Đẩy nhanh tiến độ dự án kết nối hạ tầng với metro số 1

(ĐTTCO) - Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành gần 86% khối lượng thi công, dự kiến vận hành năm 2022. Vấn đề nhiều người quan tâm là các cơ quan chức năng đã chuẩn bị như thế nào để tạo thuận lợi đi lại cho hành khách sử dụng tuyến metro này, tránh những điều dư luận đang phản ánh về tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). 

Một nhà ga thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Một nhà ga thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Bãi giữ xe và các phương tiện trung chuyển
Toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng cộng 14 nhà ga, là những điểm tàu dừng để hành khách lên xuống. Một trong những điều người dân khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng này quan tâm là phương thức di chuyển tới các nhà ga để đi và khi xuống tàu sẽ đi đến nơi mình cần đến bằng phương tiện gì. Theo quan sát của phóng viên, khu vực xung quanh các ga này hiện vẫn chưa có các điểm giữ xe cho khách đi tàu.
Trong khi đó, theo Ban quản lý đường sắt đô thị, tại tầng trệt của hầu hết nhà ga đều có bố trí bãi giữ xe đạp, xe máy... Mỗi bãi giữ xe có diện tích 600-3.000m2, có thể giữ được 220-1.100 xe. Đặc biệt, tại nhà ga Bến Thành, điểm kết nối của 7 tuyến metro còn lại, ngoài bãi giữ xe tại chỗ của nhà ga, quanh khu vực này còn có hàng chục bãi giữ xe khác, như bãi giữ xe tại Công viên 23-9, hầm giữ xe các tòa nhà cao tầng... Thế nhưng, hiện nay ngoài các ga ngầm tại khu vực trung tâm Bến Thành được kết nối với trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi (với 40 tuyến buýt), hành khách từ khắp các hướng, quận huyện khác trên địa bàn TP có thể đi xe buýt đến đây lên metro số 1, còn hầu hết tuyến metro khác chưa được đầu tư hay đầu tư nhưng chưa hoàn thành. Phải chăng, tại các “dạ cầu” ở các nhà ga đang được rào kín có thể sau này sẽ là bãi giữ xe?
Mới đây, UBND TPHCM đã yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) sớm khởi công xây dựng tuyến buýt nhanh (BRT) số 1, đảm bảo người dân có nhiều lựa chọn kết nối metro số 1. Dự kiến, tuyến BRT số 1 có tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng sẽ được khởi công trong thời gian tới và hoàn thành trong năm 2022. Tuyến BRT số 1 dài 26km chạy dọc hành lang Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, kết nối tuyến metro số 1 tại ga Rạch Chiếc (TP Thủ Đức). Trung tâm quản lý giao thông công cộng còn thiết lập hệ thống xe buýt trục chính, nhánh và xe buýt gom nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1.

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông
Phát triển đô thị xung quanh các nhà ga theo TOD (định hướng giao thông) là mô hình TPHCM đang hướng đến, trong đó tập trung phát triển các đô thị, trung tâm thương mại dọc trục tuyến metro đi qua. Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM được giao nhiệm vụ rà soát, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực xung quanh nhà ga metro số 1; đồng thời có phương án kết nối giao thông của các nhà ga metro với khu vực xung quanh. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, vừa trình UBND TP dự thảo Quy chế Quản lý kiến trúc TPHCM, trong đó có kiến trúc 10 khu vực đô thị dọc tuyến metro số 1.
Qua phân tích đánh giá hiện trạng và định hướng quy hoạch, dọc theo Xa lộ Hà Nội (tuyến có metro số 1), Sở QH-KT phân chia thành 10 khu vực (vùng) theo thứ tự từ A đến L. Việc thiết kế đô thị trục Xa lộ Hà Nội phải xem xét và cân đối nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm phát triển giao thông đúng định hướng phát triển không gian của TP (về hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, phân bố dân cư và lao động), phát huy tối đa hiệu quả giao thông đô thị của tuyến metro số 1 và Xa lộ Hà Nội. Một số khu vực được phác thảo, gồm Khu A - Khu Thảo Điền 37,74ha, chiều dài theo Xa lộ Hà Nội 0,97km, có nhà ga Metro Thảo Điền. Khu vực này khuyến khích phát triển các công trình đa chức năng cao tầng trong bán kính 200m xung quanh ga. Tổ chức công trình kiến trúc điểm nhấn chính của khu vực tại khu vực đất quân sự chuyển đổi giáp đường Quốc Hương, kết hợp với quảng trường ga, với tầng cao dự kiến 40 tầng, khu vực còn lại tầng cao tối đa 35 tầng. 
Khu B - Khu An Phú 71,66ha, chiều dài theo Xa Lộ Hà Nội 1,6km, hiện có nhà ga Metro An Phú, nút giao Cát Lái trên tuyến xa lộ với lưu lượng giao thông lớn đi về trung tâm TP… Tầng cao tối đa trong xây dựng là 40 tầng. 
Khu C - Khu Rạch Chiếc 33,43ha, chiều dài theo Xa Lộ Hà Nội 0,98 km, có nhà ga Metro Rạch Chiếc, nút giao Cát Lái. Khu này sẽ tổ chức giao thông công cộng và đi bộ để hỗ trợ cho nhà ga Metro Rạch Chiếc, kết nối với dự án khu Thể dục thể thao Rạch Chiếc; khuyến khích phát triển các công trình đa chức năng cao tầng trong bán kính 200m xung quanh ga; khuyến khích phát triển các khu nhà ở cao tầng trong bán kính 200-400m xung quanh ga, với tầng cao tối 26 tầng. 
Khu D - Khu  Phước Long 127,03 ha, chiều dài theo Xa Lộ Hà Nội  1,5km. Hiện trạng khu vực có các đặc điểm, như có nhà ga Metro Phước Long, là đất công nghiệp ô nhiễm phía Thủ Đức, có điều kiện phát triển các tổ hợp kiến trúc đa chức năng cao tầng. Bảo tồn cảnh quan quanh khu vực bán đảo Phước Long, giữ lại/cải tạo khu vực dân cư hiện hữu phường Phước Long A, quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức), chiều cao tối đa 45 tầng…
Chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam cho rằng, để phát huy hiệu quả các tuyến metro, việc bố trí các phương tiện trung chuyển cũng như kết nối đồng bộ các hệ thống giao thông khác vào metro là cần thiết. TPHCM đã có kế hoạch, nên đẩy nhanh tiến độ các dự án này để đồng bộ khi khai thác với metro. Tại một cuộc hội thảo về đô thị tại TPHCM, chuyên gia này cho rằng so với Singapore, TPHCM đất rộng hơn nhưng tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân do việc bố trí nhà cao tầng chưa hợp lý và đất dành cho giao thông còn khiêm tốn, cũng như các phương tiện vận tải công cộng chưa được phát huy hiệu quả tốt nhất. Để khai thác hiệu quả tuyến metro, cũng như giải bài toán về giảm thiểu kẹt xe, cần phối hợp triển khai đồng bộ nhiều phương tiện và tiện ích khác. 
 Hạ tầng giao thông đồng bộ với các đô thị quanh tuyến metro số 1 giúp giảm kẹt xe, tạo môi trường sống tiện nghi cho người dân.

Các tin khác