Đất Cần Giờ lại nóng

(ĐTTCO)-1.000 m2 đất nuôi thủy sản ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ có giá 500 triệu đồng, chỉ sau một ngày đã được chủ đất đẩy lên 550 triệu.
Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ và cầu Cần Giờ kết nối với trung tâm TP.HCM là động lực chính cho sự tăng trưởng về giá của thị trường này. Ảnh: Quỳnh Danh.
Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ và cầu Cần Giờ kết nối với trung tâm TP.HCM là động lực chính cho sự tăng trưởng về giá của thị trường này. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hai tuần trở lại đây, phòng công chứng xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ bỗng trở nên đông khách. Kể từ tháng 5, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nơi đây mới trở nên nhộn nhịp như vậy. Nhân viên công chứng cho biết đa phần người đến chứng nhận giấy tờ liên quan đến đất đai.

Trên thị trường, tần suất giao dịch cũng như thông tin mua bán đất tại đây cũng tăng lên khá nhanh.

Anh Trung ở xã Bình Khánh vừa bán căn nhà cấp 4 trên mảnh đất có diện tích 150 m2 với giá 2,9 tỷ đồng cho biết đã rao bán từ trước Tết, nhưng phải sau khi dịch bệnh ổn định lại mới tìm được người mua.

“Tôi mua căn nhà này với giá 2 tỷ cách đây 3 năm. Mức lời này chấp nhận được nhưng không bằng với đầu tư đất nền và đất nông nghiệp”, anh Trung nói.

Đất nền, nông nghiệp tăng giá nhanh

Theo nhà đầu tư này, đất ở Cần Giờ được giới đầu tư chia làm 2 khu. Phần gần với Nhà Bè là Bình Khánh được nhà đầu tư lướt sóng khá ưa chuộng. Giá đất khu vực này tăng khá nhanh. Đất nền mặt đường Rừng Sác - tuyến giao thông chính huyện Cần Giờ - hiện có giá 45-50 triệu đồng/m2, trong khi đất nền phía trong (đã có thổ cư) dao động 15-20 triệu đồng/m2.

Cùng với Bình Khánh là cụm xã An Thới Đông, Lý Nhơn. Phân khúc khu vực này đang được giao dịch nhiều là đất nông nghiệp.

"Mấy nay đất nông nghiệp ở đây đang bị đẩy giá lên khá nhanh. Hôm qua tôi mới hỏi 1.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản ở Lý Nhơn giá là 500 triệu đồng, thì hôm sau gọi lại, chủ đất đã báo giá 550 triệu. Mà mảnh đất này nằm sâu bên trong, chưa có đường dẫn vào", anh Trung cho biết.

Theo nhà đầu tư này, Lý Nhơn nằm cách xa Nhà Bè và trục đường Rừng Sác, hướng về phía cảng Hiệp Phước, mà giá đất nông nghiệp đã tăng nhanh vậy. Còn tại Bình Khánh, 1.000 m2 đất nông nghiệp nằm sâu bên trong, giá cũng đã lên tới 2-3 tỷ. Cũng tại xã này, chủ một khu đất rộng 5.000 m2, chiều ngang 40 m mặt đường nhựa nhánh rộng 8 m đang rao giá 4 triệu đồng/m2.

Ông Thành, một môi giới lâu năm thị trường Cần Giờ cũng xác nhận giá đất khu vực Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn thời gian gần đây được đẩy lên khá nhanh.

"Sau dịch, tại TP.HCM có 2 địa bàn tăng nhanh về cả giá lẫn giao dịch là Bình Chánh và Cần Giờ. Nếu động lực thúc đẩy thị trường Bình Chánh là thông tin lên quận và thành phố, thì Cần Giờ đang rục rịch thông tin xây cầu nối từ Nhà Bè qua. Hơn nữa, quỹ đất nơi đây còn nhiều, đa dạng, tiềm năng tăng giá còn tốt…, nên thu hút nhà đầu tư", ông Thành nói.

Theo môi giới này, chính vì vị trí giáp với Nhà Bè, nên nhà đầu tư "lướt sóng" chọn khu vực này. Còn muốn đầu tư lâu dài hơn, nhà đầu tư sẽ hướng đến khu vực xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, nơi hiện hữu dự án lấn biển của Vingroup.

"Giá đất khu vực này hiện đã khá cao. Đất nền đã có đường xá, quy hoạch ổn định, cao nhất lên tới 80 triệu đồng/m2; nền chưa rõ quy hoạch, giá cũng tới 15-20 triệu/m2. Khu vực này hiện rất khó tìm đất dưới 10 triệu/m2", ông Thành cho biết.

Theo số liệu của Chợ Tốt Nhà, mức độ quan tâm của người mua đến thị trường bất động sản Cần Giờ trong tháng 10 giảm 47,7% so với tháng 5, thời điểm trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Cùng với đó, giá rao bán của toàn thị trường nhìn chung cũng giảm khoảng 6,2% trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, bước sang tháng 11, mức độ quan tâm của thị trường đến đất nền Cần Giờ đã tăng 14% so với tháng 10. Đồng thời, giá bán chung đã tăng 7,3%.

Thị trường tăng trưởng cục bộ

Ông P, một chủ doanh nghiệp bất động sản tại Cần Giờ bình luận mặc dù môi giới và các nhà đầu tư cũng quan tâm đến thị trường trong thời gian này, giao dịch thực tế ghi nhận không nhiều. Sau dịch bệnh, giá bán vẫn không giảm mà có xu hướng tăng nhẹ.

Đánh giá về huyện Cần Giờ, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết thị trường này thực chất nguồn cung khá hạn chế. Thứ hai, các sản phẩm ở đây thường giá trị lớn, dù đơn giá phải chăng nhưng diện tích sản phẩm rộng từ 1.000-2.000 m2. Điều này khiến khu vực tăng trưởng khá cục bộ, chỉ cần 2-3 giao dịch thành công cũng khiến thị trường nóng sốt.

Thứ ba, không có nhiều dự án mới được triển khai tại Cần Giờ, thị trường này vẫn đang trong tâm thế chờ 2 dự án chính là cầu kết nối Cần Giờ với trung tâm TP.HCM và dự án đô thị lấn biển rộng gần 3.000 ha. Đây đều là các dự án có quy mô lớn và khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn.

"Nhà đầu tư ở Cần Giờ hiện đều trong tâm thế chờ đợi. Trong khi các khu vực khác có thể lướt sóng trong khoảng từ 3-6 tháng thì ở Cần Giờ cần ít nhất 1 năm để thấy được mức độ tăng trưởng giá rõ rệt. Hầu hết người mua ở đây đều chuẩn bị tâm lý chờ đợi từ 2-3 năm, thậm chí chờ đến 5 năm", ông Quang nhìn nhận.

Bên cạnh đó, ông Trần Khánh Quang cũng cho biết so với các khu vực khác ở vùng lân cận trung tâm TP.HCM, đầu tư bất động sản Cần Giờ không thu về lợi nhuận quá lớn. Chính vì vậy, thị trường không thu hút được quá nhiều nhà đầu tư ngắn hạn vào lúc này.

"Tại các khu vực khác, lợi nhuận mà các nhà đầu tư có thể đạt được khoảng 5-15%/năm, nếu thị trường tốt có thể thu về đến 30-50%/năm.Trong khi đó, đất nền Cần Giờ chỉ có thể tăng tối đa khoảng 5-10%. Thị trường bất động sản này chỉ có 2 khoảng thời gian nhộn nhịp trong năm là giai đoạn tháng 4-5 và khoảng tháng 9-10", ông dẫn chứng.

Các tin khác