Doanh nghiệp bất động sản: Kiến nghị, kiến nghị… tiếp tục chờ

(ĐTTCO) - Thị trường trầm lắng, thủ tục đầu tư dự án vướng mắc… khiến doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã khó càng khó khăn hơn. Thực ra những vướng mắc khó khăn này không mới và đã nhiều lần doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất tháo gỡ, nhưng mọi việc vẫn rất ít chuyển biến. 
Nhiều dự án NơXH triển khai động thổ xong rồi để đó vì vướng pháp lý.
Nhiều dự án NơXH triển khai động thổ xong rồi để đó vì vướng pháp lý.
Mới đây, UBND TPHCM đã kiến nghị Trung ương hàng loạt nội dung trong lĩnh vực đất đai, nhằm tạo sự bứt phá trong thời gian tới. Nhưng rồi kiến nghị vẫn tiếp tục kiến nghị…
Hàng trăm dự án treo… nhiều năm
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Sở Xây dựng TPHCM, trong giai đoạn 2016-2022 TP có 1.532 dự án sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bao gồm các dự án BĐS, đô thị, nhà ở thương mại (NoTM), nhà ở xã hội (NoXH) của khu vực tư nhân và các dự án đầu tư công. Trong đó, 451 dự án đã hoàn thành (chiếm 29,4%), 703 dự án đang triển khai (45,9%).
Đặc biệt có đến 357 dự án (24,7%) quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất chưa triển khai thực hiện (dự án treo); trong đó phần lớn là dự án đầu tư công do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư, nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Các dự án treo nói trên chủ yếu vướng mắc về phương án giá bồi thường, dù hàng năm TP đều ban hành quyết định hệ số điều chỉnh giá đất cao hơn 4-35 lần giá đất trong bảng giá đất để thực hiện bồi thường, GPMB. Các dự án treo này đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi. Hơn nữa, trong số 703 dự án đang triển khai (không thuộc trường hợp bị thu hồi dự án) có khoảng 143 dự án bị vướng mắc pháp lý, nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần hoặc phải tạm dừng dự án.
Bên cạnh đó, một số dự án BĐS, đô thị, NoTM từ năm 2015 trở về trước thi công dở dang, chủ yếu do vướng bồi thường GPMB, mà nguyên nhân chính do chủ đầu tư yếu kém năng lực, tài chính yếu. Nhiều dự án kéo dài hàng chục năm, như dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái (quy mô diện tích 154ha) do Công ty Xây dựng Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư chính với 14 chủ đầu tư thành phần, thi công dở dang suốt 20 năm qua.
Trong đó có dự án của Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Trường Thịnh 2,9ha tiếp giáp với mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh. Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc tại 2 phường Phước Long A và Phước Bình, TP Thủ Đức có quy mô 82,52ha do Công ty Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính. Trong đó có 2 dự án thành phần đã GPMB, hoặc đã đầu tư xong hạ tầng và các công trình nhưng vẫn bị vướng, không thể triển khai tiếp được. 
Cụ thể, dự án NoXH Nam Lý (quy mô 4.557m2, dự kiến xây dựng 26 tầng với 291 căn hộ) tiếp giáp mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, do CTCP Địa ốc Thảo Điền làm chủ đầu tư dự án thành phần, tuy đã GPMB nhưng vẫn chưa được chấp thuận đầu tư để triển khai thực hiện. Hay dự án Khu nhà ở Him Lam (quy mô 2,16ha với 34 nền nhà biệt thự), do CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam làm chủ đầu tư, đã xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất để công ty hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và làm sổ hồng cho khách hàng mua nhà.  
Trong số hàng trăm dự án treo nói trên, nhiều dự án đã được doanh nghiệp, sở ngành kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền nhiều lần, nhưng nhiều vụ việc kéo dài cả chục năm vẫn chưa được tháo gỡ.
Tiếp tục kiến nghị chính sách mới
Ngày 21-11, UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ TN-MT kiến nghị 17 nội dung liên quan đến lĩnh vực TN-MT, để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo đó, đối với lĩnh vực đất đai, TP kiến nghị cho phép xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, trình HĐND TP thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TP ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất). 
TPHCM cũng kiến nghị cho phép được thực hiện việc bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. Giao UBND TP tổng kết thực tiễn và quyết định tỷ lệ phần trăm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cho phép TP được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn.
Lập Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Đức (trực thuộc UBND TP Thủ Đức) thực hiện chức năng, nhiệm vụ như trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh, trên cơ sở tổ chức lại Ban bồi thường, GPMB TP Thủ Đức. Đồng thời cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất được khai thác ngắn hạn các khu đất do đơn vị này quản lý chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Cho phép UBND TPHCM thí điểm tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập, sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TPHCM. Cho TP thí điểm việc cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng quyền thuê đất đóng tiền hàng năm. 
UBND TPHCM phân cấp cho UBND cấp huyện xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ. Cho phép TP thí điểm thực hiện áp dụng “căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo hợp đồng BT trước ngày 1-1-2021.
Cho phép TP thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước đối với các dự án về cảng biển (kể cả dự án lấn biển); đồng thời được thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp. 
 Các dự án cũ đang vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, cùng với những kiến nghị mới của TP được chấp thuận, chắc chắn thị trường nhà, đất TPHCM sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, phục hồi sớm.

Các tin khác