Doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội tại TPHCM

(ĐTTCO) - Hơn 50 tập đoàn, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản cùng với các doanh nghiệp trong nước tham dự Hội thảo “Chỉnh trang và phát triển đô thị TPHCM” được tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua. 
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua chương trình này, cũng như “bắt tay” giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng để đầu tư phát triển đô thị. 
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội tại TPHCM ảnh 1 Trong khuôn khổ chuyến làm việc, trước đó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã tiếp ông Keiji Kimura, Chủ tịch Hiệp hội J-CODE đang thăm và làm việc tại TPHCM (ảnh).  Ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, TPHCM và các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có nhiều hơn cơ hội hợp tác cùng phát triển trong lĩnh vực phát triển đô thị, kết hợp hài hòa tính chất, đặc trưng khí hậu của Việt Nam với mô hình đô thị phát triển của Nhật Bản. Ông Keiji Kimura chia sẻ mối quan tâm đến các khó khăn, thách thức mà TPHCM đang gặp phải trong quá trình phát triển như áp lực dân số, giao thông, bảo vệ môi trường; khẳng định Nhật Bản đã trải qua, có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với TP trong việc giải quyết các khó khăn, thách thức.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Trần Kiên, cho biết chỉnh trang đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính quyền TPHCM, trong đó di dời nhà trên và ven kênh rạch với hơn 20.000 hộ và cải tạo, xây mới 474 chung cư xuống cấp mà TP đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Đây là một chủ trương lớn cần đột phá về tư duy, đột phá về mục tiêu để thu hút nhà đầu tư.
TP cũng có chủ trương xã hội hóa để tiết giảm ngân sách nhà nước, do đó thời gian tới TP sẽ ban hành  các cơ chế chính sách mang tính đột phá để kêu gọi đầu tư. Ông Kiên cũng thay mặt TP giới thiệu 6 dự án chỉnh trang kênh rạch mà TP đang kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Hầu hết các dự án này sau khi chỉnh trang sẽ tạo quỹ đất để trả cho nhà đầu tư, nhà đầu tư cũng sẽ sử dụng các quỹ đất ven kênh-rạch sau khi cải tạo để đầu tư kinh doanh…
Lực hút nhà đầu tư Nhật Bản
Trong năm 2017, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt 5,2 tỷ USD (chiếm 50% lượng kiều hối cả nước), tăng 4,5% so với năm 2016,  trong đó khoảng 22% đầu tư vào thị trường BĐS. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 35,88 tỷ USD, tăng 1,67 lần so với năm 2016, tỷ lệ giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Đáng lưu ý, FDI vào thị trường BĐS đứng thứ 3 trên toàn quốc và đứng thứ 2 tại TPHCM.
 Hiện nay Chính phủ Nhật Bản có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để phát triển các đô thị vệ tinh quy mô lớn, xây dựng các đô thị thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng… Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng đầu tư phát triển vào việc phát triển các đô thị mới tại Việt Nam. Do đó Nhật Bản sẽ tạo điều kiện hết sức để các doanh nghiệp đạt được điều đó.
Ông Sakaki,
Phó Tổng Cục trưởng thuộc Bộ Đất đai Hạ tầng Nhật Bản
Năm 2017, Nhật Bản đã thay thế Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia thực hiện các dự án hạ tầng đô thị lớn thuộc nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Mitsui, Maeda...
Đặc biệt, trong khoảng 5 năm gần đây, đã có một số quỹ đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp BĐS Việt Nam dưới các hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay để phát triển các dự án BĐS theo tiêu chuẩn Nhật Bản, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Đơn cử như Mitsubishi Corporation với Phúc Khang Corporation; Tokyu đầu tư vào Hưng Thịnh Corporation; Nishi Nippon Railways với Nam Long Corporation; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát; Creed Group với Công ty An Gia.  
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, tiềm năng hợp tác đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS Nhật Bản và Việt Nam rất lớn trong thời gian tới đây. Các doanh nghiệp trong nước tiếp tục khẳng định vai trò thống lĩnh thị trường BĐS, kể cả trong thị trường mua bán (M&A), chuyển nhượng dự án, thị trường xây lắp, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại. Riêng lĩnh vực môi giới văn phòng cho thuê cao cấp, dịch vu môi giới bán nhà cho người nước ngoài, quản lý dự án BĐS cao cấp, lợi thế đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội tại TPHCM ảnh 2 Lễ ký kết hợp tác phát triển giữa Mitsubishi Corporation (49%) và Phuc Khang Corporation (51%),
là một trong những dự án "BĐS xanh" theo tiêu chuẩn Leed (Hoa Kỳ) đầu tiên tại Việt Nam. 
Xu hướng “BĐS xanh”
Ông Keiji Kimura, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái ở nước ngoài (J-CODE), kiêm Chủ tịch Mitsubishi Corporation, cho biết: “Nhật Bản đã trải qua quá trình phát triển đô thị mà Việt Nam hiện nay đang đối mặt như ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước…
Do đó, các nhà đầu tư Nhật Bản với kinh nghiệm có thể hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng một đô thị phát triển bền vững, xây dựng các khu dân cư “xanh”. Các dự án "BĐS xanh", có không gian sống thân thiện môi trường theo hướng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây  sẽ là xu thế được lựa chọn”. 
Trước đó, Mitsubishi Corporation (49%) và Phuc Khang Corporation (51%) thống nhất thành lập Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) để cùng đầu tư, phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus, dự án nhà ở đầu tiên tại Viet Nam được xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn Leed (USGBC - Hoa Kỳ) - một tiêu chuẩn công trình xanh uy tín và phổ biến tại 150 quốc gia trên thế giới.
Cùng những tiện ích hiện đại, đáp ứng những nhu cầu khắt khe của chuẩn Leed, Lotus, như công nghệ tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nước, xanh hóa và cách nhiệt. Dự án chủ yếu tập trung vào tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng ở TPHCM. 
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation cho biết, một doanh nghiệp còn non trẻ như Phuc Khang nhưng được một doanh nghiệp có bề dày lịch sử, uy tín trên thương trường thế giới chọn hợp tác là niềm tự hào. Làm việc với Nhật Bản sẽ học hỏi được nhiều thứ như tư duy, văn hóa doanh nghiệp…
Dựa vào những bí quyết đã tích lũy qua các dự án BĐS ở nhiều quốc gia, Mitsubishi Corporation sẽ tham gia cải thiện các thành phần giá trị gia tăng trong việc phát triển dự án, bằng cách giới thiệu một loạt các công nghệ xây dựng Nhật Bản, bao gồm quản lý chất lượng và quản lý tiến độ.
Chính vì vậy, Mitsubishi Corporation và Phuc Khang Corporation với sự tương đồng về triết lý kinh doanh, chiến lược phát triển dựa trên nền tảng phát huy giá trị truyền thống dân tộc giàu nhân văn, và quan trọng hơn là cùng định hướng trong phát triển bền vững và kiến tạo môi trường sống cho thế hệ tương lai.
“Mục tiêu hợp tác liên doanh giữa hai thương hiệu sẽ mở ra một cơ hội để cung cấp cho thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là khu vực TPHCM sẽ có thêm những khu đô thị đẳng cấp, thân thiện với môi trường, văn minh theo chuẩn xanh chính phẩm với chất lượng và công nghệ Nhật Bản” - bà Mẫu chia sẻ. 

Các tin khác