không để xảy ra phân lô bán nền trái phép

Một số diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn chưa thể chuyển đổi sang đất công nghiệp, dịch vụ… dù bị nhiễm phèn, hoang hóa, do gặp khó trong khâu quy hoạch. Nếu huyện Hóc Môn không chuyển lên quận thì phần đất đó sẽ mãi nằm im, gây lãng phí tài nguyên. Ngược lại, khi được chuyển lên quận, đất nông nghiệp có thể chuyển đổi sang đất dịch vụ hoặc mục đích khác, mang lại giá trị kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Huyện đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch chung của TP, mang tính định hướng quy hoạch của đô thị, để đảm bảo nhu cầu phát triển sau này. Đảng bộ huyện đặt ra mục tiêu phải đảm bảo tốt công tác quản lý trật tự đô thị, không để xảy ra việc xây dựng trái phép, phân lô bán nền trái quy hoạch.

Các tin khác