Gia tăng hiểm họa sạt lở ven sông

(ĐTTCO) - Trong vòng 5 năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép, không phép trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đã làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, gia tăng xói lở bờ sông, kênh rạch tại TPHCM. 

Mùa mưa ở TP đang vào cao điểm, cùng với việc khai thác cát vô tội vạ, thực trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch đang gây nguy cơ sạt lở cao.

Nỗ lực đối phó
 Địa bàn quận, huyện nào có các dự án xây dựng công trình khắc phục sạt lở, UBND quận, huyện phải tập trung đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho tất cả các chủ đầu tư trước ngày 1-1-2018, nhằm khẩn trương thi công hoàn thành dự án trong năm 2018.
Ông Lê Thanh Liêm
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Dù đã có nhiều công trình được xây dựng với kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng theo các chuyên gia môi trường đô thị khả năng bị ảnh hưởng bởi thiên tai đối với TPHCM vẫn hiện hữu, bởi quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang an toàn bờ sông, kênh rạch, hồ chứa nước làm gia tăng tải trọng sát mép bờ sông, thu hẹp dòng chảy dẫn đến gia tăng lưu tốc dòng chảy, làm xuất hiện hàm ếch gây sạt lở đất.
Bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát trái phép trên các dòng sông làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, gia tăng xói lở bờ sông, kênh rạch. Các hành vi xả rác xuống kênh, rạch gây tắc nghẽn dòng chảy ảnh hưởng đến tiêu thoát nước vẫn còn tiếp diễn...
Theo một kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND TPHCM ban hành, TP sẽ triển khai các dự án thích nghi và giảm thiểu thiệt hại do tác động biến đổi khí hậu trong 10 lĩnh vực kinh tế - xã hội. Theo đó, để từng bước chống ngập và sạt lở TP sẽ xây dựng 1 tuyến đê bao và 6 cống ngăn triều gồm Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Sông Kinh.
Bên cạnh đó, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), cũng được UBND TPHCM thông báo đang bước vào giai đoạn chuẩn bị nghiệm thu, hoàn thành trong năm 2018, giúp kiểm soát được ngập do triều cường cho lưu vực khoảng 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.
Đây là dự án do 1 doanh nghiệp tư nhân đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, với các hạng mục lớn như 6 cống kiểm soát triều lớn, đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, 68 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối, trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Gia tăng hiểm họa sạt lở ven sông ảnh 1 Một vụ sạt lở ở huyện Nhà Bè khiến nhà cửa người dân rơi xuống sông.  Ảnh: Đ.TRUNG 
Theo Sở GT-VT TPHCM, trên địa bàn TP hiện có 40 vị trí sạt lở. Ngoài các vị trí ở khu vực Thanh Đa đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh, các vị trí còn lại đang tiếp tục triển khai.
Tại huyện Nhà Bè có 16 vị trí sạt lở, trong đó 11 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 5 vị trí nguy hiểm. UBND TPHCM đã cho triển khai 17 dự án xây dựng kè với chiều dài 7.441m để xử lý 16 vị trí này. Trong đó Khu Quản lý đường thủy nội địa thực hiện 13 dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Nhà Bè làm chủ đầu tư 4 dự án.

Áp lực giải phóng mặt bằng
Nhận định về mức độ nguy hiểm của các vị trí sạt lở, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GT-VT TPHCM, cho biết qua khảo sát trực tiếp tại 40 vị trí sạt lở, xuất hiện 2 đoạn có nguy cơ sạt lở tại bờ trái sông Sài Gòn khu vực nhà thờ Fatima (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng (ấp 1, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè).
Cả 2 đoạn này đều tập trung đông dân cư, đặc biệt là khu vực bờ trái sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu 600m, có 42 căn nhà có nguy cơ sạt lở, trong đó 13 căn nhà nằm hoàn toàn trên sông, 14 căn nhà một nửa nằm trên sông, một nửa nằm trên bờ và 15 căn nhà nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch. Hiện Sở GT-VT đang phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát thực địa để lập báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư dự án, trình lãnh đạo UBND TPHCM xem xét, quyết định đầu tư xây dựng bờ kè tại 2 đoạn này.
Theo ông Trần Quang Lâm, cái khó khi triển khai các dự án là công tác giải phóng mặt bằng phải qua nhiều thủ tục tốn thời gian, trong khi người dân ở sát bờ sông có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Vì vậy, các đơn vị một mặt thực hiện các thủ tục triển khai dự án, mặt khác vận động người dân bàn giao mặt bằng để thi công. Điểm nào có mặt bằng tổ chức thi công ngay.
Tuy vậy công tác bàn giao mặt bằng của các địa phương vẫn còn khá chậm, kéo dài, như tại các dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố (quận 2), xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi (huyện Bình Chánh), xây dựng kè bảo vệ chống sạt lở khu vực cầu Long Kiểng, xây dựng kè bảo vệ chống xói lở bờ sông khu vực khu dân cư xã Phước Kiểng...
Hiện UBND TPHCM yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan ngay trong năm 2017 bố trí thêm 20 tỷ đồng để thực hiện các dự án. Trong đó, riêng dự án chống sạt lở khu vực rạch Giồng sông Kinh Lộ được tạm ứng trước 10 tỷ đồng để sớm thi công.
Đối với các quận, huyện có vị trí nguy cơ xảy ra sạt lở, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân để các chủ đầu tư sớm triển khai thi công dự án, không để tình trạng này kéo dài nhiều năm.

Các tin khác