Cương quyết ngăn chặn vi phạm xây dựng trái phép

(ĐTTCO) - Các cơ quan chức năng của TPHCM đang làm rõ trách nhiệm của một số lãnh đạo địa phương như huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, quận Thủ Đức… vì để xảy ra vi phạm xây dựng. 
Động tác này một lần nữa khẳng định sự cương quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo TPHCM đối với tình trạng vi phạm xây dựng.
Mở nhật ký giám sát công trình 
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều nỗ lực, tập trung thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy TPHCM nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng (viết tắt là Chỉ thị 23) và đạt được kết quả đáng ghi nhận. So sánh số liệu vi phạm trật tự xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020 tại TPHCM thì tỷ lệ vi phạm giảm hơn 77%.
Kết quả trên đến từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương. Đặc biệt, mới đây huyện Hóc Môn tiếp tục có những động thái quyết liệt, với cách làm chủ động, sáng tạo nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 23. Cụ thể, UBND huyện ban hành 5 quy trình nội bộ về quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn.
Đó là theo dõi, quản lý tình tình xây dựng, đất đai (quy trình 1); kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng (quy trình 2); ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm và tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm (quy trình 3); kiểm tra định kỳ việc chấp hành các quy trình (quy trình 4) và xử lý trách nhiệm các cá nhân không chấp hành đầy đủ các quy trình liên quan (quy trình 5).
Cương quyết ngăn chặn vi phạm xây dựng trái phép ảnh 1 Cưỡng chế công trình không phép ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM.
Trong đó, ở quy trình 1, công chức xã phải lập sổ nhật ký cập nhật tình hình trên địa bàn, ghi rõ có hay không có công trình trái phép cùng biện pháp xử lý. Cuối mỗi ngày, nhật ký được trình cho lãnh đạo xã (thị trấn) theo dõi, chỉ đạo; cung cấp định kỳ cho Đội Quản lý trật tự đô thị (TTĐT) huyện. Đặc biệt, khi có công trình trái phép thì phải “mở hồ sơ riêng”.
Quy trình này cũng đề cập chi tiết trách nhiệm của chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã - thị trấn phụ trách lĩnh vực trong việc theo dõi nhật ký, báo cáo cấp trên và hướng dẫn, yêu cầu cấp dưới thực hiện đầy đủ nhiệm vụ. Cùng với đó là trách nhiệm theo dõi, kiểm tra nhật ký của công chức TTĐT huyện phụ trách địa bàn (kiểm tra ngẫu nhiên, chụp ảnh, quay phim công trình vi phạm…), của đội trưởng đội quản lý TTĐT và trưởng phòng QLĐT.
Theo bộ quy trình này, nếu có một công trình xây dựng trái phép thì tất cả các cán bộ, công chức có trách nhiệm từ cấp xã đến cấp huyện, thậm chí mặt trận, đoàn thể và bí thư chi bộ khu phố - ấp đều được thông tin, qua hoạt động ghi, theo dõi và kiểm tra sổ nhật ký.
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, phân tích bộ quy trình xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của từng công chức, cán bộ liên quan, từ cấp xã (công chức, phó chủ tịch UBND phụ trách, chủ tịch UBND) đến cấp huyện (công chức cùng lãnh đạo phòng QLĐT, phòng TN-MT, chuyên viên cùng lãnh đạo văn phòng HĐND - UBND huyện…). Điều này sẽ giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đúng quy định các hành vi tự ý phân lô đất nông nghiệp hoặc xây dựng trái phép.
Tạm đình chỉ “nóng” lãnh đạo phòng ban, đơn vị
Bằng việc tuân thủ bộ quy trình trên, lịch sử các công trình trái phép đều được ghi nhận trong sổ nhật ký và thông tin đến địa chỉ cần thiết. Nếu cán bộ, công chức có liên quan không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ như: chậm phát hiện vi phạm, chậm lập biên bản vi phạm hay chậm tham mưu ban hành quyết định xử phạt/cưỡng chế thì sẽ bị nhắc nhở, khiển trách, buộc thôi việc hoặc cách chức (đối với cán bộ lãnh đạo).
Đặc biệt, huyện Hóc Môn còn áp dụng cơ chế mới để xử lý trách nhiệm cán bộ lãnh đạo liên quan đến quản lý trật tự xây dựng, đất đai. Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn vừa thông qua chủ trương chủ tịch UBND được phép tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Cụ thể, chủ tịch UBND huyện được tạm đình chỉ “nóng” trưởng, phó cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; trưởng, phó các đơn vị sự nghiệp; chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã - thị trấn thuộc huyện… mà không cần trình thông qua Ban Thường vụ Huyện ủy.
Theo thống kê, từ khi Chỉ thị 23 được ban hành (ngày 25-7-2019) đến giữa tháng 4-2020, huyện đã luân chuyển 9 công chức địa chính - xây dựng, 6 phó chủ tịch UBND phụ trách đô thị xã Xuân Thới Sơn, Bà Điểm, Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, Thới Tam Thôn và thị trấn Hóc Môn…
Cũng liên quan đến trách nhiệm và xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, ngay khi triển khai thực hiện Chỉ thị 23, quận Thủ Đức yêu cầu bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND 12 phường ký cam kết với bí thư quận ủy, chủ tịch UBND quận và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng, đất đai mà không xử lý kịp thời. Song song đó, quận rà soát, xử lý cán bộ có khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chức trách công vụ để điều chuyển, thay thế và có phường đã thay thế hầu hết cán bộ chủ chốt.
Cụ thể, tại phường Tam Phú, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực đô thị đều được thay thế. Tại phường Linh Đông thì thay thế phó bí thư thường trực đảng ủy, chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực đô thị. Tại phường Hiệp Bình Chánh, thay thế bí thư đảng ủy phường, chấp thuận cho phó bí thư thường trực đảng ủy phường về hưu trước tuổi, thay chủ tịch UBND phường và các phó chủ tịch UBND phường.
Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng kỳ vọng, biện pháp mới này sẽ giúp tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, nhất là ở các xã Xuân Thới Thượng, Đông Thạnh, Tân Hiệp… khá phức tạp, do địa bàn rộng, đông dân cư, mức độ đô thị hóa cao.

Các tin khác