Để tài nguyên đất… vô giá

(ĐTTCO) - Dư luận lâu nay bất bình trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giao đất, cho thuê đất… có nguồn gốc đất công thường định giá thấp hơn giá thị trường, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
 Nhiều dự án đất công sau khi được giao vì lý nhiều lý do cũng chậm triển khai, gây lãng phí; nhiều dự án “đất vàng” bị biến tướng bằng các thủ thuật, như mời gọi đối tác chiến lược nhảy vào hợp tác với giá thuê đất rẻ rồi sau đó thoái vốn, trong khi nhà nước thất thu.
Trong khi đó, lãnh đạo TPHCM khẳng định quỹ đất để phát triển kinh tế-xã hội cho TP ngày càng hạn hẹp, đơn giá bồi thường để có đất ngày càng cao, khiến chi phí đầu tư tăng cao khó thu hút nhà đầu tư. Để khắc phục những lỗ hổng thất thoát nói trên, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhằm bịt kẽ hở thâu tóm đất giá rẻ. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này đến nay mới đưa ra là quá muộn, theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, nhưng muộn còn hơn không. 
Tại TPHCM, từ năm 2007 UBND TP đã quy hoạch 20 lô đất (khoảng 50 ha) thuộc khu đất vàng ở trung tâm TP, để kêu gọi nhà đầu tư có năng lực và tiềm lực tài chính. Trong số này hiện chỉ có 4 nhà đầu tư triển khai dự án, một số dự án vẫn chưa có dấu hiệu khởi động, một số dự án bị chậm.
Khu đất vàng của Tập đoàn Bitexco đối diện chợ Bến Thành, ngay trung tâm thương mại ngầm thuộc tuyến metro số 1. Đến nay tiến độ thi công dự án vẫn còn khá chậm dù đã hoàn thành phần hầm. Bên cạnh là dự án Spirit of Saigon, rồi cả Bệnh viện Sài Gòn hiện hữu cạnh bên, tiến độ di dời giải phóng mặt bằng khá chậm.
Tại trung tâm quận 1, dự án SJC Tower vẫn khá ì ạch gần 10 năm qua, đây là 1 trong 3 khu đất vàng được chính quyền TPHCM liên tục nhắc nhở chủ đầu tư kề bên là tòa nhà Sun Wah, chủ dự án là BIDV, vẫn chỉ là tôn vây xung quanh, bên trong là bãi giữ xe 24/24. 
Để tài nguyên đất… vô giá ảnh 1 Dự án 504 Nguyễn Tất Thành (quận 4) có nguồn gốc đất công, nằm trong diện thanh tra. Ảnh: TRÀ GIANG 
 Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước tiến hành rà soát các dự án được giao đất từ năm 2011-2016 trên địa bàn TPHCM. Đây được xem là công tác chấn chỉnh việc giao đất, triển khai dự án cũng như làm rõ có hay không việc thất thoát tài sản công trong quá trình cổ phần hóa.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc thanh tra phải bắt đầu từ quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, và việc thực hiện dự án theo quy định của Luật Xây dựng 2014. Tất nhiên, mọi hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm đối với cả nhà đầu tư dự án và các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý dự án. 
Song trên thực tế, câu chuyện xử lý sai phạm còn nhiều phức tạp, nhất là trường hợp dự án đã có sự tham gia của người mua nhà, kể cả mua nhà hiện hữu hay “mua nhà trên giấy”. Về nguyên tắc, cách xử lý phải cương quyết để ngăn chặn các vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai.
Mọi hợp đồng mua bán nhà ở có biểu hiện vi phạm pháp luật đều phải xác định là vô hiệu và không được phép thực hiện. Một số người tiêu dùng có thể bị thiệt hại ở mức nhất định, nhưng phải coi đó là kinh nghiệm khi tham gia thị trường BĐS nhằm bảo vệ lợi ích chung của quá trình phát triển đất nước.
Tài nguyên đất là hữu hạn, đặc biệt tại những TP lớn như Hà Nội hay TPHCM lại càng có ý nghĩa đặc biệt, nhất là những khu đất mà lâu nay chúng ta vẫn hay gọi là “đất vàng”. Đó là thứ tài nguyên “vô giá”, nhưng để những tài sản này gọi đúng tên nó phải được khai thác đúng với giá trị của nó.
Việc Bộ Tài chính trình dự thảo nói trên để Chính phủ thông qua cũng nhằm lấp những “lỗ hổng thất thoát” lâu nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, rất khó để giải quyết tận gốc rễ từ nghị định này.

Các tin khác