Doanh nghiệp địa ốc “gồng mình” bảo vệ thương hiệu

(ĐTTCO) - Nhìn lại các đợt khủng hoảng bất động sản (BĐS) 20 năm qua, cứ sau mỗi lần khủng hoảng nhiều nhân tố mới nổi lên, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp (DN) một thời lừng lẫy đã biến mất thương hiệu trên thương trường. Và hiện nay hàng loạt ông lớn phải làm mọi cách để tồn tại và bảo vệ thương hiệu vượt qua cơn khốn khó.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc “gồng mình” mua lại trái phiếu trước hạn để bảo vệ thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc “gồng mình” mua lại trái phiếu trước hạn để bảo vệ thương hiệu.
Đẩy mạnh mua lại TP trước hạn
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), các tổ chức phát hành thông qua đại lý là TVSI đã thông báo kế hoạch mua lại trái phiếu (TP) trước hạn của nhiều DN trong quý IV-2022 và năm 2023, với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Hưng Thịnh Land sẽ mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu TP đã phát hành vào ngày 28-12-2021 (đáo hạn ngày 28-12-2023).
Thời gian dự kiến mua bắt đầu vào ngày 24-11-2022 và hoàn thành mua lại trong 30 ngày. Lô TP này có giá trị 400 tỷ đồng. Phương thức mua lại trực tiếp từ người sở hữu TP. Giá mua bằng tổng mệnh giá TP, các khoản lãi và tất cả khoản tiền khác phát sinh nhưng chưa được thanh toán. Động thái này được xem nhằm ổn định tư tưởng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay, cũng như bảo vệ chính thương hiệu của Hưng Thịnh. 
Một số DN khác cũng có động thái này. Như CTCP Gotec Land cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 6 triệu TP được phát hành ngày 15-10-2021 (đáo hạn ngày 15-10-2025), giá trị phát hành 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại không muộn hơn ngày 30-6-2023. CTCP TNHH Nam Land lên kế hoạch mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu TP phát hành ngày 13-7-2021 (đáo hạn ngày 13-7-2024), tổng giá trị phát hành 900 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại không muộn hơn ngày 30-6-2023. 
Tương tự, CTCP Thương mại Công nghệ An Phát có kế hoạch mua lại lô 2 triệu TP phát hành ngày 30-12-2020 (đáo hạn ngày 30-12-2028), giá trị phát hành 200 tỷ đồng.Trong đó, An Phát dự kiến mua lại trước hạn tối thiểu 50% tổng mệnh giá TP đang lưu hành, tương đương 1 triệu TP ngay khi có thể, nhưng không muộn hơn ngày 31-12-2022. Sau đó, DN sẽ mua lại toàn bộ số lượng TP còn lại ngay khi có thể, nhưng không muộn hơn ngày 31-3-2023.
Tập đoàn Novaland, một trong những DN đang triển khai rất nhiều dự án, cũng phải “gồng mình” để vượt qua khó khăn. Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Novaland, chia sẻ nhiều dự án phải điều tiết lại tiến độ, cắt giảm nhân sự ở một số bộ phận để phù hợp trong tình hình hiện nay.
“Những giải pháp đã đưa ra chỉ là tình thế, mang tính thời điểm. Còn hiện nay cần nỗ lực của cả con người và bộ máy để giữ cam kết với khách hàng, giữ các công trường hoạt động, giữ thị trường... Với bối cảnh khó khăn toàn diện chưa từng có tiền lệ trên thị trường như hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực hết sức mình và tập trung cao độ vào hiệu quả kinh doanh cốt lõi, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng của mình” - ông Huy chia sẻ. 

Vay vốn bên ngoài với lãi suất cao
Trong bối cảnh cạn tiền mặt để hoạt động kinh doanh, chi phí bộ máy, nhiều DN BĐS đã phải vay ngoài với lãi suất cao. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho rằng đây là giải pháp “đau đớn” để tồn tại và bảo vệ thương hiệu của DN BĐS. Hiện nay nhiều DN đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn…).
Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. DN cũng phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% số lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương, tác động đến cuộc sống người lao động. 
Theo ông Châu, do tắc nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn TP, nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số tập đoàn, DN BĐS “đói vốn” phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro hoặc phải bán bớt tài sản, dự án; bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng), tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng đầy rủi ro là do sản phẩm hình thành trong tương lai.
Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS, ông Châu kiến nghị Chính phủ 10 giải pháp liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nới tín dụng, tháo gỡ cho thị trường TP, tăng nguồn cung nhà ở xã hội... 
HoREA kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới room tín dụng thêm khoảng 1-2% để có nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000-200.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua TPDN riêng lẻ với tỷ lệ nhất định.
“Cần có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, hoặc do cổ phần hóa DNNN... bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay, để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư” - ông Châu nói.
Trao đổi với ĐTTC, đại diện nhiều DN cho biết, bên cạnh những nỗ lực để tự cứu mình, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ nhanh chóng có những giải pháp hữu hiệu kịp thời để tháo gỡ khó khăn. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ hàng loạt giải pháp.
Cụ thể, nới room thêm 2% để có dòng tiền lưu thông và khơi dậy tâm lý tích cực của các nhà đầu tư; sử dụng 300.000 tỷ đồng tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh để giải ngân cho các DN phát hành TP để thanh toán kỳ hạn ngắn;  khẩn trương thành lập quỹ bảo lãnh TPDN; cho phép các DN tái cấu trúc nợ như ngân hàng thương mại, làm đề án tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường… 
 Bên cạnh những nỗ lực để tự cứu mình, DN BĐS mong muốn Chính phủ nhanh chóng có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn. 

Các tin khác