Đồng bộ tháo gỡ rào cản thị trường địa ốc

(ĐTTCO)-Thực trạng hàng loạt dự án BĐS bị ngưng trệ do chồng chéo của pháp luật, cán bộ thực thi hiểu khác nhau trước một vấn đề, các vấn đề cũ kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết… đã được nêu ra “mổ xẻ” tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp BĐS, tổ chức cuối tuần qua do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì. 
Khách tham quan sa bàn dự án Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City.
Khách tham quan sa bàn dự án Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City.
Một nội dung nhiều cách hiểu
Trình bày dự thảo của UBND TPHCM về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình, nêu ra hàng loạt tồn tại vướng mắc, cũng như đưa ra các giải pháp kèm theo nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Theo đó, về quy trình thực hiện dự án nhà ở, dự thảo đưa ra 5 bước (giảm 1 bước so với trước đây). Trong đó, việc thực hiện bước 4 “lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - sổ đỏ” cho doanh nghiệp xong, mới tiến hành thực hiện bước 5 “công nhận chủ đầu tư, chấp nhận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng”.
Tuy nhiên ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng bước 4 và bước 5 cần gộp lại thành một bước hợp lý và khoa học hơn.
“Bước 4 quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất trước khi được công nhận là chủ đầu tư, chưa được thẩm định thiết kế dự án, chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được triển khai thi công, là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và cũng không phù hợp thực tiễn.
Bởi lẽ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật đều không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, giai đoạn thi công xây dựng trước khi bán nhà, nền nhà, hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai”- ông Châu nhấn mạnh. 
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, cho rằng doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính xong mới được cấp phép xây dựng, không thể để doanh nghiệp triển khai dự án hoàn thành mà chưa thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước vì đây là nguồn lực của Nhà nước.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc và Xây dựng SSG 2, cho rằng cần bắt buộc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính trước để biết năng lực doanh nghiệp như thế nào, cũng như  xác định được giá thành sản phẩm, tránh tình trạng thua lỗ rồi bỏ dự án dở dang.
Một trong những những vấn đề gây ách tắc nhiều dự án trong thời gian qua, là xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở. Về vấn đề này, UBND TP sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho áp dụng chung trên địa bàn TP. Theo đó, đối với quỹ đất có tổng diện ích dưới 1.000m2 do Nhà nước quản lý trong các dự án nhà ở, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP giao chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch.
Đối với quỹ đất có tổng diện tích từ 1.000m2 trở lên, kiến nghị Thủ tướng cho TP thực hiện hoán đổi với chủ đầu tư có quỹ đất với diện tích tương đương ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Ngoài ra, TP cũng kiến nghị nhiều vấn đề đối với các bộ ngành Trung ương để thống nhất quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. 

Lập tổ công tác để giải quyết
 Chỉ một sự việc nhỏ các sở phối hợp không đồng bộ để doanh nghiệp phải trả giá 11 tháng. Được hay không được phải trả lời cho doanh nghiệp biết.
 Ông Nguyễn Thành Phong,
Chủ tịch UBND TPHCM
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết từ năm 2000 đến nay, BĐS được xác định 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của TP. Thời gian qua tuy có thăng trầm, nhưng BĐS vẫn có sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn TP có khoảng 15.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Lĩnh vực BĐS ngày càng khó khăn, giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân chỉ đạt 4,3%. Năm 2019 riêng 10 tháng đầu năm ngành xây dựng tăng trưởng âm, cuối năm 2019 mới tăng  được 1%. Các dự án nhà ở thương mại được công nhận đầu tư trong năm 2019 cũng chỉ có 4 dự án, giảm 24 dự án so với năm 2018. Điều này cho thấy ngành BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn. 
Về dự thảo tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư các dự án nhà ở, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện để thống nhất khi triển khai. Thực tế cho thấy, thời gian qua sự phối hợp giữa các sở ngành chưa đồng bộ. Có những vấn đề, như trường hợp của Công ty Lê Thành, chỉ riêng nội dung trả lời chỉ tiêu quy hoạch cho 1 dự án mất gần cả năm nhưng không cơ quan nào trả lời.
“Chỉ một sự việc nhỏ như vậy các sở phối hợp không đồng bộ để doanh nghiệp phải trả giá 11 tháng. Mai mốt mấy ông (giám đốc sở - PV) nghỉ hưu, làm doanh nghiệp, nghe chuyện này mấy ông mới thấy bức xúc như thế nào. Được hay không được cũng phải trả lời cho doanh nghiệp biết” - Chủ tịch TP nhấn mạnh 
Theo ông Nguyễn Thành Phong, quy trình 5 bước hay 6 bước không quan trọng nhưng vấn đề là phải ấn định thời gian trong bao lâu xong. Tạo thông thoáng để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư nhưng cũng phải đúng quy định của pháp luật. Những kiến nghị nào thuộc thẩm quyền Trung ương, đề nghị đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để trực tiếp tháo gỡ cho TP, cho doanh nghiệp.
Riêng các kiến nghị cụ thể của 19 doanh nghiệp, đề nghị Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thành lập tổ công tác giải quyết từng trường hợp cụ thể, đến 30-4 năm nay phải dứt điểm. Ngoài ra cứ 3 tháng lãnh đạo TP sẽ trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe tháo gỡ những vướng mắc kịp thời.

Các tin khác